Chỉ còn ít giờ nữa, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế - Bình Định sẽ đón siêu bão Noru một trong những cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong 20 năm qua, thậm chí cường độ cơn bão này còn được so sánh ở cấp tương đương hoặc cao hơn so với bão lịch sử Xangsane 2006 từng khiến 76 người thiệt mạng và thiệt hại hơn 10.000 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ 3, miền Trung nói riêng và cả nước nói chung hứng chịu những thiên tai hết sức nặng nề khốc liệt kể từ đợt mưa lũ lịch sử năm 2020.
Mùa mưa lũ lịch sử năm 2020 đến giờ vẫn là nỗi ám ảnh đối với người dân miền Trung.
2020: Bão Molave, sạt lở đất và ký ức thảm họa Rào Trăng
Năm 2020 được đánh giá là một trong những năm thiên tai khốc liệt và dị thường nhất trong lịch sử khí tượng Việt Nam. Đặc biệt tại mùa mưa lũ miền Trung từ tháng 10-11/2020 đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề.
Trong gần 2 tháng, khu vực duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 áp thấp nhiệt đới. Đặc biệt cơn bão số 9 (bão Molave) đổ bộ vào miền trung Việt Nam tháng 10/2020 đã gây ra thiệt hại vô cùng nghiêm trọng về người lẫn tài sản. Sau khi đi vào biển Đông, bão số 9 đã đạt đến cấp siêu bão và được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua với sức gió cấp 14, giật cấp 17.
Hoàn lưu bão đã gây mưa lớn, úng ngập, sạt lở đất đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản với ước tính khoảng 10.000 tỷ đồng.
Đợt mưa lịch sử sau bão số 9 khiến nhiều địa phương sạt lở nghiêm trọng khiến hàng chục người chết.
Thế nhưng thiệt hại về người trong đợt mưa lũ ấy mới chính là những mất mát, thiệt hại nghiêm trọng nhất trong mùa mưa lũ 2020 với 84 người chết, thậm chí cho đến nay vẫn còn nhiều thi thể chưa được tìm thấy. Và đặc biệt, sự hy sinh anh dũng của 13 cán bộ, chiến sĩ trong quá trình tìm kiếm cứu hộ cứu nạn nhạn nhân sạt lở Thuỷ điện Rào Trăng 3 cùng 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 khiến người dân cả nước bàng hoàng, xót xa.
Tính chung trong mùa mưa bão năm 2020, bão và mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, làm 249 người chết, mất tích, 1.531 nhà sập, 239.341 nhà bị hư hại, tốc mái, 473.449 lượt nhà bị ngập; nhiều công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, dân sinh bị hư hỏng, sạt lở. Ước tính thiệt hại về kinh tế trên 36.000 tỉ đồng.
13 cán bộ, chiến sĩ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn nhạn nhân sạt lở Thuỷ điện Rào Trăng 3...
... Cùng 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đã hy sinh trong đợt mưa lũ lịch sử 2020.
Đặc biệt, sau cơn bão số 9 Molave đã gây ra mưa lũ lịch sử chưa từng có trong hàng chục năm qua tại các tỉnh miền Trung.
Con số thống kê trên cho thấy, đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt chưa từng có trong nhiều năm qua; tình trạng “bão chồng bão,” “lũ chồng lũ” đã tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi.
Miền Trung tan hoang sau đợt lũ lịch sử 2020
2021 - Tiếp diễn mưa lũ lịch sử
Những thiệt hại nặng nề từ mùa mưa bão năm 2020 vẫn chưa kịp khôi phục, các tỉnh miền Trung tiếp tục hứng chịu những hậu quả do tình trạng Lalina tiếp diễn.
Từ giữa tháng 9/2021 đến tháng 12/2021, khu vực miền Trung chịu ảnh hưởng liên tiếp 4 cơn bão và 6 đợt mưa lớn... Người dân chưa kịp gượng dậy do dịch bệnh thì lại đối mặt với “mưa lớn, ngập lụt, sạt lở” liên miên.
Đặc biệt vào cuối tháng 11, đầu tháng 12/2021, nhiều địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định... đã hứng chịu nhiều đợt mưa to đến rất to, gây ra các đợt lũ lịch sử.
Phú Yên trong đợt lũ tháng 12/20212.
Theo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, trong đợt mưa lũ lịch sử tại các tỉnh Nam Trung Bộ vào tháng 12/2021, Phú Yên đã có 4 người chết, 6 người mất tích; Bình Định có 3 người chết; Khánh Hòa có 1 người chết, 1 người mất tích; Đắk Lắk 1 người chết... Hàng chục ngàn ngôi nhà bị sập, hư hỏng, hàng chục ngàn héc-ta diện tích hoa màu, nuôi trồng thuỷ sản bị ngập... Thiệt hại về tài sản lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Điệp khúc “nước lên - dọn dẹp, nước xuống - dọn dẹp” đã quen dần với người dân các tỉnh miền Trung mỗi mùa lũ về. Thế nhưng sau mỗi mùa lũ qua đi thứ còn lại chỉ là cảnh tượng tan hoang, trắng tay sau lũ của người dân...
2022 - Siêu bão NORU 2022
Vào 13 giờ chiều nay (27/9), tâm bão Noru trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 270km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão, bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Các đài khí tượng lớn trên thế giới đều nhận định, bão Noru sẽ tiếp tục duy trì sức mạnh rất lớn khi tiến gần vùng bờ biển nước ta với cường độ trên cấp 13. Riêng Trung Quốc và Mỹ nhận định, bão có thể mạnh cấp 15-16, tiệm cận cấp siêu bão khi gần bờ.
Ngay từ sáng 27/8, đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đã có gió mạnh cấp 8.
Ông Trần Quang Năng - Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, khi ở vùng biển ven bờ miền Trung, bão vẫn duy trì sức mạnh cấp 14-15, giật cấp 17. Khi đổ bộ đất liền nước ta trong đêm nay và sáng mai, bão duy trì sức mạnh cấp 12-14, giật cấp 15.
“Trước đây chúng ta chỉ ghi nhận bão trên đất liền mạnh nhất cấp 13. Nếu bão Noru duy trì gió mạnh cấp 14 khi vào đất liền, đây là con số lịch sử, trận bão lịch sử”, ông Năng nói.
Nguy cơ lớn nhất, nguy hiểm nhất lúc này là gió rất to, sóng rất lớn trên biển dọc theo vĩ độ 16 độ vĩ Bắc, là nơi bão đi qua có cường độ gió cấp 13-14, có khả năng đạt cấp 15, gió giật cấp 17, sóng cao 8-10m, có thể đánh đắm tất cả các tàu thuyền, kể cả tàu trọng tải lớn. Các khu vực nuôi trồng thủy sản, khu vực neo đậu tàu thuyền nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng khi gió rất mạnh, các cột sóng có thể cao 4-6m, ở vùng tâm bão cao 6-8m.
Các chuyên gia khí tượng đều nhận định, bão Noru được đánh giá là cơn bão rất mạnh, có thể so sánh với bão Xangsane năm 2006 về cường độ, thậm chí mạnh hơn.
Cũng đổ bộ vào nước ta vào cao điểm mưa bão tháng 9, thời điểm đó, bão Xangsane với sức gió mới chỉ mạnh cấp 13, giật cấp 14 nhưng đã càn quét kinh hoàng vào Đà Nẵng – Quảng Nam gây thiệt hại nặng nề với 76 người chết và mất tích, 532 người bị thương, gần 350.000 căn nhà bị đổ, hư hại, gần 1.000 tàu thuyền bị chìm và hư hại. Tổng thiệt hại ước tính gần 10.000 tỷ đồng thời điểm đó.
Mặc dù không phải tâm bão nhưng huyện Gio Linh, Quảng Trị đã tan hoang trước khi bão đổ bộ.
Cùng với bão Xangsane 2006, Molave năm 2020, bão Noru được đánh giá là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua. Liệu khi đổ bộ bão số 4 có lặp lại kịch bản bão Xangsane?
Với bão số 4, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (màu đỏ) đối với TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi. Đây cũng là 4 địa phương được dự báo tâm bão đi qua.
Ngoài ra, cơ quan khí tượng cũng nhận định, hoàn lưu bão sẽ gây ra đợt mưa rất lớn cho các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên, lượng mưa có thể lên đến 450mm, làm tăng nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất sau bão cho các địa phương.
Rút kinh nghiệm sâu sắc từ những mùa mưa lũ trước, đặc biệt là trận mưa lũ lịch sử 2020, ngày từ khi bão Noru vào biển Đông, cơ quan khí tượng đã theo sát diễn biến của cơn bão và đưa ra những dự báo để chính quyền cùng người dân có biện pháp phòng chống.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có công điện khẩn yêu cầu các địa phương khẩn trương tiến hành các biện pháp phòng chống bão, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Về phía các địa phương cũng đã nghiêm túc, khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống bão.
Người dân tại các vùng "đỏ" cũng chủ động gia cố nhà cửa, sẵn sàng sơ tán theo yêu cầu của chính quyền.
Với tinh thần chủ động ứng phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản, hy vọng sẽ không có những con số đau lòng như Xangsane 2006 hay Molave năm 2020.