Một đứa trẻ có trở thành công dân tốt và sở hữu trí tuệ phát triển hay không, cần phụ thuộc vào nhiếu yếu tố. Trong đó, điều quan trọng nhất là sự giáo dục từ gia đình. Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái, đồng thời cũng là người có ảnh hưởng lớn nhất đến những đứa trẻ. 

beb-1-16351690844861457920351-1635473213175-16354732134382118543018-16734120704371833283338-1673428644016-1673428644476363750489-1673443315754-1673443316948864924516.jpeg

Bà Lý Mai Cẩn.

Bà Lý Mai Cẩn là một giáo sư, chuyên gia rất nổi tiếng của Trung Quốc trong lĩnh vực Tâm lý tội phạm học và Tâm lý trẻ em. Hiện tại, Giáo sư Lý đang công tác tại nhiều đơn vị, gồm Đại học Công an Nhân dân Trung Quốc, Hiệp hội Phòng chống Tội phạm vị thành niên...

Theo vị giáo sư này, nhiều cha mẹ vẫn luôn nghĩ mình có nhiều thời gian đồng hành, giáo dục con, nhưng lại không biết rằng đứa trẻ lớn lên sẽ dần xa cách bố mẹ. Khi đó, nhiều cơ hội giáo dục đã bị bỏ lỡ. Giáo sư Lý tin rằng bản chất của trẻ em không xấu, sở dĩ một số trẻ lầm đường lạc lối là do chúng bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh và bạn bè.

Quan trọng hơn, nó liên quan đến giáo dục gia đình. Nhất là trước khi trẻ 6 tuổi, giai đoạn then chốt đối với sự hình thành nhân cách, những lời nói và việc làm của cha mẹ lúc này có ảnh hưởng rất lớn đến con cái. Nếu cha mẹ kịp thời uốn nắn, hướng dẫn đúng đắn thì mới đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của con.  

Giáo sư cho rằng, việc nói “không” với trẻ giai đoạn này là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, cha mẹ phải nắm bắt thật kỹ những quy tắc sau nếu không sẽ khó khăn hơn trong việc kỷ luật khi trẻ lớn hơn.

1. Không tùy tiện lấy đồ của người khác

Trước 6 tuổi trẻ thiếu sự tự nhận thức, chưa hiểu được sự khác biệt giữa "của bạn, của tôi". Trẻ em sẽ nghĩ mình sở hữu những gì có trong tay. Cha mẹ nên nói với con không được tùy tiện lấy đồ của người khác và hướng dẫn trẻ thiết lập ý thức về ranh giới.

Nếu phát hiện con lấy đồ người khác, tuyệt đối không nói những lời chỉ trích gây tổn thương trẻ, không xúc phạm, thóa mạ, quy chụp nhân cách, trừng phạt bằng đòn roi. Điều này khiến trẻ phản ứng tiêu cực hơn, làm giảm lòng tự trọng của trẻ, khiến trẻ gán nhãn cho mình là người xấu. Cha mẹ có thể ngồi lại trò chuyện, hỏi han để giúp trẻ kịp thời thay đổi nhận thức và hành vi. 

2. Không to tiếng nơi công cộng

Có thể cha mẹ đã thành công với việc nuôi dạy con ứng xử và giao tiếp trong gia đình. Tuy nhiên, khi ra ngoài xã hội, đến những nơi công cộng, trẻ cần được dạy nhiều hơn thế để có được lối sống văn minh và phù hợp với cộng đồng.

Đừng quên giáo dục những nguyên tắc hành xử nơi công cộng, điều mà trẻ con các nước phương Tây được giáo dục từ rất sớm: Giữ gìn trật tự nơi công cộng, xếp hàng đúng cách, chào - cảm ơn - xin lỗi, tôn trọng sự riêng tư của người khác...

3. Không ngắt lời người khác

Cha mẹ nên dạy con về việc không cắt ngang lời nói của người khác. Phải kịp thời uốn nắn hành vi bất lịch sự, nếu không sẽ gây bất lợi cho việc giao tiếp và ứng xử của con sau này.

4. Không sợ đối mặt với thất bại

Trẻ em ngày nay thường thiếu chỉ số vượt khó (AQ). Nguyên nhân bởi trẻ thường là trung tâm trong gia đình, được chiều chuộng, chăm bẵm quá mức. Tác giả của chỉ số AQ Paul G.Stoltz nói: "Người tốt vẫn có thể là người không bền lòng theo đuổi mục đích. Dù biết đó là mục đích cao đẹp nhưng họ không đủ can trường để đi tới. Bởi vì, bao giờ cũng vậy, mục đích cao đẹp luôn đi kèm với những thử thách cực kỳ khó mà chỉ ai dám vượt khó mới có thể tới đích".

Con cái không thể phụ thuộc vào cha mẹ mọi thứ, khi lớn lên, việc học tập và theo đuổi ước mơ của chúng không thể suôn sẻ và gập ghềnh. Vì vậy để chuẩn bị cho việc đối mặt với thất bại, khi con cái gặp kết quả không như ý, cha mẹ không nên lảng tránh mà hướng dẫn con cách vượt qua. Thay vì tập trung vào điều mất mát, hãy khuyến khích con nhìn vào khía cạnh tươi sáng, những điều tốt đẹp đằng sau, những bài học thông qua thất bại. Khi trẻ lớn lên, bố mẹ nên lùi lại và để đứa trẻ điều hướng trải nghiệm của mình. 

Những đứa trẻ có trái tim mạnh mẽ và không sợ khó khăn thường có nhiều triển vọng khi lớn lên.

5. Không gian dối, nên trung thực và đáng tin cậy

Khi cha mẹ nhận ra con mình nói dối để tránh bị phạt thì phải kịp thời uốn nắn những lời nói và việc làm không đúng mực của con. Cha mẹ phải dạy con tầm quan trọng của sự trung thực và đáng tin cậy. Bên cạnh đó, cha mẹ không bao giờ nói dối trước mặt trẻ hay sẵn sáng thừa nhận khi phạm sai lầm là những điều cần thiết giúp con trung thực, cư xử tốt.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022