Theo Ancient Origins, trước đây các đồ tạo tác lâu đời nhất liên quan đến công nghệ sợi được ghi nhận ở Trung Quốc, khoảng hơn 8.000 năm tuổi. Nhưng phát hiện mới nhất ở Tabon cho thấy một cộng đồng cổ đại ở Philippines đã làm chủ điều này tận 40.000 năm về trước.

stone22-16884363702961387389202-1688458090481-16884580909891956459854.jpg

Các công cụ đồ đá hé lộ công nghệ sợi đã ra đời vào thời điểm không thể tin nổi ở Philippines - Ảnh: PLOS ONE

Trong nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí PLOS One, nhóm khoa học gia đã phân tích các công cụ đá trong hang Tabon, nơi nổi tiếng với hàng loạt hài cốt người tiền sử từng được khai quật.

Bằng chứng vi mô về sự hao mòn do thao tác trên sợi thực vật được hé lộ, cho thấy những con người cổ đại nơi đây đã bện dây thừng, đan giỏ từ mốc thời điểm không thể tưởng tượng đó.

Các bước nghiên cứu mở rộng cho thấy những cộng đồng ở khu vực mà Phillippines coi là cái nôi của nền văn minh này đã khéo léo lấy sợi dẻo dai từ các loại cây gồ ghề như cọ và tre để dệt và buộc.

tabon-1688436370406503329376-1688458091628-168845809186529590445.jpg

Hang động Tabon - Ảnh: ANCIENT ORIGINS

Nhà nghiên cứu Hermine Zhauflair từ Trường Đại học Phillippines Diliman nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ sợi trong quá trình tiến hóa của loài người.

Tiến bộ công nghệ này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc lắp ráp các đồ vật đa dạng như giỏ, bẫy, dây thừng để làm nhà, cung tên để săn bắn... và sau này là những chiếc thuyền vững chắc, có buồm.

Bộ công cụ dệt sợi, đan giỏ của những người đồ đá Đông Nam Á này cũng khác biệt so với công cụ được tìm thấy ở châu Phi và châu Âu, nhiều kích cỡ và hình dạng hơn.

Các nhà khoa học tin rằng sự thay đổi này là do quá trình họ thích nghi với môi trường trong "thời đại của tre", một loài cây mọc phổ biến trong khu vực.

Nghiên cứu đột phá này không chỉ làm sáng tỏ công nghệ sợi cổ xưa ở Đông nam Á mà còn nhấn mạnh khả năng khéo léo của những con người thuộc quần thể rất sơ khai trong khu vực, cũng như khả năng thích nghi đáng kinh ngạc của họ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022