
Theo thống kê của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 114.906 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 19 ca tử vong. Một số trường hợp khi mắc bệnh sẽ có nguy cơ cao gặp biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết hiện nay không còn là căn bệnh "đến hẹn lại lên" vào mùa mưa, mà sốt xuất huyết hiện đã xuất hiện quanh năm, không giới hạn vùng miền, trở thành mối đe dọa thường trực đối với sức khỏe cộng đồng.

Ảnh minh họa
Theo TS.BS Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: "Sốt xuất huyết đang có xu hướng lan rộng cả về thời gian lẫn địa lý, không chỉ bùng phát tại miền Nam, bệnh đang lan rộng tại Tây nguyên và cả miền Bắc với điểm nóng là Hải Phòng, Hà Nội.
Diễn biến khí hậu bất thường, hiện tượng mưa trái mùa và nhiệt độ cao bất thường kéo dài đã mở rộng điều kiện sinh sản cho muỗi truyền bệnh. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, tình trạng tích trữ nước sinh hoạt và các khu dân cư đông đúc cũng tạo ra môi trường lý tưởng cho muỗi vằn phát triển. Đặc biệt, giao thương phát triển mạnh mẽ giữa các vùng miền khiến muỗi dễ dàng "theo chân" con người di chuyển khắp cả nước làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch ở cả những nơi trước đây hiếm ghi nhận ca bệnh".
Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết
Virus Dengue là nguyên nhân dẫn đến bệnh sốt xuất huyết với 4 type gây bệnh gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Virus có thể lan truyền từ người bệnh sang người lành thông qua vật chủ trung gian là muỗi Aedes Aegypti hay muỗi vằn. Trong khi đó, muỗi Vằn có khả năng sinh sôi, phát triển ở những vùng có nước đọng, ẩm thấp, vệ sinh kém,… nhất là vào mùa mưa, nguy cơ bùng phát thành dịch cao.
Chính vì vậy, để phòng sốt xuất huyết, cách tốt nhất là tiêu diệt muỗi, phá huỷ môi trường sống của chúng bằng cách phát quang bụi rậm, giữ môi trường khô thoáng và sạch sẽ, loại bỏ phế thải gây đọng nước,… Bên cạnh đó, mỗi người cũng cần phải chủ động trang bị những kiến thức cần thiết cũng như dấu hiệu sốt xuất huyết để sớm nhận biết và phát hiện bệnh.
Dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết
Thời gian ủ bệnh của virus thường là từ 3 - 7 ngày, trong thời gian này, hầu hết người bệnh không có triệu chứng sốt xuất huyết hoặc các biểu hiện không rõ ràng dẫn đến việc nhầm lẫn với các bệnh thông thường như sốt siêu vi, cảm cúm. Sau thời gian ủ bệnh, cơ thể dần xuất huyết các triệu chứng rõ ràng hơn. Khi đó, bạn có thể nhận biết sốt xuất huyết thông qua các biểu hiện sau:

Người bệnh sốt trên 39 độ C và thường kéo dài liên tục khoảng 2 - 3 ngày, có thể hơn nhưng thuốc hạ sốt không có tác dụng. Đau đầu, đau hốc mắt, đau nhức các khớp, cơ, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, bứt rứt, ho khan, nổi mẩn đỏ hoặc phát bạn, các nốt bạn xuất hiện lai rai sau đó lan khắp cơ thể, gây ngứa ngáy. Chảy máu ở nhiều vị trí với mức độ tăng dần, kinh nguyệt rối loạn, rong kinh, người bệnh mệt mỏi, đau bụng, tức ngực, khó thở,… Tình trạng nặng hơn có thể dẫn đến sốc do mất máu, rối loạn ý thức, huyết áp tụt, hôn mê,…
Có nhiều bệnh nhân khi bị sốt xuất huyết sẽ xuất hiện các triệu chứng bên ngoài nên dễ dàng nhận biết sớm. Tuy nhiên, một số trường hợp, sốt xuất huyết diễn biến âm thầm và khi đột ngột phát triệu chứng ra bên ngoài thì đã chuyển sang giai đoạn nặng hoặc xuất hiện biến chứng khiến việc điều trị khó khăn hơn.
Sai lầm cần tránh khi bị sốt xuất huyết
Không đến bệnh viện thăm khám: Sốt xuất huyết là bệnh lý cấp tính diễn tiến khó lường. Người bệnh nên đi bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng cách, từ đó kiểm soát sớm các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Điều này càng quan trọng trong trường hợp xuất hiện những dấu hiệu bất thường như: mệt mỏi, đau bụng dữ dội, buồn nôn, chân tay tiết mồ hôi, sởn lạnh, nôn mửa dai dẳng, phân có màu đen, hắc ín, khó thở, chảy máu mũi…
Tự ý dùng thuốc: Người bệnh bị sốt xuất huyết tự ý dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ có thể làm tăng nguy cơ gây suy giảm miễn dịch, xuất huyết, thậm chí xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm khác, có thể đe dọa đến tính mạng. Thay vào đó, để đảm bảo an toàn cũng như hiệu quả điều trị, người bệnh cần đi khám khi có dấu hiệu bệnh, dùng thuốc hoặc các phương pháp khác theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Cách chăm sóc bệnh sốt xuất huyết tại nhà
Người bệnh sốt xuất huyết cần được nằm nghỉ ngơi, hạn chế đi lại. Tăng cường việc uống nước và bổ sung thêm các loại nước trái cây, nước ép rau củ,… và bổ sung chất điện giải bằng dung dịch Oresol.
Không uống nước ngọt, rượu, bia hoặc các loại đồ uống có cồn, gas để thay thế nước lọc. Ăn thức ăn nhẹ ở dạng mềm, lỏng, dễ nuốt và ít dầu mỡ, nên chế biến thành dạng cháo, súp,… Tăng cường thực phẩm giàu protein như thịt, cá, trứng, sữa,… Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày, tránh việc ăn quá nhiều một lúc khiến việc tiêu hoá trở nên khó khăn.
Nếu bệnh nhân sốt cao có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol kết hợp với mặc quần áo thông thoáng, rộng rãi và chườm ấm ở các vị trí bẹn, nách.
Trong quá trình theo dõi, bệnh nhân cũng cần phải xét nghiệm tiểu cầu định kỳ tùy theo giai đoạn bệnh và mức độ giảm tiểu cầu. Với xét nghiệm này, bệnh nhân có thể làm xét nghiệm tại nhà mà không phải đến bệnh viện.
Bác sĩ khuyến cáo, mặc dù nhiều trường hợp sốt xuất huyết có thể tự khỏi nhanh chóng mà không cần can thiệp điều trị nhưng vẫn có những bệnh nhân chuyển hướng nặng với các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Do đó, ngay khi cơ thể có dấu hiệu sốt xuất huyết thì cách tốt nhất là bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám và chẩn đoán. Thông qua kết quả xét nghiệm cũng như các kiểm tra chuyên sâu khác, bác sĩ sẽ tư vấn biện pháp điều trị thích hợp nhất giúp người bệnh mau khỏi.

GĐXH – Ở ngày thứ 6 của sốt xuất huyết, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao 39°C, tiểu cầu giảm sâu, xuất huyết tiêu hóa lượng lớn.

GĐXH – Theo các bác sĩ, đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.