Vua Felipe VI, Hoàng hậu Letizia, Thủ tướng Pedro Sanchez và một số quan chức Tây Ban Nha hôm 3/11 đến thăm thị trấn Paiporta, nơi bị tàn phá nặng nề vì trận lũ lụt lịch sử ở vùng Valencia, miền đông nước này từ cuối tháng 10.

Khi họ tiến vào thị trấn, người dân địa phương đã tập trung ném bùn đất vào nhà vua, Thủ tướng và các quan chức, chỉ trích chính quyền phản ứng chậm trễ trước thảm họa.

Paiporta là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất trong đợt lũ quét khiến hơn 200 người thiệt mạng ở vùng Valencia hôm 29/10. Chỉ riêng tại Paiporta đã ghi nhận ít nhất 60 người thiệt mạng.

Khi bị người dân ném bùn, Thủ tướng Sanchez và các chính trị gia nhanh chóng rời đi dưới hộ tống của nhân viên an ninh, trong khi Vua Felipe VI và Hoàng hậu quyết định ở lại, dù bị trúng bùn vào mặt và quần áo. Nhiều người đã dùng xẻng hất bùn về phía Vua và Hoàng hậu, nói nhiều lời xúc phạm.

Trong lúc các cận vệ tìm cách dùng ô che chắn, Vua Felipe VI đã yêu cầu để ông đến gần hơn và trò chuyện với người dân, dù một số người trong đám đông hô khẩu hiệu phản đối ông. Vua và Hoàng hậu Tây Ban Nha đã trao đổi, trấn an người dân trong một giờ sau đó.

thu-tuong-vua-tay-ban-nha-bi-la-o-nem-bun-khi-tham-vung-lu-1730651483.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Zh6g4Bmx3_kBx50crC4myw
Thủ tướng, vua Tây Ban Nha bị la ó, ném bùn khi thăm vùng lũ

Vua Felipe VI được nhân viên an ninh bảo vệ trong chuyến thăm thị trấn Paiporta hôm 3/11. Video: 3/24

Montserrat Nebrera, chuyên gia về hiến pháp tại Đại học Quốc tế Catalonia, cho rằng hình ảnh Vua Felipe VI ở lại bất chấp trận mưa bùn đất là khoảnh khắc mang tính biểu tượng.

"Đây có thể là hình ảnh ấn tượng nhất của Vua Felipe. Nếu ông ấy yêu cầu vệ sĩ che chắn rồi tháo chạy, đó có thể là ngày đen tối nhất của triều đại. Ông ấy đã cho thấy lý do ông là vua, khi thể hiện sự điềm tĩnh bằng cách đến gần người dân nhất có thể", Oriol Bartomeus, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Tự trị Barcelona, giải thích.

Giáo sư lưu ý Vua Felipe đã không tỏ ra rằng mình là bề trên của người dân. "Ông ấy không an ủi dân như một vị vua, mà đối thoại với họ, đặt mình dưới nhà nước, và nói với dân rằng nhà nước chưa đến nhưng sẽ đến".

ap24308574760474-1730798709-17-2312-8937-1730799823.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HzfkHIkqUFeEiFqpHTVXzQ

Vua Felipe VI (áo khoác đen, sơ mi sọc xanh) đối thoại với người dân Paiporta bị lũ lụt ảnh hưởng, ngày 3/11. Ảnh: AP

Vua Tây Ban Nha là chức vụ đứng đầu hoàng gia nước này, nhưng chủ yếu mang tính biểu tượng, lễ nghi.

Vua Felipe VI, 56 tuổi, lên ngôi sau khi vua cha là Juan Carlos thoái vị năm 2015 sau loạt bê bối. Tuy nhiên, ông nhiều lần bị chỉ trích là xa cách, phải nhờ vào Hoàng hậu Letizia, vốn là cựu nhà báo, để đến gần với nhân dân hơn.

Vua Felipe từng phải hứng chịu những tiếng la ó khi tham gia lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công khủng bố Barcelona năm 2017.

Sau chuyến thăm Paiporta, ông đã họp với Thủ tướng Sanchez và giới chức ứng phó khẩn cấp ở Valencia, yêu cầu "đem lại hy vọng cho người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, đáp ứng nhu cầu và đảm bảo nhà nước luôn bên họ".

Đức Trung (Theo AP, CNN, El Mundo)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022