Bộ Nội vụ Nhật Bản ngày 18/9 thông báo số công dân trên 65 tuổi tại quốc gia này lên mức kỷ lục 36,27 triệu, chiếm 29,1% tổng dân số. Lượng người trên 75 tuổi là 19,37 triệu, chiếm hơn 15% dân số.
Nhật Bản cũng lần đầu ghi nhận số công dân trên 100 tuổi vượt 90.000 người, ở mức 90.526, có nghĩa là cứ 100.000 người Nhật Bản thì 72 người trên 100 tuổi.
Năm 1963, khi số liệu bắt đầu được thống kê, Nhật Bản ghi nhận người 153 người hơn 100 tuổi. Con số này tăng lên 1.000 vào năm 1981, 10.000 vào năm 1998 và 50.000 vào năm 2012.
Cụ ông Shigeru Nakamura 111 tuổi ở Hiroshima. Ảnh: Kyodo.
Nhật Bản là quốc gia "siêu già", nghĩa là hơn 20% dân số trên 65 tuổi. Trong số 200 quốc gia và lãnh thổ có dân số từ 100.000 trở lên trên thế giới, Nhật là nước có tỷ trọng dân số cao tuổi lớn nhất, Italy xếp thứ hai với 24,1%, tiếp theo là Phần Lan, 23,3%.
Tỷ lệ người cao tuổi ở nước này đã tăng đều kể từ năm 1950. Viện Nghiên cứu Quốc gia về Dân số và An sinh Xã hội Nhật Bản (IPSS) dự báo tỷ lệ người trên 65 tuổi sẽ lên mức 35,3% dân số vào năm 2040.
Nhật Bản đã phải chật vật đối phó với khủng hoảng nhân khẩu học kéo dài nhiều năm, khi tỷ lệ sinh liên tục giảm, làm dấy lên lo ngại về dân số già và lực lượng lao động thu hẹp.
Tổng dân số Nhật Bản đạt đỉnh vào năm 2010 với 127 triệu người và bắt đầu giảm dần. Đến năm 2065, con số này dự kiến giảm xuống còn khoảng 88 triệu.
Năm 2020, số lượng trường hợp đăng ký kết hôn ở Nhật Bản đã giảm 12,3%, xuống còn 525.490, con số thấp kỷ lục thời hậu chiến. Tỷ lệ sinh, số con trung bình một người phụ nữ sinh ra trong đời, giảm xuống còn 1,34, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới.
Người cao tuổi Nhật Bản tập thể dục ở thành phố Higashiosaka, tỉnh Osaka, ngày 21/9/2021. Ảnh: AFP.
Đức Trung (Theo Japan Times)