Năm thứ ba đón Tết ở Việt Nam, Jeon Hyong-jun, 27 tuổi, chuyên gia hiệu đính chương trình tiếng Hàn Quốc của Đài Tiếng nói Việt Nam, vẫn chưa hết ấn tượng với cảnh đông đúc, nhộn nhịp và "đặc sản" tắc đường ở Hà Nội trong những ngày giáp Tết.
"Đường phố những ngày cận Tết cực kỳ đông đúc, ai cũng hối hả. Hầu như xe nào trên phố cũng chở theo cành đào, chậu quất", Hyong-jun nói với VnExpress. Bởi vậy, cảnh vắng xe cộ, yên bình ngày Tết khiến Jeon Hyong-jun cảm thấy khác lạ xen lẫn hào hứng.
Jeon Hyong-jun đi mua đào đón Tết tại Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
"Cảm giác như sở hữu cả thủ đô, một dịp hiếm hoi để thực sự hòa mình vào bầu không khí của Hà Nội, nên dù vắng lặng tôi vẫn rất háo hức đón chờ Tết ở thành phố", Jeon nói.
Trong khi đó, một số người nước ngoài ở Việt Nam lại không thể quen nổi với cảnh tượng đường phố không một bóng người trong ngày đầu năm mới.
"Hàng quán đều đóng cửa trong những ngày Tết, nên chẳng đi được đâu, những nơi mở cửa lại quá đông đúc", Makoto, 44 tuổi, phó trưởng đại diện một doanh nghiệp lớn của Nhật ở Hà Nội, cho biết.
Tại TP HCM, Rachel Kay, 28 tuổi, người Mỹ, cho hay cô đã rất bất ngờ với cảnh vắng lặng của thành phố trong lần đầu đón Tết ở Việt Nam năm ngoái.
"Đường phố những ngày cận Tết trở nên tấp nập, nhưng rồi mọi thứ đột nhiên trở nên thưa vắng không thể tưởng tượng được trong ngày đầu năm mới'", cô kể.
Khi chuyển tới sống ở Hà Nội cách đây một tháng, Albert Getts, 27 tuổi, đã được "cảnh báo" về cảnh tượng vắng vẻ khi hầu hết người dân thành phố đều về quê đón Tết, nhưng anh vẫn không khỏi hụt hẫng.
"Những người bạn Việt tôi biết đều đã về quê, nhiều hàng quán đóng cửa, tôi cảm thấy thực sự cô độc, không biết làm gì trong những ngày này", chàng trai người Turkmenistan, mang hai dòng máu Đức và Nga, nói. "Tôi dự định ở nhà tập thiền định, tránh sử dụng mạng xã hội và nghe nhạc".
Albert Getts gói bánh chưng cùng bạn bè người Việt tại Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Jeon Hyong-jun cho biết Tết ở Việt Nam cầu kỳ và phức tạp hơn so với Hàn Quốc, dù đây đều là ngày lễ lớn nhất tại hai quốc gia. "Người Việt thực sự chuẩn bị rất chu đáo cho dịp này, từ dọn dẹp nhà cửa, mua sắm cho đến gặp mặt họ hàng, bạn bè, biếu quà", Jeon đánh giá.
Anh chọn từ "hy vọng" để mô tả về dịp lễ này ở Việt Nam, bởi cho rằng người Việt luôn cố gắng luôn chu toàn trong ngày Tết với niềm tin, hy vọng về một năm mới hạnh phúc hơn.
Trong khi đó, "ấm cúng" là từ mà Sophia Phan, 29 tuổi, lựa chọn để miêu tả về dịp Tết. Cô gái người Ukraine lấy chồng Việt giải thích rằng chỉ những ngày này mới có thể gác lại hết mọi công việc, âu lo sang một bên để cả gia đình quây quần, sum họp.
Sống ở Hà Nội 6 năm, nhưng Sophia cho biết cô chỉ thực sự cảm nhận được không khí thiêng liêng của Tết khi đã lập gia đình.
"Tôi cùng chồng dọn dẹp, trang trí nhà cửa và chuẩn bị quà Tết, phong bao lì xì, cũng như đủ món cổ truyền của Việt Nam. Có thể là con dâu Tây nên cũng được gia đình thông cảm và thoải mái hơn trong việc chuẩn bị", cô nói.
Gia đình chị Sophia Phan dạo chơi Hồ Gươm trong những ngày giáp Tết tại Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Anh Makoto cũng hiểu rằng đằng sau cảnh tượng vắng vẻ ở Hà Nội là những cuộc sum họp, vui vầy của nhiều gia đình ở quê nhà sau một năm hối hả. Bởi vậy, anh chọn từ "quý báu" để mô tả về ngày Tết, tin rằng đây là khoảng thời gian thiêng liêng nhất trong năm của toàn dân tộc Việt.
"Đó là khoảng lặng cần thiết cho một thành phố luôn hối hả. Xin được gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến mọi người nhân dịp Tết Quý Mão. Chúc mừng năm mới!", anh nói.
Đức Trung