Theo Sohu, những ngày cuối đời, Quỳnh Dao vẫn kiên định với quan điểm cái chết do bản thân quyết định. Bài đăng trên mạng xã hội của bà cũng có đoạn mở đầu, đề cập đến sự kết thúc số phận con người và mong muốn giải thoát theo cách khác. "Khi con người già đi, họ phải qua giai đoạn rất đau đớn là suy nhược, thoái hóa, bệnh tật, đi bệnh viện, chữa trị và chết đi. Nếu không may, sẽ trở thành cụ già nằm liệt giường, phải nhờ đến đặt nội khí quản để duy trì sự sống. Tôi đã chứng kiến bi kịch này và không muốn chết theo kiểu đó", Quỳnh Dao viết.

Những đề cập này xoáy sâu vào mâu thuẫn giữa bà với vợ đầu của ông Bình Hâm Đào. Trong cuộc đối đầu đó, Quỳnh Dao đã buộc phải từ bỏ, nhìn chồng chống chọi với cái chết bằng ống nội khí quản - điều bà không bao giờ mong muốn. Bà đau lòng, trách con riêng của chồng, trong lá thư đăng mạng xã hội ngày 28/11: "Nhìn bàn tay anh thay đổi từng ngày, lòng em như dao cắt! Mỗi lần nhìn anh mở mắt, em cảm thấy như anh đang khóc lên, hét lên với em".

a11-3607-1733389714.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=D4Mb0qGIk3_6hSw_F4j5bA

Quỳnh Dao tuổi trung niên. Ảnh: Weibo

Yêu - ghét giữa Quỳnh Dao, ông Bình Hâm Đào và vợ ban đầu của ông - bà Lâm Uyển Trân - không thua bất cứ câu chuyện tình nào nhà văn từng viết. Trong câu chuyện này, hai vợ chồng cùng nhau khởi nghiệp kinh doanh và trở nên nổi tiếng, nhưng người chồng từ bỏ vợ con, đi lại với nhà văn tài năng đã ly hôn. Vượt qua nhiều điều tiếng, hai người yêu nhau, nắm tay nhau cho đến hết những năm tháng tuổi xế chiều. Quỳnh Dao thừa nhận câu chuyện tình cảm vượt qua khuôn khổ đạo đức, trong lá thư cuối cùng bà viết gửi chồng: "Em đã phải chịu đựng vì anh bao nhiêu, em thừa nhận. Dù sao đi nữa, em đã không thể cưỡng lại sự theo đuổi của anh, đó là tội lỗi của em".

Câu chuyện tình không có cái kết cổ tích như Quỳnh Dao muốn, dù bà có được trái tim ông Bình Hâm Đào. Những năm cuối đời, ông Bình bị đột quỵ và mất trí. Các con của người vợ đầu nhất quyết yêu cầu cha họ phải được đặt nội khí quản để điều trị. Nữ nhà văn kịch liệt phản đối phương pháp này, cho rằng nó quá đau đớn. Hai phía nhiều lần "lời qua tiếng lại", thậm chí còn đưa sự mâu thuẫn này lên mạng xã hội. Kết quả là ai cũng biết. Con của vợ đầu đã thắng, Quỳnh Dao tận mắt nhìn thấy Bình Hâm Đào được đặt nội khí quản.

Sau nhiều lần tranh cãi, với thái độ bất lực, Quỳnh Dao quyết định "trả lại chồng" cho các con riêng và tuyên bố sẽ không bao giờ vào viện thăm nom ông Bình Hâm Đào nữa. Cho đến tận lúc ông mất, bà không đến.

Khi qua đời, ông Bình để lại toàn bộ công sức cả đời cho người vợ đầu và những đứa con của họ, bao gồm nhiều tài sản nhà đất, tiền mặt. Thứ Quỳnh Dao nhận được là ngôi nhà cũ nơi hai người từng sống, cũng như công ty điện ảnh và truyền hình do chính Quỳnh Dao thành lập. Các con của vợ cũ Bình Hâm Đào rất hài lòng với việc phân chia tài sản thừa kế, họ nhấn mạnh cả hai bên đều vui vẻ, thậm chí còn nói vợ cũ đã tha thứ cho Quỳnh Dao, mối hận thù giữa họ và mẹ kế nên được tiêu tan. Chỉ có Quỳnh Dao đau lòng, vì hai vợ chồng ban đầu thống nhất không hồi sức, không dùng can thiệp y tế nếu bị bệnh nặng, nhưng cuối cùng con cái là người định đoạt. Bà buộc phải thuận theo trong đau đớn.

Tháng 11/2024, trong những dòng tự sự đăng trên mạng xã hội, Quỳnh Dao nhắc nhiều về chồng. Trong lá thư gửi đến người chồng quá cố, đăng kèm video có rất nhiều hình ảnh giữa hai người trong những năm tháng chung sống, Quỳnh Dao khắc khoải: "Em cứ xem đi xem lại video và nghe lại các bài hát. Em đang nghĩ về anh, tối nay! Video ngắn này là cả cuộc đời của chúng ta! Người đã trở về cát bụi rồi, tôi cũng nên trở về thôi! Dù anh đã viết cho em một tấm thiệp: 'Nhân duyên kiếp này, xin hẹn kiếp sau', nhưng em biết anh không hề tin vào kiếp sau, nếu không, anh đã chẳng tiếc nuối nhiều như thế. Vậy nên, ta vẫy tay tạm biệt nhau trong kiếp này".

h-9232-1733389715.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FHxz011RvX4YnS8M99C3FA

Quỳnh Dao và chồng, ông Bình Hâm Đào. Ảnh: QQ

Nhà văn Quỳnh Dao, tên thật Trần Triết, sinh ra ở Thành Đô, Tứ Xuyên. Năm 1949, bà cùng cha mẹ sang Đài Loan, Trung Quốc và bắt đầu sự nghiệp viết văn từ khi còn học cấp hai. Năm 1955, bà xuất bản cuốn tiểu thuyết Vân Ảnh với bút danh Tâm Như. Năm 1963, bà xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên Bên ngoài cửa sổ (Song ngoại) và trở nên nổi tiếng. Năm 1964, bà xuất bản tiểu thuyết Yên vũ mông mông và tập tiểu thuyết Lục cá mộng.

Nhiều tác phẩm của Quỳnh Dao từng được chuyển thể thành phim truyền hình, có thể kể đến Hoàn Châu Cách Cách, Xóm vắng, Trôi theo dòng đời, Dòng sông ly biệt, Mùa thu lá bay, Bên dòng nước...

Nhiều bộ truyện lãng mạn của Quỳnh Dao được bán rất chạy trong suốt 40 năm. Vô số tác phẩm của bà đã được dựng thành phim điện ảnh và truyền hình, làm phong phú thêm tuổi trẻ của một thế hệ. Theo một số báo cáo, các tác phẩm văn chương của Quỳnh Dao đã mang về cho bà hàng trăm triệu USD, giúp hàng trăm người trở nên nổi tiếng.

Quỳnh Dao trải qua ba mối tình, hai cuộc hôn nhân. Mối tình đầu tiên của bà là với một giáo viên nhưng bị mẹ cấm cản. Sau đó, bà gặp và kết hôn với một doanh nhân chỉ sau 7 tháng tìm hiểu. Hai người lấy nhau năm 1959, có một con trai và ly hôn năm 1964.

1q-4020-1733389715.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=h7ZlzKZeQGFtnKIE4O_LWw

Quỳnh Dao và những diễn viên từng hợp tác với bà. Ảnh: Sohu

Nhà văn Quỳnh Dao qua đời ngày 4/12, thọ 86 tuổi. Bà tìm đến cái chết với mong muốn không trải qua những ngày cuối đời trên giường bệnh. Theo truyền thông Đài Loan, Quỳnh Dao đã ăn tối với gia đình vào đêm trước khi bà qua đời và nói với con dâu "trưa mai đến nhà tìm mẹ". Vào ngày bà qua đời, khi về đến nhà, con dâu phát hiện ra Quỳnh Dao đã yên bình ra đi trên ghế sofa.

Một bình luận trên Weibo viết ngày 4/12: "Kim Dung khiến chúng ta hiểu thế nào là hiệp nghĩa, Quỳnh Dao khiến chúng ta biết thế nào là tình yêu. Nhưng giờ đây họ đều đã cách xa chúng ta, mọi thứ đã trở thành ký ức đẹp đẽ".

Nguyễn Hương (Theo Sinchew)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022