Từ ở biệt thự thành kẻ bơm xe, bán báo
NSƯT Hữu Châu tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Châu, sinh năm 1966 tại TP.HCM. Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, bố là nghệ sĩ Hữu Thìn, mẹ là nghệ sĩ Thanh Lệ, cô ruột là cố nghệ sĩ Thanh Nga, chú là NSƯT Bảo Quốc, em ruột là cố nghệ sĩ Hữu Lộc.
Bà nội của nam diễn viên là bầu Thơ, chủ đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga, người được mệnh danh là bầu của các ông bà bầu đoàn hát cải lương thời bấy giờ. Cả gia đình theo nghệ thuật nên Hữu Châu được tiếp xúc với nghề từ sớm. Ngày còn trong bụng mẹ, anh đã theo bà bước lên sân khấu.
NSƯT Hữu Châu thời trẻ.
Cái nôi nghệ thuật đó đã đưa ông đến với nghề diễn một cách tự nhiên. Tuổi thơ của nghệ sĩ Hữu Châu gắn liền với cuộc sống sung túc, được hưởng thụ những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, số phận đã đưa đẩy khiến gia đình ông rơi vào cảnh túng quẫn. Từ công tử con nhà giàu, Hữu Châu phải sống trong cảnh nghèo khó, ở nhà lá, ngày chỉ đủ ăn một bữa.
Dù gặp nhiều biến cố nhưng vì đam mê nghệ thuật cháy bỏng, Hữu Châu vẫn quyết tâm theo đuổi nghề đến cùng. Năm 1985, ông tốt nghiệp Trường Nghệ thuật sân khấu 2 TP.HCM (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM), cùng thời với các nghệ sĩ như Hữu Nghĩa, Hồng Đào, Quang Minh...
NSƯT Hữu Châu trải lòng về thăng trầm, biến cố ở tuổi 20. ẢNH: FBNV.
Ông kể: "Tôi từng là công tử gia đình danh tiếng Sài Gòn, ở nhà 5 tầng lầu mặt tiền ngay trung tâm đường Trần Hưng Đạo. Cuộc sống của tôi từng rất sung sướng cho tới khi gia đình gặp biến cố. Trước đó, cô ruột tôi là nghệ sĩ Thanh Nga mất. Sau đó, lần lượt anh trai, rồi đến cha và bà nội của tôi qua đời, gia đình sụp hết. Từ một căn nhà 5 tầng lầu, gia đình chúng tôi chuyển sang ở một căn nhà mà chưa thể gọi là nhà. Căn nhà mà trời mưa là tất cả những gì dơ nhất là nó trôi vô, trời mưa thì dột không có chỗ ngủ. Khoảng thời gian đó có thể coi là nghèo khổ nhất, đói nghèo nhất, tự ti nhất và cũng có thể nói là đẹp nhất. Bởi tôi đã học được rất nhiều điều, và căn nhà đó cũng làm cho tình thương tràn đầy".
Từ một "công tử" chính hiệu, nghệ sĩ Hữu Châu đã phải bước vào đời, mưu sinh với công việc bán báo cùng những vai diễn nhỏ lẻ để nuôi mẹ và hai em. Nam nghệ sĩ kể ông sống trong nghèo khổ khoảng 12 năm và vượt qua được bằng chính thực lực, nghề nghiệp và cách nhìn cuộc sống không bi kịch.
Nhìn lại khoảng thời gian đã qua, nghệ sĩ Hữu Châu không xem đó là thiệt thòi, mà ông còn thấy biết ơn vì chính khoảng thời gian nghèo khó đó khiến ông trở thành người tốt hơn, sống biết suy nghĩ và có trách nhiệm với gia đình.
NSƯT Hữu Châu hoá thân vào những vai diễn.
Thời gian sau, Hữu Châu gia nhập Đoàn kịch nói Kim Cương. Đây cũng là nơi anh nhận được vai diễn đầu tiên trong đời với vai thầy bói trong vở kịch Hoàng tử và con gái lão chăn cừu. Sau đó, Hữu Châu tiếp tục có nhiều vai diễn ấn tượng như Nguyễn Trãi trong Bí mật vườn Lệ Chi, Võ Công trong Tiên Nga, Lỗ Quý trong Lôi vũ... Nam nghệ sĩ còn được yêu mến khi đóng hài kịch dành cho trẻ em, trong đó tiêu biểu là chuỗi chương trình Ngày xửa ngày xưa.
Bên cạnh lĩnh vực sân khấu, Hữu Châu cũng tham gia đóng phim truyền hình, điện ảnh. Ông là gương mặt quen thuộc với khán giả qua các bộ phim như Giấc mơ của mẹ, Cô gái xấu xí, Cá Rô em yêu anh!, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Cua lại vợ bầu, Chị trợ lý của anh...
Hữu Châu từ đoạt giải Mai Vàng năm 2007 với hạng mục Nam nghệ sĩ kịch nói và năm 2011 với Vở diễn sân khấu. Năm 2012, Hữu Châu được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Năm 2017, ông tiếp tục đoạt giải Nam diễn viên điện ảnh được yêu thích nhất.
Ở tuổi U60 chọn sống một mình, hết lòng cống hiến cho nghệ thuật
Hiện tại, ngoài công việc diễn xuất, NSƯT Hữu Châu còn gắn bó với công tác giảng dạy, đào tạo sinh viên tại các sân khấu và Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM.
Nghệ sĩ Hữu Châu nhắn nhủ các diễn viên trẻ có thể tự hào về bản thân nhưng đừng nên kiêu căng, ngạo mạn.
Năm 2010, nghệ sĩ Hữu Châu nhận lời mời của nghệ sĩ Minh Nhí giảng dạy môn tiếng nói sân khấu tại lớp đào tạo diễn viên kịch nói của sân khấu Hồng Vân. Công việc giảng dạy giúp Hữu Châu có nhiều cơ hội tiếp xúc với các thế hệ học trò, mang lại niềm vui mới khi được đóng góp vào hành trình nghệ thuật.
Kể về nghiệp diễn, nghệ sĩ Hữu Châu nhớ lại: "Lúc đó người ta nói tấu hề là xàm, nhưng ai nói gì thì kệ, miễn mình được đứng trước đèn. Đứng trước đèn tức là mình còn được tồn tại, mình còn là diễn viên. Mình cứ diễn, miễn không làm gì sai trái, tục tĩu, đưa cái xấu đến khán giả thôi. Nhiều hôm trời mưa lất phất, bên dưới hàng ghế chỉ có hai khán giả, trên này Hữu Châu, Hữu Nghĩa, Minh Nhí vẫn diễn bình thường. Mình vượt qua hết và khá lên hồi nào không hay".
Khoảnh khắc NSƯT Hữu Châu cùng các học trò của mình.
Từ câu chuyện về cuộc đời mình, nam nghệ sĩ gửi gắm lời khuyên đầy ý nghĩa dành cho thế hệ diễn viên trẻ. NSƯT chia sẻ khi trải qua biến cố, ông nhận ra bản thân không được phung phí, không được tỏ vẻ ta đây mà phải sống sao cho mọi người thương. Ngoài việc phải rèn luyện chuyên môn nghề, ông cho rằng quan trọng là phải sống tốt, làm việc đàng hoàng, tử tế, dẹp bỏ sự nóng nảy, kiêu ngạo.
NSƯT được nhiều thế hệ học trò yêu mến bởi sự gần gũi, giản dị và hết lòng với học trò qua các bài giảng. Ngoài kiến thức cơ bản về luyện hơi, thanh điệu và kỹ thuật phát âm trong kịch nói, ông còn chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tế quý báu trong nghề và cuộc sống.
NSƯT Hữu Châu, NSND Kim Cương, NSƯT Thành Lộc có mối quan hệ thân thiết.
Không chỉ dạy học trò, NSƯT Hữu Châu còn mời những nghệ sĩ có thâm niên trong nghề như NSND Kim Cương, NSƯT Trần Minh Ngọc, Thành Lộc… đến nói chuyện, phân tích nghề nghiệp giúp học trò vỡ ra những giá trị cao đẹp của nghệ thuật. Đến nay, ông đã dìu dắt nhiều học trò, có thể kể đến như diễn viên Minh Dự, Lê Lộc, Tuấn Dũng...
Ở tuổi 59, NSƯT Hữu Châu chọn sống độc thân, không lập gia đình. Dù vậy, ông không thấy cô đơn mà vui với sự lựa chọn của mình. Trải qua những thăng trầm trong cuộc đời, Hữu Châu tìm được cho mình niềm an vui bên học trò, đồng nghiệp.
NSƯT Hữu Châu
NSƯT Hữu Châu cũng thường xuyên chia sẻ trên trang cá nhân những khoảnh khắc trong cuộc sống. Những lúc rảnh rỗi, ông thường lui tới quán cà phê quen thuộc ngồi đọc kịch bản, đọc sách, hoặc gặp gỡ, trò chuyện với những người thân quen…
Theo Người Đưa Tin