Chính quyền thành phố Nordelta, đô thị giàu có ở ngoại ô thủ đô Buenos Aires của Argentina, hôm 14/2 công bố kế hoạch triệt sản có chọn lọc và sử dụng thuốc tránh thai cho loài chuột lang nước capybara. Dự án nhằm kiểm soát quy mô quần thể capybara hoang dã với hơn 1.000 con, cao gấp ba lần so với 3 năm trước, và đã được giới chức tỉnh Buenos Aires phê duyệt.

Tờ El Pais đưa tin nhà chức trách sẽ tiêm hai liều thuốc tránh thai cho 250 con capybara với hy vọng có thể ngăn chúng sinh sản trong vòng một năm.

Marcelo Canton, người phát ngôn Hiệp hội Dân cư Nordelta, cho biết bản thân loài capybara không phải là vấn đề, nhưng "số lượng gia tăng quá mức" lại gây ra rắc rối.

"Loài Capybara có hơn 500 hecta hồ nước và công viên công cộng, không có động vật ăn thịt và không có ai săn bắt. Không có rào cản nào ngăn chúng sinh sôi. Chúng gây gổ lẫn nhau, cắn cả chó trong vườn của người dân, thậm chí dẫn tới tai nạn giao thông", ông nói.

924b0f7b-9e3c-44ff-b9f0-88f37c-6484-5012-1739706034.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_r1S9N4X6XFyratHn6aoTg

Một con capybara hoang dã tại thành phố Nordelta, Argentina, hồi năm 2021. Ảnh: Reuters

Dù vậy, không phải tất cả người dân thành phố đều đồng tình.

Nordelta nằm tại khu vực đầm lầy Parana, vùng đất ngập nước với hệ thực vật đa dạng, là nơi sinh sống của nhiều loài chim và hàng chục loài động vật có vú.

Silvia Soto, người tham gia nhóm cư dân mang tên "Nordelta Capybara", cho rằng không nên thực hiện kế hoạch trên vì loài capybara không phát triển quá mức như thống kê. Họ chỉ trích giới phát triển bất động sản vì phớt lờ những đề xuất tạo dựng hành lang sinh học và khu vực bảo tồn cho động vật.

"Suốt nhiều năm, chúng tôi đã yêu cầu thiết lập các khu vực xanh được liên kết với nhau, hoạt động giống như khu bảo tồn thiên nhiên kết nối bằng các hành lang sinh học nhằm bảo vệ loài capybara, tạo điều kiện để chúng sinh sống trong không gian tự nhiên. Tuy nhiên, những đề xuất và khảo sát của chúng tôi không được chú ý đến", ông nói.

Các nhà bảo vệ môi trường cũng vào cuộc và kêu gọi chính phủ Argentina bảo vệ capybara và hệ sinh thái vùng đầm lầy Parana.

Capybara là loài gặm nhấm lớn nhất trên thế giới, cơ thể tròn và có hình dáng giống thỏ. Loài chuột này sống thành bầy đàn, có khả năng thích nghi tốt với những môi trường ẩm ướt. Capybara được đặt biệt danh là "bộ trưởng ngoại giao" bởi có thể làm bạn với mọi loại động vật, cũng như được nhiều người yêu thích bởi tính dễ gần.

Vũ Hoàng (Theo Guardian, El Pais)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022