1. Đau đầu có phải là bệnh không?

Đau đầu không phải là một căn bệnh cụ thể mà thường là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau. Nó có thể xuất phát từ các nguyên nhân đơn giản như căng thẳng, thiếu ngủ, đói, hoặc nghiêm trọng hơn như các bệnh lý về thần kinh, mạch máu, u não , xuất huyết não...

2. Nhóm người nào dễ bị đau đầu?

Đau đầu do nhiều yếu tố gây ra, từ các yếu tố bên ngoài như môi trường, chế độ ăn uống đến các yếu tố bên trong cơ thể như căng thẳng, thay đổi nội tiết tố.

Một số nhóm người thường xuyên gặp phải tình trạng này bao gồm:

Phụ nữ: Phụ nữ thường dễ bị đau đầu hơn nam giới, đặc biệt là trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai hoặc mãn kinh do sự thay đổi hormone.

Người cao tuổi: Các bệnh lý liên quan đến tuổi tác như tăng huyết áp , đái tháo đường, các vấn đề về mạch máu có thể gây đau đầu.

Thiếu ngủ, mất ngủ: Mất ngủ hoặc ngủ không đủ giấc có thể gây đau đầu.

Lạm dụng chất kích thích: Rượu, bia, cà phê, thuốc lá có thể làm tăng tần suất và cường độ của cơn đau đầu.

Người thường xuyên căng thẳng, lo âu: Căng thẳng kéo dài là một trong những nguyên nhân chính gây đau đầu.

dau-dau-6-17312404708401166322536-1731314311834-1731314316896633203260.jpg

Căng thẳng thường dễ gây đau đầu.

3. Tại sao căng thẳng lại dễ gây đau đầu?

Căng thẳng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau đầu. Khi căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra các hormone gây căng thẳng, làm co thắt các mạch máu và cơ bắp ở vùng đầu, cổ, từ đó dẫn đến cảm giác đau nhức.

Cơn đau thường âm ỉ, có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, thậm chí kéo dài hàng tuần nếu căng thẳng kéo dài kèm theo cảm giác mệt mỏi, khó tập trung, khó ngủ.

4. Thay đổi thời tiết có gây đau đầu không?

Nhiều người cảm thấy đau đầu khi thời tiết thay đổi. Nguyên nhân do sự thay đổi áp suất khí quyển có ảnh hưởng đến các mạch máu trong não, gây ra đau đầu. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột cũng có thể gây co thắt mạch máu, dẫn đến đau đầu. Ngoài ra, tình trạng độ ẩm cao làm trầm trọng thêm các triệu chứng dị ứng và gây đau đầu.

5. Khi nào cần đi khám?

Không phải cơn đau đầu nào cũng đáng lo ngại nhưng sẽ trở nên nguy hiểm khi có biểu hiện đau đầu đột ngột và rất dữ dội. Đây có thể là dấu hiệu của xuất huyết não, viêm màng não hoặc các tình trạng nghiêm trọng khác; Đau đầu kèm theo các triệu chứng thần kinh như: chóng mặt , mất thăng bằng, mất thị lực, nhìn mờ, khó nói, cứng cổ…

Do đó, khi có biểu hiện như trên hoặc cơn đau ngày càng tăng về tần suất và cường độ, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, người bệnh cần gặp bác sĩ chuyên khoa khám. Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, chụp chiếu và xét nghiệm để xác định nguyên nhân và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

6. Đau đầu có nên uống thuốc giảm đau không?

Việc có nên uống thuốc giảm đau khi đau đầu hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu cơn đau đầu không nghiêm trọng, do căng thẳng hay thời tiết, có thể dùng thuốc giảm đau để giảm nhẹ triệu chứng.

Về thuốc giảm đau, có nhiều loại thuốc giảm đau khác nhau, mỗi loại có tác dụng và tác dụng phụ khác nhau. Việc lạm dụng thuốc giảm đau có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như đau dạ dày, loét dạ dày, suy thận. Cách tốt nhất cần đi khám bác sĩ để được tư vấn dùng thuốc đúng cách.

Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh sẽ có các lựa chọn thuốc trị đau đầu phù hợp. Để dùng thuốc trị đau đầu hiệu quả, an toàn, tránh các tác dụng phụ, người bệnh cần lưu ý không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối tuân thủ chỉ định dùng thuốc, tránh lạm dụng thuốc. Trong thời gian dùng thuốc nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.

7. Cách chăm sóc người bị đau đầu

Để làm giảm cơn đau đầu người bệnh cần tìm một nơi yên tĩnh, tối và nghỉ ngơi. Ngủ đủ giấc. Massage nhẹ nhàng vùng thái dương, trán và cổ.

Điều chỉnh chế độ ăn uống, uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế đồ ăn cay nóng, đồ uống có gas, chất kích thích. Giảm thiểu việc sử dụng rượu, bia, cà phê, thuốc lá vì nó có thể làm tăng tần suất và cường độ của cơn đau đầu.

Tập thể dục đều đặn giúp giảm căng thẳng và cải thiện tuần hoàn máu. Thực hiện các bài tập thư giãn như yoga , thiền, thở sâu…

8. Đông y có chữa được đau đầu không?

Đông y có thể điều trị đau đầu thông thường bằng các phương pháp dùng các bài thuốc thảo dược có tác dụng giảm đau, thông kinh hoạt lạc, điều hòa khí huyết; Châm cứu tác động vào các huyệt vị trên cơ thể để điều hòa khí huyết, giảm đau; Xoa bóp giúp thư giãn cơ bắp, giảm căng thẳng, cải thiện tuần hoàn máu; Kết hợp các phương pháp như ngâm chân, xông hơi để giảm đau.

Để an toàn và có hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh cần đến các bệnh viện, phòng khám Đông y uy tín để thăm khám và được kê đơn thuốc phù hợp.

dau-dau-17312970837576777674-1731314323065-1731314327144380226986.jpg

Nên đi khám khi có dấu hiệu đau đầu kéo dài, bất thường.

9. Khi bị đau đầu nên đi khám ở đâu?

Đau đầu là một triệu chứng thường gặp của nhiều bệnh lý thần kinh như đau nửa đầu, đau đầu căng thẳng, đau đầu do viêm xoang, u não, đột quỵ... Người bệnh nên đi khám tại các bệnh viện lớn có nhiều chuyên khoa như Thần kinh, Tai mũi họng, Tim mạch…

Khi đi khám, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ cụ thể về tình trạng đau đầu, tiền sử mắc bệnh, các loại thuốc đang dùng… Điều này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị chính xác.

10. Chi phí khám và điều trị đau đầu

Chi phí khám và điều trị đau đầu có thể thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào các yếu tố bao gồm: mức độ bệnh, các chi phí xét nghiệm, chụp chiếu... Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm khác nhau. Các phương pháp điều trị khác nhau sẽ có một mức chi phí riêng.

Nếu người bệnh có bảo hiểm y tế có thể được chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí khám chữa bệnh.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022