Một ngôi làng ven biển ở Nam Phi được bảo vệ cẩn mật đến mức bất cứ người nào cố tình vượt qua hàng rào đều bị camera an ninh giám sát và cảnh sát nhanh chóng có mặt để tra hỏi. Cảnh sát giải thích rằng họ phải đề ra các biện pháp đề phòng như vậy để bảo vệ các trang trại bào ngư quý giá dưới mặt nước.
Michael Dunsdon, giám đốc sản xuất của trang trại Abagold, kiểm tra bào ngư phơi khô. Ảnh: SCMP
Đối với những làng mạc, thị trấn như vậy khắp Nam Phi, bào ngư đang tạo ra hàng nghìn việc làm, đem lại thu nhập và thịnh vượng cho nông dân. Nhưng cùng với đó, nó cũng gây nên hỗn loạn, khi thu hút các tập đoàn tội phạm quốc tế tới đây để săn bắt trộm loại hải sản được ví như "vàng trắng" này.
Nam Phi xuất khẩu hơn 5.000 tấn bào ngư mỗi năm, chủ yếu sang Hong Kong và các thị trường châu Á. Gần một nửa số bào ngư này là do các băng đảng tội phạm quốc tế săn trộm, theo ước tính của các tổ chức chống buôn bán động vật hoang dã và chính phủ Nam Phi.
Mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã Traffic ước tính hoạt động săn trộm, buôn lậu bào ngư ở Nam Phi có lợi nhuận 60-120 triệu USD mỗi năm. Hậu quả của nạn săn trộm khiến bào ngư được liệt kê vào danh sách động vật có nguy cơ tuyệt chủng trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.
"Các dự đoán cho thấy nếu không giảm đáng kể sản lượng khai thác cả hợp pháp lẫn trái phép, nguồn tài nguyên bào ngư sẽ cạn kiệt trong vòng 10 năm", Albi Modise, người đứng đầu vụ truyền thông của Bộ Môi trường Nam Phi, nói.
Dù có đường bờ biển dài 2.850 km, Nam Phi không có lực lượng cảnh sát biển. Hải quân nước này chỉ thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển và quốc phòng, không đảm bảo an ninh trong khu vực 100 m từ bờ biển.
Vùng biển tỉnh Western Cape ở Nam Phi. Ảnh: SCMP
Nhiệm vụ chống săn trộm bào ngư tại các thị trấn ven biển được giao cho cảnh sát quốc gia. Lực lượng này có khoảng 136 người nhái và 82 người điều khiển tàu, nhưng họ chủ yếu thực hiện công việc tìm kiếm nạn nhân đuối nước và ngăn ngừa các loại tội phạm khác.
Markus Burgener, thành viên của Traffic, cho hay cảnh sát Nam Phi phát hiện 350-500 vụ săn trộm bào ngư mỗi năm. Chỉ riêng trong năm 2019, họ đã tịch thu hơn 1,6 triệu USD bào ngư, nhưng đây chỉ là một phần nhỏ. Cùng năm, cảnh sát cho hay hai công dân Trung Quốc bị trục xuất vì buôn bán, vận chuyển trái phép bào ngư.
Tuy nhiên, cảnh sát Nam Phi đang thất thế trong cuộc chiến chống săn trộm. Khi thị trường bào ngư phát triển, với lượng xuất khẩu trung bình tăng 8% mỗi năm từ 2009 tới 2016, loại hải sản này đã trở thành trụ cột nền kinh tế khu vực duyên hải, khiến việc đối phó hoạt động buôn bán trái phép khó khăn hơn bao giờ hết.
Nam Phi có nhiều điều kiện thuận lợi để các tập đoàn tội phạm quốc tế hoạt động mạnh. Tình trạng thất nghiệp ở nước này ngày càng tăng, đặc biệt ở thanh niên. Năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp của Nam Phi là hơn 32%, ở người từ 15 tới 24 tuổi lên tới 59%.
"Các tập đoàn tội phạm lợi dụng tình hình này, nhận thấy Nam Phi có nguồn lao động gần như vô tận cho hoạt động săn bắt trộm bào ngư", Burgener nói. "Không quan trọng có bao nhiêu người bị bắt và bỏ tù. Sẽ luôn có nhiều người sẵn sàng làm việc này vì rủi ro tương đối thấp, còn lợi nhuận lại khá cao".
Nạn tham nhũng tràn lan cũng khiến các cơ quan thực thi pháp luật và an ninh quốc gia Nam Phi trở nên suy yếu. Giới chức nước này năm ngoái công bố kết quả một cuộc điều tra cho thấy các quan chức tình báo hàng đầu tại Cơ quan An ninh Quốc gia đang thông đồng và bao che cho những chính trị gia tham nhũng, lợi dụng các dự án tình báo bí mật để bòn rút công quỹ.
Cơ quan cảnh sát quốc gia cũng chìm trong hỗn loạn. Gần 6.000 người, trong đó 972 điều tra viên, đã rời lực lượng tính đến 31/3/2022, trong bối cảnh tội phạm gia tăng. Hơn 5.200 trường hợp cảnh sát phạm tội được ghi nhận trong năm.
"Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy một số thành viên băng đảng cấp cao đã chui sâu luồn cao vào sở cảnh sát Western Cape", Andricus Van Der Westhuizen, một nhà lập pháp Western Cape, tỉnh duyên hải tây nam Nam Phi, nói.
Phát ngôn viên Lực lượng Cảnh sát Nam Phi không phản hồi yêu cầu bình luận về thông tin này. Burgener cho hay quan hệ cá nhân của các sĩ quan cảnh sát với cộng đồng cũng khiến họ nhắm mắt làm ngơ trước nạn săn trộm.
"Họ có thể có bạn bè hoặc gia đình liên quan tới các băng đảng săn trộm và dù không bị mua chuộc, họ vẫn hưởng lợi theo cách nào đó", ông nói.
Với những người trong sạch, việc truy lùng những kẻ săn bắt bào ngư không phải ưu tiên hàng đầu tại quốc gia có tỷ lệ giết người trung bình 70 vụ mỗi ngày. Theo Burgener, săn trộm bào ngư được coi là "tội nhẹ".
Trang trại với hàng trăm lồng nuôi bào ngư ở Hermanus, Nam Phi. Ảnh: SCMP
Địa hình bờ biển phức tạp, nhiều vịnh nhỏ cũng khiến việc truy bắt những kẻ săn trộm thêm khó khăn. Cư dân ven biển cũng không dám trình báo vì sợ. Một quản lý nhà hàng 40 tuổi ở Hermanus cho hay nhiều lần nhìn thấy những kẻ săn trộm nhưng chưa bao giờ báo cảnh sát vì "nếu báo tin, sẽ mất mạng".
Người này cho hay nếu những kẻ săn trộm bị bắt, ông sẽ phải ra tòa làm chứng và có nguy cơ để lộ danh tính trước một mạng lưới tội phạm quy mô lớn có thể giết người để trả thù.
Các hoạt động buôn bán bào ngư trái phép cũng đe dọa những trang trại hợp pháp. Trang trại bào ngư HIK là một trong số những nhà sản xuất lớn ở Nam Phi. Công ty có trụ sở tại Hermanus, sản xuất 400 tấn bào ngư mỗi năm. Matthew Naylor, quản lý, cho hay xe tải chở hàng từng bị những kẻ mang súng chặn cướp.
"Đây chỉ là vấn đề thời gian, khi bào ngư tự nhiên ngày càng ít, hàng của chúng tôi sẽ bị nhắm mục tiêu nhiều hơn", ông nói.
Công ty phải chi nhiều tiền hơn cho an ninh. Họ thuê lực lượng tuần tra 24/24, trang bị camera giám sát mọi nơi. Họ tránh vận chuyển hàng vào ban đêm, thay đổi tuyến đường liên tục để khó bị tấn công hơn.
"Hoạt động kinh doanh không bình thường", Naylor nói. "Không ai biết hôm nay mình sẽ làm gì, hàng hóa chất lên xe nào, tài xế là ai. Đây là điều cả ngành công nghiệp đang đối mặt".
Thị trường ngầm cũng đe dọa ngành buôn bán bào ngư toàn cầu, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm. Các nhà sản xuất hợp pháp áp dụng quy trình nghiêm ngặt về vệ sinh thực phẩm trong chế biến bào ngư, nhưng những kẻ săn trộm không làm vậy.
Bào ngư săn trộm không được nuôi trồng và chế biến hợp vệ sinh, không được phân phối lạnh, thay vào đó đựng trong bao tải giấu ở bụi rậm, chở trên xe bán tải và tập kết ở sân sau nhà những kẻ săn trộm. Những yếu tố này đe dọa sức khỏe cộng đồng cũng như tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới danh tiếng của các công ty nuôi trồng thủy sản nếu phát sinh dịch bệnh liên quan tới bào ngư Nam Phi.
"Một trong những điều mà tôi và những người trong ngành sợ nhất là có ai đó ở Hong Kong bị bệnh vì ăn phải bào ngư khai thác trái phép. Toàn bộ ngành nuôi trồng bào ngư ở Nam Phi sẽ gánh hậu quả", Werner Piek, giám đốc tiếp thị của Abagold, một nhà sản xuất bào ngư lớn tại Hermanus, nói.
Công nhân trong xưởng chế biến bào ngư của trang trại Abagold, Nam Phi. Ảnh: SCMP
Nhiều nỗ lực đang được thực hiện để cung cấp thông tin tốt hơn cho người tiêu dùng nhằm cắt giảm nhu cầu với bào ngư săn trộm. Đa số các trang trại Nam Phi đều có giấy chứng nhận nuôi trồng bền vững được in trên sản phẩm. Nhiều nhà hàng và khách sạn yêu cầu các nhà bán hàng xuất trình giấy chứng nhận này để loại bỏ bào ngư săn trộm.
WWF, tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Hoang dã của Liên Hợp Quốc tại Hong Kong, cũng đưa ra hướng dẫn phân loại hải sản nuôi trồng và săn bắt tự nhiên cho người tiêu dùng, thúc đẩy họ lựa chọn sản phẩm bền vững.
Nhưng không dễ để người tiêu dùng hiểu rõ về nguồn gốc sản phẩm khi nó phải trải qua nhiều tầng trung gian. Sự khác biệt rõ nhất là giá cả. Bào ngư hợp pháp đắt hơn nhiều do chi phí bảo quản, đồng nghĩa người tiêu dùng thích giá rẻ vẫn có xu hướng chọn loại trái phép, khiến họ gặp rủi ro về sức khỏe.
"Vẫn còn nhiều việc phải làm ở Hong Kong và Trung Quốc đại lục để người dân nhận thức rõ hơn về vấn đề này", Piek nói.
Hồng Hạnh (Theo SCMP)