Giới chức cho biết vụ tấn công xảy ra hôm 17/1 cạnh lối vào phía trước trường học ở Wales, cộng đồng ven bờ Eo biển Bering nằm tách biệt ở cực tây của lục địa Bắc Mỹ, thuộc bang Alaska của Mỹ và cách Nga khoảng 80 km. Các quan chức trường vội vã đưa mọi người vào bên trong khi con gấu Bắc Cực được phát hiện, giám đốc điều hành học khu Eo biển Bering, Susan Nedza nói.

"Con gấu cố xông vào nơi mọi người ẩn náu, nhưng hiệu trưởng Dawn Hendrickson đã đóng cửa để ngăn nó. Thật đáng sợ", Nedza nói.

Summer Myomick và con trai của cô, Clyde Ongtowasruk, đã thiệt mạng trong vụ tấn công, cảnh sát bang Alaska cho biết. Một người dân trong làng sau đó bắn chết con gấu.

Cảnh sát và quan chức sở động vật hoang dã đã đến điều tra sự việc và thông tin sơ bộ cho thấy Myomick và Ongtowasruk đang đi bộ giữa trường học và một phòng khám thì con gấu tấn công họ.

gau-bac-cuc-jpeg-1674114021-7202-1674114184.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7CH1k83R7Q7QBCL7AQRByg

Một con gấu Bắc Cực ở bang Alaska, Mỹ hồi năm 2014. Ảnh: AP.

Đây là vụ tấn công chết người đầu tiên do gấu Bắc Cực gây ra ở Alaska hơn 30 năm qua. Gấu Bắc Cực xuất hiện ở các ngôi làng xa xôi thuộc bang Alaska từ khoảng tháng 12 đến tháng 5 và dân làng thường tổ chức các nhóm tuần tra để phát hiện.

Hiện chưa rõ liệu cuộc tấn công có liên quan đến biến đổi khí hậu hay không, nhưng nó phù hợp với những gì được dự đoán khi Bắc Cực tiếp tục ấm lên, làm thay đổi hệ sinh thái.

Các nhà khoa học Alaska tại Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ hồi năm 2019 phát hiện những thay đổi trong môi trường của băng biển, trùng khớp với bằng chứng cho thấy địa bàn hoạt động của gấu Bắc Cực ngày càng tăng và khả năng con người chạm trán gấu Bắc Cực cũng tăng lên.

Theo Cục Cá và Động vật hoang dã Mỹ, gấu Bắc Cực là loài gấu lớn nhất. Con đực có thể nặng khoảng 771 kg, nhưng thường nặng từ 272 đến 544 kg và dài tới ba mét. Con cái nặng 181-318 kg. Gấu Bắc cực ăn hải cẩu nhưng cũng săn hải mã và cá voi beluga.

Gấu Bắc Cực được liệt kê là loài bị đe dọa theo Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng năm 2008. Chúng cũng được bảo vệ theo Đạo luật bảo vệ động vật có vú ở biển. Cả hai luật đều cấm làm hại động vật mà không được phép, trừ khi cần thiết cho sự an toàn của con người.

Huyền Lê (Theo AP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022