Dưới bóng cây hạnh phúc là bộ phim khai thác đề tài gia đình phản ánh rất chân thực cuộc sống. Trong tập 19 được phát sóng tối qua, có lẽ phân đoạn được khán giả tâm đắc nhất là cảnh Son – nàng dâu cam chịu đã 1 lần “dũng cảm” vạch tội nhà chồng.
Son là kiểu nhân vật còn tồn tại rất nhiều trong đời sống hàng ngày. Một cô vợ tần tảo, đảm đang, hiền lành đến mức nhu nhược. Hết lòng chăm sóc bố chồng chu đáo, hỗ trợ em chồng trong lúc khó khăn, không ngại nấu từng món ăn cầu kì theo sở thích của từng thành viên trong gia đình chồng nhưng Son chưa bao giờ được họ tôn trọng, kể cả chồng cô.
Vì quá uất ức với những gì bị dồn nén bấy lâu, Son mượn rượu giải sầu. Và cho đến khi cô tỉnh mộng thì chờ đợi cô là những gương mặt “tòa án” chuẩn bị xét tội. Ông Công mắng Son lời lẽ vô cùng cay nghiệt: “Tôi không hiểu loại đàn bà như chị suy nghĩ gì mà làm những điều đáng xấu hổ như vậy” nhưng cô im lặng. Đến khi bố chồng đổ lỗi cho bố mẹ không biết dạy để Son đổ đốn, "đẻ ra đứa con gái hư hỏng như vậy, tất cả là do bên ấy hết" rồi yêu cầu Đạt gọi ông bà thông gia sang “đón con gái vàng con gái bạc dạy dỗ lại”, Son mới thực sự phản kháng.
Son bị bố chồng mắng sau trận say
Son “vạch mặt” từng người 1, không ai là thoát tội: “Cả cái nhà này ai là người hầu hạ? Trong nhà này mỗi con là con dâu ạ? Sao mọi người lại đối xứ với con bất công như thế? Con xin lỗi con không phải cái thùng rác để mọi người muốn nói gì thì nói muốn làm gì thì làm”.
Thế nhưng Đạt không những không bảo vệ vợ mà anh ta còn kéo cô ra 1 chỗ để dọa ly hôn. Đạt đưa ra 1 lý lẽ rất nực cười: “Đàn bà cả cái làng này nữ công gia chánh có ai không phải làm không?”.
Nhiều nàng dâu, nhiều cô vợ thấy chính bản thân mình trong câu chuyện của Son. Họ cho rằng dù Son đã dám nói ra những uất ức nhưng sau cùng cô vẫn chịu nhục, vẫn cùng mẹ đi xin lỗi nhà chồng. Vậy sự phản kháng này có tác dụng gì?
Người ta vẫn nói, phụ nữ sẽ chỉ bị trà đạp, bị tổn thương khi chúng ta cho phép đối phương làm như vậy. Còn bao nhiêu nàng dâu, bao nhiêu cô vợ đang đóng vai trò là cốt lõi, là xương sống trong 1 gia đình nhưng vẫn không được ghi nhận và tôn trọng? Hay như nhân vật Đạt – chồng Son mặc định, những việc đó là của phụ nữ.
Đừng bao giờ hỏi bản thân làm gì sai mà hãy tự vấn xem người được mình hi sinh đã đối xử đủ tử tế với mình chưa. Phụ nữ chúng ta không thể có giá nếu cứ tự coi mình như mặt hàng đại hạ giá vậy!
Đến chồng cũng chưa một lần bảo vệ, bênh vực Son
Một người phụ nữ đơn giản, cam chịu, cuộc sống của họ được mặc định trên con đường hi sinh. Và khi cứ hi sinh và phục tùng trong 1 thời gian dài bạn tự coi đó là thói quen, là trọng trách, nghĩa vụ cần làm chứ chẳng phải điều gì to tát.
Bạn chăm sóc chồng con chu đáo, bạn hiếu nghĩa với bố mẹ chồng, điều đó hoàn toàn đúng. Song bạn làm đủ những điều ấy mà vẫn bị bỏ rơi, bị gạt ra 1 góc thì bạn sai quá rồi, là sai với chính bản thân, sai với cả bố mẹ.
Phụ nữ đôi khi yêu chồng, yêu con, thậm chí là yêu cả nhân loại nhưng lại quên yêu chính mình.
Một phụ nữ mẫu mực trong hôn nhân sẽ sinh ra tính cách "cống hiến và hi sinh". Sự đáng sợ nhất của loại tính cách này là khi bạn lún sâu vào đó, bạn sẽ dần đánh mất bản thân.
Ngay cả trước mặt đàn ông, phụ nữ đã trang bị đủ sự quyến rũ, khôn ngoan và khéo léo thì khi quay lưng lại, bạn vẫn cần có một tư thế sang trọng của sự độc lập và tự chủ.
Đừng để thời gian trôi qua tôi luyện cho bạn đức tính kiên nhẫn đến mù quáng, cam chịu đến nhu nhược. Đừng chờ đợi 1 cơn say mới dám nói ra tiếng lòng. Đừng để kiệt sức cả về thể xác lẫn tinh thần mới nghĩ đến việc thoát ra.
Hãy nhớ, những người phụ nữ hèn nhát và nhu nhược luôn có những cậu bé khổng lồ bên cạnh. Còn phụ nữ độc lập và thu hút, chủ yếu là đàn ông trưởng thành vây quanh.
Đàn ông yêu bạn sẽ hiểu nên làm gì để tốt cho nhau chứ không phải bắt bạn phục tùng và thay đổi. Không có điều gì trên thế giới này ngăn cản bạn yêu chính mình. Ngay đến bản thân bạn còn dễ dãi để người khác sai khiến, hạ thấp mình thì sao đòi hỏi người khác trân trọng, tôn quý đây!