Con anh tên là Bôm. Bôm là cái tên con anh tự gọi mình, còn tên cha mẹ đặt cho Bôm là Tôm. Một cái tên ngộ nghĩnh. Một đứa trẻ ngộ nghĩnh, ngộ nghĩnh nhất mà chúng ta đã từng gặp. Nó gọi bố nó bằng "anh". Khi lên sân khấu biểu diễn, nó hỏi: "Anh Tuấn ơi, em mặc bộ quần áo này có đẹp không? Hôm nay, em sẽ chơi nhạc thật phiêu để anh Tuấn thích luôn". Rồi cậu bé cười.
Tôi đã chảy nước mắt vì nụ cười của cậu bé, vì những câu thoại ngộ nghĩnh của cậu bé. Tôi không nghĩ là cậu bé không biết "anh Tuấn" là bố mình. Biết, rất biết nữa là đằng khác. Vì cậu bé từng nói, cậu yêu bố cậu to như căn nhà cơ mà? Vậy cái cách xưng hô này, sẽ được xưng hô tự nhiên với nhau được khi hai cha con họ thực sự là hai người bạn.
Quốc Tuấn là một diễn viên nổi tiếng. Quốc Tuấn hy sinh cả sự nghiệp của mình trong một chặng hành trình dài để chăm sóc con, chữa bệnh cho con, chuyện này cũng dễ hiểu. Cũng như anh nói: "Phàm đã sinh con ra thì phải có trách nhiệm. Và vì anh nghĩ, với con cái mà không tử tế thì không thể nào tử tế với ai".
Nhưng giữa cuộc sống ấy, với bao nhiêu nỗi buồn mà không phải người cha nào cũng vượt qua được ấy, mà người đàn ông đó vẫn giữ được sự hồn nhiên cho con và cho chính anh, thì không phải người cha nào cũng làm được.
Cũng có thể dễ hiểu, là chặng hành trình suốt 15 năm, cuộc sống của Bôm chỉ là bệnh viện, rồi những phím đàn cùng với những buổi lên lớp. Những gió bụi cuộc đời đâu đó không bén mảng tới tâm hồn cậu bé, để cậu bé sống một cách an lành nhất, có thể, như nụ cười, như cách nói chuyện của Bôm hiện tại.
Nhưng, bạn có nghĩ là Bôm sẽ không hiểu những nỗi buồn của bố mẹ không, sau những gì bạn biết về Bôm? Chắc chắn là biết. Bôm chỉ bị bệnh về ngoại hình, còn tâm hồn, trí tuệ, Bôm vẫn là một cậu bé bình thường.
Vậy thì chỉ có người cha ấy giấu đi tiệt những đau những buồn thường nhật của mình, để luôn là "anh Tuấn" của Bôm suốt 15 năm qua như vậy. Giữa cuộc sống khốn khổ là vậy, anh vẫn giữ nguyên cho Bôm tuổi thơ, tặng Bôm cuộc sống đẹp, bên cạnh cuộc chiến đấu với cả định mệnh để tìm lại cho Bôm cuộc sống bình thường với nghĩa tròn trịa nhất của từ này.
Bôm là một đứa con hạnh phúc, hạnh phúc nhất mà tôi từng gặp. Đứa trẻ hạnh phúc là đứa trẻ không bị khiếm khuyết yêu thương, không bị tước đoạt tuổi thơ, không phải sống trong những cãi vạ của người lớn.
Và, đứa trẻ hạnh phúc cũng là đứa trẻ không bị nhuốm bẩn bởi xã hội ồn ã phía bên ngoài, khi chúng đang cần được sống trong thế giới riêng của nó.
Những điều tưởng đơn giản, nhưng không phải ông bố bà mẹ nào cũng làm được. Và từ câu chuyện của Bôm, chúng ta có thể nhìn lại, rằng mình đã phải là một đứa trẻ hạnh phúc hay chưa?
Thỉnh thoảng trong ký ức chúng ta, vẫn thấp thoáng đâu đó hình ảnh những bà mẹ rất nghèo, nghèo đến mức lo cho đủ no bụng từng bữa đã là điều rất khó. Vậy nhưng vô tình con mình trót nhìn và thích một con búp bên giống như nhà hàng xóm, người mẹ ấy đã giấu một người, tự đi mua con búp bê và vấy chút bẩn lên nó, nói với con là mẹ nhặt được trên đường, mang về tặng con.
Hay một ông bố khá giàu có, bận trăm công ngàn việc nhưng cuối tuần nào cũng đưa con trai đi bộ. Và trên con đường ấy, ông bố kể cho con những điều giản dị nhất trong ký ức, rằng bố hồi xưa tập đá bóng như thế nào. Để rồi họ trở thành đôi bạn, con trai được khơi dậy đam mê và lớn lên một cách bình thường nhất.
Thì dù là bà mẹ nghèo hay ông bố giàu, trong bản năng của họ thức tỉnh một điều, họ phải làm gì đó cho tuổi thơ của con mình. Rồi từ nay, chúng ta phải nghĩ, giữa cuộc sống đầy nước mắt là vậy, Quốc Tuấn đã nuốt hết vào trong, tặng cho con mình trọn vẹn tuổi thơ và một cuộc sống trong trẻo. Anh đã tặng con cả thế giới.
Chúng ta, trong những sân si của con người, trong những hơn thua từ lời lẽ đến những giá trị vật chất với ai đó, kể cả với người thân; với những bon chen giành giật với cuộc sống để sinh tồn, hãy lắng mình lại đôi chút để hiểu rằng, chúng ta nên dành cho con mình điều gì, để con mình không trở thành đứa trẻ mất mát.
Chúng ta có sẵn sàng gạt hết sự ích kỷ của mình để thế giới của con không bị tổn hại? Khó, nhưng không phải không làm được. Khó như Quốc Tuấn, mà anh còn làm được cơ mà?
Lâu rồi, tôi có nói chuyện với một bác sĩ tâm lý về việc những đứa trẻ ngày hôm nay tại sao chúng lại nổi loạn nhiều đến thế? Anh cùng tôi nhắc về tiểu thuyết "Bắt trẻ đồng xanh" của J.D.Salinger, một cuốn tiểu thuyết với số phận đặc biệt, ra đời năm 1951, từng gây ra nhiều cuộc tranh cãi, chỉ trích, cắt lên cắt xuống khi kiểm duyệt xuất bản, nhưng rồi chính nó đi vào sách giáo khoa ở những trường trung học ở các nước có nói tiếng Anh.
Có lẽ, tác giả đã để một đứa trẻ 17 tuổi như Holden tự cất tiếng nói của mình qua ngôn ngữ danh xưng ngôi thứ nhất, phản kháng lại một xã hội đang nấp bóng văn minh, nhưng sau đó toàn là giả dối, tham lam, ích kỷ.
Đứa trẻ như tấm gương soi chiếu trung thực cuộc sống đi qua nó. Khi nó đủ nhận thức, nó sẽ tự tìm lại những hình ảnh trong tấm gương ấy để nó phản kháng. Xã hội càng nhiều điều phức tạp thì trẻ con càng dễ nổi loạn để tự vệ nhiều nhất có thể, bảo vệ cái sự trong trẻo của mình.
Nếu lúc đó, trong gia đình, sự yêu thương không đủ đầy thì mới là điều nguy hiểm vô cùng đối với tương lai của đứa trẻ. Hơi xa xôi, nhưng liên hệ với câu chuyện của Quốc Tuấn, tôi nghĩ, anh đã cho chúng ta một bài học tròn đầy nhất về yêu thương. Sự yêu thương ấy đã giúp anh băng qua chặng đường khổ hạnh 15 năm để tìm lại cho con sự bình thường.
Vậy, chúng ta, sẽ làm gì để giúp con mình sống bình thường?