Ngày 16/3, Sở Y tế Lào Cai thông tin các học sinh này thuộc bốn trường ở thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, gồm: Trường THPT số 1 Bảo Yên, Trường THCS số 1 Phố Ràng, Trường Tiểu học số 1 và Tiểu học số 2.

Sở Y tế ghi nhận ngày 9/3 Trạm Y tế huyện Bảo Yên báo cáo 133 học sinh có triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi. Đến ngày 13/3, số học sinh có triệu chứng tăng lên 237 em. Bác sĩ lấy mẫu ngẫu nhiên 45 trường hợp test nhanh Covid-19, kết quả âm tính. Ba trường hợp ngẫu nhiên test nhanh cúm A và cúm B, kết quả dương tính với cúm A nhưng chưa rõ chủng.

Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện cho hay số học sinh còn lại không test, tuy nhiên các em xuất hiện triệu chứng cùng thời điểm, có yếu tố dịch tễ liên quan lớp học với nhau nên dễ lây lan. "Khả năng cao tất cả các em nhiễm cúm A", đại diện Sở Y tế cho biết.

Hiện, các học sinh có triệu chứng được nghỉ học, cách ly theo dõi, điều trị tại nhà. Trường học có ca bệnh được phun khử khuẩn, thầy cô nhắc nhở học sinh đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Trung tâm Y tế huyện điều tra dịch tễ, triển khai các biện pháp phòng bệnh lây lan trong cộng đồng.

z4183317836432-e0b3a0d5ce19eb3-4877-7985-1678954163.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Ls-5WsAvKMqtU1IUVr2xnw

Ba mẫu bệnh phẩm học sinh ở Lào Cai test dương tính cúm A. Ảnh: Sở Y tế cung cấp

Theo các chuyên gia, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường lưu hành khi thời tiết chuyển mùa, do các chủng virus cúm A phổ biến như H1N1, H3N2, H5N1, H7N9 gây nên. Trong đó, chủng H7N9 và H5N1 lưu hành ở gia cầm, có nguy cơ lây sang người, trở thành dịch.

Trẻ mắc cúm A thể nhẹ có biểu hiện như sốt từ 38 độ C, nhức đầu, mỏi cơ, lười vận động; ho, đau họng, chảy mũi, ngạt mũi.

Bệnh cúm A diễn biến nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và có thể bùng thành đại dịch. Bất kỳ ai cũng có thể mắc cúm A. Nhóm dễ mắc và nguy cơ biến chứng nặng hơn là người trên 65 tuổi; trẻ em dưới 2 đến 5 tuổi; người có bệnh nền như huyết áp, tim mạch, bệnh phổi mạn tính; phụ nữ mang thai; người bị suy giảm miễn dịch (HIV, sử dụng corticoid kéo dài).

Dấu hiệu bệnh nặng là sốt cao từ 39 độ trở lên, dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng, li bì, mệt mỏi, kém ăn, bỏ ăn, nôn trớ, chân tay lạnh, co giật hoặc khó thở, thở nhanh... cần đến viện. Biến chứng cúm A là viêm tai giữa, viêm thanh khí - phế quản, viêm phổi, nặng hơn thì suy hô hấp, viêm màng não, viêm cơ tim.

Sở Y tế khuyến cáo cúm A lây truyền qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi... giọt bắn mang virus thoát ra, người lành hít vào có thể nhiễm bệnh. Sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt hoặc tiếp xúc chung bề mặt với người bệnh sau đó đưa tay lên mũi, miệng; tiếp xúc với động vật bệnh (gia cầm), cũng có nguy cơ mắc bệnh.

Vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên cho trẻ, xịt khử khuẩn đồ dùng, đồ chơi, vệ sinh nơi ở. Tránh cho trẻ tiếp xúc với người mắc cúm hoặc nghi ngờ mắc cúm. Tiêm vaccine phòng cúm cho trẻ đúng lịch. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc Tamiflu khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022