Ca sĩ sắp thực hiện live concert The portrait tại Hà Nội đón sinh nhật tuổi 51, ngày 10/8. Dịp này, anh nói về vai trò trụ cột gia đình của bản thân.

- Anh làm việc thế nào để xây dựng tài chính nuôi con?

- Con gái nuôi của tôi được 18 tuổi, con trai nuôi thứ hai 15 tuổi còn con ruột của tôi 13 tuổi. Mỗi tháng, tôi chi hàng trăm triệu đồng cho việc học của con. Mọi chuyện lớn, nhỏ trong nhà đều do tôi gánh vác từ lương nhân viên, phí sinh hoạt... Tôi "cày" cật lực mới đủ thu nhập trang trải.

Tôi từng sống trong cảnh nghèo khổ, thèm có được một món đồ như một chiếc bàn chải đánh răng xịn đến nỗi ngủ không được. Vì vậy, tôi cố gắng để các con mình không phải như vậy. Tôi ra đời kiếm sống từ sớm, không học hành đàng hoàng nên muốn ba người con phải học đại học. Khi mỗi người được trang bị kiến thức, nền tảng học vấn tốt thì ở đâu cũng có thể sống được.

dam-vinh-hung-1-2663-1660460963.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sKnwVl7ThL3XgUa_VoprnA

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng (phải) bên hai con nuôi: Lâm Quân (trái) và Huỳnh Như. Ca sĩ chưa công khai hình ảnh con ruột của anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Làm cha đơn thân, anh gặp áp lực gì?

- Tôi có được sự hỗ trợ của người xung quanh như bảo mẫu, người thân chăm sóc các con khi tôi vắng nhà chạy show. Dù vậy, tôi phải theo sát chúng trong mọi việc nhất là học hành. Tôi thuê một gia sư tiếng Anh, ngay cả người giúp việc cũng phải nói ngoại ngữ tốt để con tôi giao tiếp mỗi ngày, không bị vụng về khi phản ứng nói chuyện. Tôi cũng thường xuyên liên lạc, trao đổi với nhà trường để nắm tình hình học hành của các con.

Dạy con là một điều khó khăn vì vậy tôi đọc sách, lên mạng đọc những bài viết hay, lắng nghe cảm xúc con trẻ để điều chỉnh bản thân. Mỗi khi con lỡ nói những câu hỗn hào, tôi tìm hiểu lý do vì sao, không áp đặt cảm giác của mình lên chúng. Dù vậy có những lúc sự bướng bỉnh của con trẻ làm tôi nổi điên. Ông cha ta có câu "thương cho roi cho vọt" nhưng tôi không muốn ký ức của con nghĩ về cha chỉ là những trận đòn. Tôi phải khiến con vừa sợ vừa nể bằng cách của riêng mình.

Cũng có vài người phụ nữ muốn cùng tôi gánh vác việc nuôi dạy con cái, đồng hành cùng tôi trong cuộc sống nhưng tôi không muốn. Tôi vừa làm cha, vừa làm mẹ nhiều năm nay đã quen, có người lạ xen vào tôi thấy phiền hà. Chưa kể, họ không máu mủ ruột thịt, chỉ cần một câu la mắng cũng khiến con mình bị tổn thương.

- Tuổi thơ của anh thiếu thốn tình cha, anh bù đắp tình cảm cho các con ra sao?

- Khi tôi biết cảm nhận được sự yêu thương thì cha tôi sống với người phụ nữ khác. Tôi chưa bao giờ được ông ôm hôn. Vì vậy, tôi thường nói với các con mình, sau này dù có lớn cũng phải cho tôi ôm hôn (cười). Các con thương tôi lắm. Mỗi lần sinh nhật của cha, chúng cùng nhau viết thiệp chúc mừng, làm bánh, cùng nhau trốn trong cái hộp, hay trùm mền lại, chờ tôi đi diễn về, tạo sự bất ngờ. Câu chúc của bọn trẻ thường là: "Chúng con thương cha lắm. Mong cha luôn khỏe mạnh, ở mãi bên cạnh".

Ngoài việc dạy con biết bày tỏ yêu thương, tôi cũng thường khuyên bảo chuyện chi tiêu. Tôi không bao giờ mua đồ hiệu cho các con vì sợ con quen với điều đó, sẽ không biết trân quý đồng tiền. Có lần con trai tôi vòi vĩnh mua một đôi giày hiệu 80 triệu đồng. Tôi gọi con lại kể về tuổi thơ của mình phải thức sớm đổ bột làm bánh bèo, bưng, bàn ghế phụ giúp cho ông bà cố. Khi ra đời làm thợ cắt tóc, tôi phải tranh giành sấy tóc cho khách để có tiền thưởng. May mắn, con tôi hiểu chuyện và nghe lời.

- Con lớn của anh đã 18 tuổi, anh chuẩn bị tâm lý thế nào khi một ngày các con rời xa mình, tự lập?

- Tôi có đủ điều kiện cho con đi du học nhưng tôi không thể xađược. Tôi mê con lắm, sợ conđi học xa rồi ở đó không về. Tôi phải tiếp cận gần gũi với bọn trẻ để chúng thương mình. Tôi dành thời gian tối đa ở bên các con. Nếu một đêm có hai lịch diễn tôi sẽ tranh thủ khoảng thời gian trống giữa hai show, chạy về nhà chơi cùng chúng. Cuối tuần, cả nhà đến các trung tâm thương mại ăn những món Hàn, Nhật vì các con thích không khí đông vui, náo nhiệt.

Tôi nghĩ mình phải cố gắng làm việc, xây một cây ATM ở cửa nhà nữa. Như vậy khi rời xa vòng tay tôi, các con vẫn thường xuyên về nhà để rút tiền (cười).

dam-vinh-hung-1-1791-1660460963.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ghhjQUDJ2f_Yu47__pvgqA

Đàm Vĩnh Hưng tên thật là Huỳnh Minh Hưng, sinh năm 1971 ở Quảng Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Ở tuổi ngoài 50, mái ấm gia đình có ý nghĩa thế nào với anh?

- Tôi luôn tự hào là một người cha tốt. Tình cảm gia đình giúp tôi triệt tiêu được nỗi cô đơn. Các con tôi ngoan ngoãn, không quậy phá. Con lớn Huỳnh Như đã tự lập biết kiếm ra tiền, lo lắng, chăm hai em trai. Mỗi lần nghe bạn bè, đồng nghiệp nhắc đến con mình, tôi hạnh phúc lắm.

Ở tuổi 51, tôi sống sung túc nên không có mong ước gì khác ngoài việc giữ vững tên tuổi của mình trong lòng người hâm mộ càng lâu càng tốt. Tôi trả lời tin nhắn cho fan, bạn bè cũng hết thời gian rồi, không còn chỗ cho những cảm xúc không tốt. Thời gian rảnh rỗi tôi vào phòng thu để luyện giọng, sáng tạo cho sản phẩm âm nhạc.

Hoàng Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022