Tết Giáp Thìn, dịp 10 năm thực hiện hoạt động ca hát phục vụ phạm nhân ở các trại giam, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nói về công việc thiện nguyện này.
- Là một trong những ca sĩ tiên phong đi hát phục vụ phạm nhân ở các trại giam cả nước, Tết Giáp Thìn, anh có kế hoạch gì cho hoạt động này?
- Tôi và êkíp luôn làm việc trước với các trại giam khoảng hai tháng cuối năm để chọn ngày thuận tiện. Năm nào tôi cũng muốn chừa lịch diễn, sắp xếp thời gian hát cho họ nghe. Dịp Tết Giáp Thìn, tôi diễn ở trại giam Long Hòa (Long An), Xuân Lộc (Đồng Nai).
Việc ca hát thiện nguyện này do tôi nghĩ ra. Tôi đã hát phục vụ nhiều đối tượng khán giả, từ sinh viên, học sinh, giáo viên, công nhân đến bộ đội, bác sĩ, bệnh nhân, nhưng thấy vẫn còn chỗ chưa tới là trại giam. Ban đầu, tôi dò la, hỏi thăm, được người này, người kia hướng dẫn và từng bước kết nối để làm chương trình. Tôi đến với các họ một cách thiện chí và mang tinh thần phục vụ, không nề hà chuyện tiền bạc. Ở những trại vùng xa xôi, thiếu nhiều thứ, tôi mang theo mì gói, cá hộp, CD nhạc, có lần tặng họ tivi xem tin tức.
Đàm Vĩnh Hưng hát ở trại giam ở Long An những ngày cận Tết Giáp Thìn. Ảnh: Nhân vật cung cấp
- Kỷ niệm của anh lần đầu đứng hát trước các phạm nhân như thế nào?
- Kỷ niệm đáng nhớ trong lần đầu đi hát ở đây là nhìn thấy giọt nước mắt của những người đàn ông. Họ đứng lên biểu diễn cùng tôi, ôm tôi như người bạn thân nhiều năm xa cách. Tôi thể hiện bài hit của mình như Xin lỗi tình yêu, Bình minh sẽ mang em đi và họ hát theo không sót bài nào. Tôi luôn chuẩn bị các bài hát "tủ" như Nghĩ về cha (Nguyễn Nhất Huy), Mẹ (Phú Quang) và nhận ra mình chạm đến cảm xúc của họ. Từ năm thứ hai trở đi, bài Xuân này con không về như một dấu ấn riêng của tôi khi vào các trại hát.
- Anh nhận được tình cảm ra sao từ các phạm nhân?
- 10 năm đi hát ở các trại giam, lần nào tôi cũng hạnh phúc, sung sướng. Dù đoán trước sẽ được các phạm nhân chào đón, tôi vẫn không thể tưởng tượng rằng họ lại nồng nhiệt như vậy. Mọi người hò reo, vỗ tay, gọi tên Đàm Vĩnh Hưng khắp nơi. Nhiều người ôm hôn tôi và xin chữ ký.
Tôi và êkíp từng tiếp xúc, giúp đỡ cho những trường hợp đặc biệt. Họ vẫn hay hỏi thăm và có lần tặng quà Tết cho tôi, dù chỉ là một túi vài trái cam. Nhìn chung, ai thấy hình ảnh tôi hát giữa trại giam đều cảm động. Khi tôi ra nước ngoài lưu diễn, khán giả Việt kiều luôn vỗ vai nói: "Cô, chú rất xúc động khi con vào trại giam hát cho phạm nhân nghe, tiếp tục như vậy nha con".
- Anh vượt qua khó khăn nào để theo đuổi hoạt động này trong gần một thập niên?
- Tôi chỉ bị khó khăn lúc đầu là làm sao để liên lạc với những cán bộ quản lý trại giam. Nhiều năm trước, tôi phải ngồi trình bày, cam kết không quay phim chụp ảnh, phát ngôn gì về buổi diễn. Tôi chỉ xin ghi hình để làm kỷ niệm cho cuộc đời đi hát của mình. Sau đó, tôi xin phép cán bộ quản lý trại giam đăng vài tấm hình trên trang cá nhân và được họ đồng ý, không ngờ nhận được sự yêu mến và bình luận tích cực từ khán giả. Mọi người cho rằng việc tôi làm có ý nghĩa nhân văn. Chương trình ca hát thiện nguyện của tôi nhận được sự ủng hộ của công chúng nên hiện giờ tôi cũng dễ chia sẻ hình ảnh hơn.
Tôi không có sự e ngại nào khi diễn trước các khán giả đặc biệt. Tôi còn lao vào giữa đám đông để nhận được sự thương yêu, để họ không có cảm giác khoảng cách hay mặc cảm.
- Sau những chương trình, điều đọng lại trong anh là gì?
- Khi đi hát, tôi được cán bộ ở trại cho biết về vài trường hợp để tiếp cận và giúp đỡ họ. Năm 2020, tôi tình cờ nói chuyện với một nữ phạm nhân đang thi hành án chung thân tại trại giam Long Hòa (Long An). Chồng cô ấy cũng đi tù, anh trai bị tuyên án tử hình. Mẹ phạm nhân qua đời khi nghe các con phạm tội. Cô ấy mơ ước được gặp bố một lần vì ông lớn tuổi, không có tiền để đến trại giam thăm con gái. Nghe xong, tôi đi hơn 100 km đến nhà của bố phạm nhân, thuyết phục ông lên thăm người thân trong dịp Tết. Tôi giúp đỡ cô ấy gặp bố để có thêm niềm tin, động lực cải tạo tốt trong trại giam, sớm có ngày được đoàn tụ cùng gia đình. Nghĩ lại, tôi thấy tự hào với chính mình về những việc này.
Sau này, tôi mời anh chị em đồng nghiệp đi diễn cùng như: Trung Dân, Tấn Beo, Quang Linh, Việt Hương, Trường Giang, Hồng Ngọc, Dương Triệu Vũ. Họ đều nhiệt tình nhận lời và hát hết mình.
Ca sĩ nói nhận được tình cảm quý mến từ các phạm nhân khi đi hát ở trại giam. Ảnh: Nhân vật cung cấp
- Anh có kế hoạch đón xuân Giáp Thìn như thế nào?
- Cũng như mọi năm, tôi trang hoàng nhà cửa rực rỡ, mời khán giả, khách khứa đến chụp hình. Tôi dành thời gian sum vầy bên gia đình, đón giao thừa cùng mẹ và con trai. Mùng một Tết tôi bắt đầu chạy show ở TP HCM. Từ mùng ba đến mùng sáu Tết tôi hát ở Phan Thiết (Bình Thuận) vì nhận lời làm giám đốc nghệ thuật cho một lễ hội tại đó. Sau Tết, tôi chuẩn bị cho liveshow Ngày em thắp sao trời, hy vọng sẽ mang lại sự hài lòng cao nhất cho khán giả với cách làm mới dòng nhạc Bolero.
Đàm Vĩnh Hưng, 53 tuổi, quê Quảng Nam, từng đoạt giải tư Tiếng hát truyền hình TP HCM năm 1998. Đầu thập niên 2000, anh gây chú ý với hai ca khúcTình ơi xin ngủ yên, Bình minh sẽ mang em đi. Anh tiếp tục ra mắt các album Hưng (2004), Dạ khúc cho tình nhân (2005), Tình ca hoài niệm (2006), Giải thoát (2007). Ca sĩ có con trai - Polo Huỳnh (bốn tuổi), giữ kín thông tin về mẹ của bé.
Hoàng Dung