Truyền thông địa phương hôm 25/11 dẫn lời thẩm phán Sanjay Chaudhary ở bang Uttar Pradesh, bắc Ấn Độ, cho biết tòa án đã yêu cầu các sĩ quan tại một đồn cảnh sát giao nộp khoảng 195 kg cần sa họ tịch thu được, song nhận được phản hồi rằng số tang vật này đã bị chuột phá.

"Chuột là loài vật bé nhỏ và không sợ cảnh sát. Thật khó bảo quản số cần sa khỏi chúng", thẩm phán Chaudhary nói.

Đây không phải là lần đầu tiên cảnh sát Ấn Độ nói rằng chuột đã phá hủy số cần sa họ tịch thu. Thẩm phán Sanjay nhắc đến một trường hợp các sĩ quan nộp báo cáo nói rằng chuột đã ăn "một phần" trong số 386 kg cần sa mà họ tịch thu. Ông cho biết thêm khoảng 700 kg cần sa bị tịch thu và được bảo quản ở các đồn cảnh sát quận Mathura cũng có nguy cơ bị chuột phá hoại.

MP Singh, sĩ quan cảnh sát cấp cao, cũng cho hay ngoài bị chuột cắn, một số cần sa trong kho tang vật cũng bị phá hủy vì mưa lớn.

download-8463-1669364353.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=In7_ne3Qro8rd3fdWl284g

Các sĩ quan cảnh sát tuần tra trên đường phố Ahmedabad, Ấn Độ, hồi tháng 4/2020. Ảnh: Reuters.

Theo thẩm phán Chaudhary, do cảnh sát không có chuyên môn giải quyết vấn đề này, nên ông đề nghị bán đấu giá số cần sa tang vật cho các phòng thí nghiệm cũng như công ty dược, sau đó nộp số tiền thu được cho chính quyền.

Năm 2018, 8 sĩ quan cảnh sát Argentina đã bị sa thải sau khi họ đổ lỗi cho chuột ăn mất nửa tấn cần sa trong kho. Nhiều chuyên gia bác quan điểm này, nói rằng chuột khó nhầm ma túy thành thức ăn và cảnh sát phải tìm thấy nhiều xác chuột trong nhà kho nếu chúng thực sự ăn cần sa.

Năm 2017, các sĩ quan cảnh sát bang Bihar, miền đông Ấn Độ, nói rằng chuột phá hoại hàng nghìn lít rượu bị tịch thu, một năm sau khi bang này cấm bán và tiêu thụ rượu.

Năm 2018, khi các kỹ thuật viên đến sửa một máy rút tiền bị trục trặc ở bang Assam, đông bắc Ấn Độ, họ phát hiện số tiền giấy trị giá hơn 1,2 triệu rupee (khoảng 14.600 USD) bị cắn nát, nghi ngờ là do chuột.

Ngọc Ánh (Theo Metro/Yahoo)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022