Thời gian vừa qua, rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi trong showbiz Việt đã lần lượt lên tiếng thể hiện bức xúc vì bị xúc phạm nhân phẩm, đồng thời bị lợi dụng hình ảnh cá nhân vào hành vi thương mại, quảng cáo trái phép.
Đặc biệt, những ngôi sao càng nổi tiếng, hay những gương mặt đang hút truyền thông càng dễ trở thành nạn nhân để các đối tượng. Có thể kể đến như: Danh hài Hoài Linh, NSND Hoàng Dũng, NSND Lan Hương, ca sĩ Mỹ Linh, MC Lại Văn Sâm, NSƯT Công Lý, NSƯT Minh Vượng,...
Tháng 6 vừa qua, danh hài Hoài Linh bị một đơn vị bán nhẫn phong thủy bịa đặt bài phỏng vấn về việc sử dụng nhẫn của đơn vị này. Theo đó, đơn vị này đăng tải hình ảnh Hoài Linh trò chuyện với một MC và đưa ra thông tin sai sự thật về việc danh hài có được như ngày hôm nay là nhờ đeo nhẫn phong thủy.
Danh hài Hoài Linh bức xúc vì bị mạo danh vì mục đích kinh doanh.
Đầu năm 2018, "Người phán xử" Hoàng Dũng lại bị một trang bán hàng đã đăng hình ảnh của ông quảng cáo cho một loại thuốc trị ngáy. Không những thế, trang này còn đăng tải bài phỏng vấn của diễn viên Lương Giang với NSND Hoàng Dũng về công dụng của loài thuốc này.
Nam nghệ sĩ cho biết ông không sợ hình ảnh của bản thân hơi xấu đi một chút, nhưng điều ông trăn trở chính là việc khán giả yêu quý mình bị lừa sử dụng những sản phẩm độc hại.
Ngay sau khi phát sóng phim Sống chung với mẹ chồng, NSND Lan Hương cũng khóc dở mếu dở với việc tạo hình "mẹ chồng" của mình bị nhiều đơn vị như Nấm linh xanh, mỹ phẩm, quần áo,... sử dụng để bán hàng.
Diễn viên Thanh Hương lại rơi vào trường hợp bị mạo danh để chiếm đoạt tài sản. Cô tiết lộ thậm chí từng xảy ra trường hợp khán giả vì tin những hình ảnh nghệ sĩ bị giả mạo đã gửi tiền quan số tài khoản của những kẻ lừa đảo.
NSƯT Công Lý cũng chia sẻ sau khi tham gia phim Những cô gái trong thành phố, hình ảnh Lâm "đồ tể" cầm dao đã lan truyền trên mạng xã hội, có một đơn vị bán dao đã lấy hình ảnh này khiến nam nghệ sĩ rất bức xúc.
NSƯT Minh Vượng bị ghép ảnh quảng cáo cho viên chữa tiểu đường, Hoa hậu Thu Thảo bị lạm dụng để quảng cáo cho một hàng ngũ cốc là 2 trong số rất nhiều trường hợp như vậy trong showbiz Việt.
Việc bị mạo danh để bán hàng xảy ra không ít trong showbiz Việt.
Ngoài ra, các nghệ sĩ cũng chịu không ít bức xúc khi bị phỉ báng, xỉ nhục trên mạng xã hội. Mới đây nhất, MC Trấn Thành khiến cộng đồng mạng chú ý khi đăng tải dòng trạng thái trên trang cá nhân thể hiện sự tức giận khi anh và gia đình bị phỉ báng. Theo đó, một tài khoản Facebook đã có những bình luận và trả lời fan của anh với nội dung nguyền rủa Hari Won vì bị bệnh nên không thể có con, và cho rằng đó là "nhân-quả" của vợ chồng anh.
Nam MC viết: "Bạn có thể không thích tôi nhưng không thể nhân danh bất cứ cái gì mà vào nhà tôi phỉ báng và nguyền rủa gia đình và vợ tôi như thế. Nếu bạn chỉ viết vu vơ 1 bình luận tôi cũng còn bỏ qua được. Đằng này là trả lời từng fan của tôi và liên tục nguyền rủa gia đình tôi bằng những lời cay nghiệt và tỏ ra cực kỳ khoái chí với việc đó. Như bạn đã viết: 'Cuộc đời này trả giá nhanh lắm'. Đúng. Và bạn sắp phải trả giá cho hành động vừa rồi đây. Tôi sẽ cho công an đến tận nhà bạn để làm việc".
Chúng tôi đã liên hệ với luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP. HCM) về một số trường hợp nghệ sĩ bị phỉ báng và quảng cáo trái phép trên mạng xã hội.
Về trường hợp của nghệ sĩ hài Trấn Thành, luật sư Hà Hải cho biết, theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 12 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 nghiêm cấm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân. Do đó, hành vi dùng lời lẽ phỉ báng, nguyền rủa người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Người bị xúc phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm theo Điều 592 BLDS 2015.
Điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi pham hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì hành vi: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu theo một hoặc những tội danh khác nhau được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Cụ thể: Nếu xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể cấu thành tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 BLHS 2015, hình phạt tối đa đến 5 năm tù; hoặc người nào bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị theo truy tố tội vu khống theo quy định tại Điều 156 BLHS 2015, hình phạt tối đa 7 năm tù.
Trấn Thành bức xúc vì bản thân và gia đình bị xúc phạm nặng nề.
Đối với trường hợp mạo danh người khác để thực hiện các hành vi thương mại, quảng cáo trái pháp luật, luật sự Hà Hải cho biết, điều 77 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 quy định tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Về dân sự: Theo Điều 32 BLDS 2015, quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải được sự đồng ý của người đó và phải trả thù lao cho hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Do đó, nếu sử dụng hình ảnh người khác khi chưa được sự đồng ý thì đối tượng vi phạm, sẽ phải gỡ bỏ hình ảnh, bồi thường, cải chính và công khai xin lỗi.
Người bị mạo danh có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm theo Điều 592 BLDS 2015, nếu thấy việc bị mạo danh ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi của mình.
Về hành chính: Theo quy định tại điểm đ Khoản 3 Điều 64, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP thì hành vi “giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác” sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Về hình sự: Tùy theo mức độ vi phạm thì người mạo danh người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội: thứ nhất, tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet theo Điều 288 BLHS 2015 (hình phạt tối đa đến 7 năm tù); thứ hai, tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 290 BLHS 2015 (hình phạt tối đa 20 năm tù).
Luật sư cũng chia sẻ nhìn chung, với sự phát triển của Internet nói chung và mạng xã hội hiện nay, để hạn chế việc giả mạo người khác cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác trên môi trường mạng thì các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm và quyết liệt hơn nữa đối với các hành vi vi phạm; người bị xâm phạm cũng cần có thái độ tích cực ngăn chặn hành vi vi phạm, có biện pháp phòng ngừa hành vi vi phạm, tránh trường hợp mặc kệ, để hậu quả xảy ra mới tìm cách giải quyết.
Theo Vietnamnet