Đạo diễn Lê Mộng Hoàng. |
- Con đường đến với điện ảnh của ông như thế nào?
- Tôi sinh năm 1929 tại Phú Xuân, Huế trong một gia đình Nho giáo. Hồi nhỏ, tôi có năng khiếu về âm nhạc, kịch nên gia đình đưa tôi vào cộng tác cho chương trình thiếu nhi ở Đài Phát thanh Huế. Sau đó, tôi cùng hai người anh sang Pháp học. Tôi được vào Trường Quốc gia Âm nhạc Paris, tốt nghiệp xong theo học Cao học Điện ảnh Paris. Năm 1957, tôi được giao làm phim Bụi đời.
- Ông nghĩ gì khi mọi người cho rằng bộ phim này đã giúp ông trở nên nổi tiếng?
- Không hẳn, đây là kịch bản dựa theo tác phẩm Những hòn sỏi của nhà văn Võ Đình Cường, nói về kiếp sống lầm than của những trẻ em mồ côi trên hè phố Sài Gòn. Có thể nội dung phim gần gũi với thực trạng xã hội nên được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Thừa thắng xông lên, tôi làm một loạt phim như Xin đừng bỏ em, Nàng, Chiều kỷ niệm, Mãnh lực đồng tiền, Con gái chị Hằng... trong đó tôi tâm đắc nhất phim Nàng (với Thẩm Thuý Hằng, Trần Quang). Bộ phim đã đoạt giải Tượng vàng tại Đại hội Điện ảnh Á Châu ở Đài Loan lần thứ 17.
- Ông có thể kể những thăng trầm trong nghề của mình?
- Những năm đầu thập niên 70, điện ảnh Sài Gòn tràn ngập phim ngoại nhập, nhiều anh em bỏ nghề, bản thân tôi cũng lao đao, lận đận suốt một thời gian dài, nhưng vì yêu nghề quá nên cắn răng kiên trì bám trụ qua rất nhiều hãng phim. Khi tôi làm gần xong phim Võ sĩ bất đắc dĩ thì miền Nam giải phóng. Thật lòng thì tôi không ngại đói khổ, chỉ sợ không được làm nghề mà thôi. Thế nhưng không ngờ, tôi lại nhanh chóng hoà nhập.
- Sau 1975, ông tâm đắc với phim nào?
- Tôi làm nhiều phim với đủ đề tài từ tâm lý xã hội, truyền thuyết, tình cảm đến lịch sử, dã sử chiến tranh... trong đó một số phim tiêu biểu như Ngọn lửa thành đồng, Tình yêu của em, Bản tình ca, Ngôi nhà oan khốc, Tình khúc 68, Thăng Long đệ nhất kiếm... Ngoài ra tôi còn cố vấn cho các đoàn làm phim trong và ngoài nước, giảng dạy về điện ảnh, âm nhạc, lúc rảnh tôi viết sách về điện ảnh.
(Theo Thanh Niên)