Ba năm trước, Lưu rời quê ở thôn Hạ Khê, tỉnh Quý Châu tới thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, gia nhập hàng ngũ lao động nông thôn di cư tới thành thị. Làn sóng di cư kéo dài hàng thập kỷ đã thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vượt bậc, tạo ra các siêu đô thị lớn nhất thế giới.

Nhưng Lưu chỉ học hết cấp hai, rất khó tìm việc làm. Anh nhiều lần bị nhà máy từ chối vì không có bằng cấp. Cuối cùng, Lưu vào làm trong xưởng sửa chữa ôtô, rồi công nhân xây dựng, cuối cùng là công nhân may mặc.

chang-trai-21-tuoi-bo-pho-len-nui-trong-rau-nuoi-lon-1703663772.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DeJQ6prDliTkChKuRW2QNg
Chàng trai 21 tuổi bỏ phố, lên núi trồng rau nuôi lợn

Ngày thứ 30 sống trên núi của Lưu. Video: Douyin/Wenzi Dada

Vỡ mộng, cuối năm 2022, Lưu bỏ lại cuộc sống bon chen ở đô thị và trở về sống bên những ngọn đồi, sông suối ở Quý Châu. Cha mẹ và anh trai Lưu phản đối, nhưng chàng trai 21 tuổi bày tỏ "muốn sống một cuộc đời bình dị", thoát khỏi tranh giành phố thị.

"Ở nhà máy, tôi thường xuyên làm việc từ 8h đến 22h cộng thời gian tăng ca. Tôi không làm chủ được thời gian của cuộc đời mình", Lưu nói. "Bây giờ tôi tỉnh giấc cùng tiếng chim hót líu lo".

Sự thất vọng của Lưu phản ánh cảm xúc của thanh niên Trung Quốc, thế hệ đối mặt thị trường việc làm khắc nghiệt, kiệt sức sau nhiều năm áp lực học tập và làm việc mệt mỏi, cùng sức ép từ thời Covid-19.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tại các thành phố và thị trấn là 21,3% hồi tháng 6, mức cao chưa từng có, trước khi chính phủ ngừng công bố dữ liệu.

Chính quyền Trung Quốc khuyến khích thanh niên rời thành thị về xây dựng nông thôn trong nỗ lực đưa ra các giải pháp cho thị trường việc làm. Tháng 12/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi thanh niên "hồi sinh kinh tế nông thôn".

Chính quyền Quảng Đông, tỉnh giàu hàng đầu Trung Quốc, cũng là một trong những tỉnh đông dân nhất, hồi đầu năm tuyên bố sẽ đưa 300.000 thanh niên thất nghiệp về nông thôn tìm việc.

c9173b355ae34811d5a892642f1ac5-9702-7315-1703664189.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jmOyTpHwXwRsP8pHr_HgPA

Lưu ngồi nhặt hành trên vách núi. Ảnh: Douyin/Wenzi Dada

Ban đầu, cha mẹ lo lắng khi Lưu ở một mình nên đã lắp camera giám sát xung quanh khu vực. Để có điện sinh hoạt, Lưu lắp nhiều tấm pin năng lượng mặt trời xung quanh lều.

Lưu sử dụng cuộc sống ở nông thôn để tìm con đường khác dẫn tới thành công. Lấy cảm hứng Lý Tử Thất, người xây dựng kênh video về cuộc sống ở nông thôn Trung Quốc có 18 triệu người theo dõi trên YouTube, Lưu cũng đăng tải video về cuộc sống trên núi mỗi tuần.

Nhiều vlogger Trung Quốc khác đang sản xuất nội dung tương tự. Điền Tây Tiểu Ca giới thiệu với hơn 10 triệu người theo dõi mình trên Youtube cách nấu đồ ăn tốt cho sức khỏe từ một ngôi làng ở tỉnh Vân Nam. Hai người khác cũng làm video về cuộc sống nông thôn ở Tứ Xuyên.

Lưu ghi lại hình ảnh xây chuồng lợn, chơi đùa cùng hai chó cưng Lucky và Flower. Công cụ của Lưu là một chiếc điện thoại cùng giá đỡ ba chân. Anh sản xuất video về quá trình cuốc đất trồng rau hay nấu cám cho lợn.

Lưu cho biết chưa từng cảm thấy cô đơn vì có tivi và thú cưng đồng hành. Kể từ tháng 9, tài khoản "Văn Tử" của Lưu bắt đầu được chú ý và thu hút hơn 350.000 lượt thích trên mạng xã hội.

"Cậu ấy biết rõ mình đang làm gì. Sống lành mạnh, không giống Gen Z bây giờ chỉ nghiện trò chơi điện tử", một người bình luận.

"Những người thuộc thế hệ 2000 đã bắt đầu nghỉ hưu, còn những người sinh vào thập niên 1980 như chúng ta thì sao?", một người khác đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, cũng có người hoài nghi: "Cậu ta không có việc gì làm ở nhà ư? Làm tất cả những việc vô nghĩa này và 'nằm im, kệ đời'?", nhắc đến phong trào "nằm im" bùng nổ trong giới trẻ Trung Quốc từ năm 2021. Phong trào khuyến khích thanh niên từ bỏ áp lực xã hội phải làm việc chăm chỉ, kết hôn, sinh con và mua nhà. Triết lý "nằm im" cho rằng thay vì lao động không ngừng để tiến đến những mục tiêu truyền thống, mọi người nên theo đuổi một cuộc sống bình dị.

231222161109-04-china-vlogger-3118-4793-1703664189.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WLZIEln84GSp2kqJeLW7xQ

Căn nhà dựng từ tre của Lưu trên vách đá ở tỉnh Quý Châu. Ảnh: Liu Youwen

Lưu phản bác những lời chỉ trích, cho hay "mỗi ngày tôi đều làm đủ việc, không hề nhẹ nhàng, chỉ là đổi phương thức sinh hoạt". Để duy trì cuộc sống ở nông thôn, Lưu kết hợp quảng cáo sản phẩm trên video. Thu nhập từ việc bán kem dưỡng da tay, sữa rửa mặt hay mì chua cay giúp Lưu cải thiện cuộc sống. Trong tương lai, anh có ý định mở rộng nhà để xây chuồng gà, bán thịt gà trực tuyến. Lưu khuyến khích những người muốn chuyển tới nông thôn bắt đầu sự nghiệp.

"Cuộc sống ở vùng núi tốt hơn nhiều so với thành phố, nơi ngay cả uống nước cũng mất tiền", anh nói.

Lưu tự đặt cho mình thời hạn một năm. Nếu sau một năm, kênh video không kiếm được tiền, "tôi sẽ tiếp tục đi làm công bởi kiếm tiền cũng rất quan trọng".

Hồng Hạnh (Theo CNN/Shangyou Xinwen)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022