Xuất hiện quảng cáo "thuốc chữa bệnh Covid-19" được rao bán trên mạng xã hội
Mới đây, trên mạng xã hội, tài khoản K.T chia sẻ hình ảnh thuốc điều trị Covid-19 với lời chào mời: "Trước khi đến được với vắc-xin thì nên để em nó bên mình các anh chị em nhỉ?". Được biết, hình ảnh đăng tải là một loại thuốc có xuất xứ từ Nga. Và để tăng tính thuyết phục cho sản phẩm, người rao bán không quên đính kèm ảnh chụp màn hình bài đăng chính phủ nước Nga đã tặng huân chương cho Chủ tịch công ty bào chế ra loại thuốc điều trị Covid-19 này.
Tài khoản K.T chia sẻ hình ảnh thuốc điều trị Covid-19 với lời nhắn: "trước khi đến được với vắc-xin thì nên để em nó bên mình các anh chị em nhỉ?".
Theo như những hình ảnh chủ tài khoản này đăng tải thì có 2 loại thuốc khác nhau, một loại màu xanh dương và một loại màu đỏ. Chủ tài khoản này giới thiệu là nên có sẵn để "chống covid" trước khi được tiêm chủng. Trong khi loại thuốc màu xanh được đính kèm thêm bài báo để cho biết đó là thuốc chữa COVID-19 thì sản phẩm thuốc màu đỏ lại không có lời giải thích rõ ràng.
Tên sản phẩm nhìn qua lại khá giống nhau khiến người mua có thể dễ dàng bị nhầm lẫn. Việc tung sản phẩm điều trị đính kèm "bằng chứng" ghi công đã đánh trúng tâm lý người tiêu dùng chưa được tiêm vắc-xin Covid-19 và những người đang sống trong vùng có dịch khiến họ rục rịch tìm mua sản phẩm. Nhiều người dân đã bỏ tiền ra mua sản phẩm này để dự trữ sẵn trong nhà như một cách cứu sống chính mình và người thân nếu chẳng may mắc phải.
Thuốc Remdesivir chính thức được dùng điều trị Covid-19 ở TP HCM và các tỉnh phía Nam
Vậy, thuốc điều trị Covid-19 đang được rao bán trên mạng xã hội này có thực sự hiệu quả trong điều trị bệnh Covid-19 hay không? Trong lúc chờ đợi được tiêm phòng vắc-xin Covid-19, đây có phải là cách bảo vệ bạn tốt nhất?
Thuốc điều trị Covid-19 đang được rao bán trên mạng xã hội này có thực sự hiệu quả trong điều trị bệnh Covid-19 hay không?
Hãy cẩn trọng trước những thông tin thuốc điều trị Covid-19!
Theo BS Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM), không có thuốc điều trị Covid-19 nào mà lại được bán tràn lan trên thị trường ở nước ta. Thế nên sản phẩm được quảng cáo rất có thể chỉ là sản phẩm mạo danh, thuốc giả, người dân không được phép tùy tiện mua sử dụng, có thể khiến tiền mất tật mang.
"Không có loại thuốc điều trị Covid-19 nào hiện nay được bán phổ thông ngoài thị trường nước ta", chuyên gia khẳng định. Bởi lẽ, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 không phải ai cũng giống ai. Mỗi người có phác đồ điều trị riêng, dùng thuốc gì, sản phẩm nào… đều phải được bác sĩ căn cứ vào tình hình cụ thể rồi mới kê đơn điều trị. Hiện tại, tuyệt đối không có chuyện cứ mua sản phẩm thuốc điều trị Covid-19 nào đó ngoài thị trường và uống để hết bệnh.
"Không có loại thuốc điều trị Covid-19 nào hiện nay được bán phổ thông ngoài thị trường nước ta"!
Do đó, thông tin quảng cáo thuốc điều trị Covid-19 trên mạng dù là loại nào cũng đều không đáng tin. Chưa kể, việc tùy tiện dùng thuốc, không có khuyến cáo của bác sĩ, có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Tốt nhất, người dân lúc này nên thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, ở những khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội nên nghiêm túc thực hiện để có kết quả chống dịch tốt nhất, dù cho bạn là ai, đã được tiêm hay chưa tiêm vắc-xin Covid-19.
Chuyên gia cũng cho biết, trên thế giới số lượng ca mắc Covid-19 vẫn không ngừng tăng lên, việc xuất hiện thêm các biến thể mới khó lường thì nhiệm vụ tìm ra loại thuốc điều trị hiệu quả căn bệnh này được xem là giải pháp bền vững. Mặc dù vậy, công cuộc nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19 hiện đang đặt ra nhiều thách thức, chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai.
Công cuộc nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19 hiện đang đặt ra nhiều thách thức, chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai.
Trong khi đó Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng như Bộ Y tế cho biết, cho đến thời điểm hiện tại chưa có loại thuốc nào được chính thức khẳng định điều trị Covid-19 hiệu quả, những thông tin xuất hiện trên mạng xã hội liên quan đến thuốc điều trị Covid-19, nhiều thứ được tung hô như thần dược chữa bệnh chỉ là những tin đồn truyền miệng, lời đồn thổi hoàn toàn thiếu căn cứ khoa học.
"Người dân không nên tích trữ thuốc được đồn là điều trị bệnh Covid-19 rồi tự ý uống, tự ý chữa tại nhà bằng những sản phẩm này, có thể dẫn đến tiền mất tật mang. Tốt nhất, khi nghi ngờ hoặc xác định mình nhiễm bệnh nên khai báo y tế để được can thiệp cũng như có những hướng dẫn kịp thời, đầy đủ", BS Trương Hữu Khanh khuyên.