Trước khi chuyển giới, Minh Ngọc là một người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng LGBT với vai trò là MC cũng như sáng lập ra một diễn đàn cho cộng đồng này. Ngoài ra, Minh Ngọc cũng là đạo diễn, biên kịch và host cho các chương trình nổi bật dành cho cộng đồng LGBT, trong đó có "Vietnam Next Top Angel" được dân mạng dành nhiều quan tâm.
Từng phát hành album đầu tay "Tái sinh" nhưng không có duyên với sự nghiệp ca hát nên Minh Ngọc quyết định theo con đường trở thành một diễn viên sân khấu. Với kinh nghiệm học qua trường Sân Khấu Điện Ảnh cộng với năng khiếu bẩm sinh, người đẹp chuyển giới tham gia một số vở diễn ở sân khấu kịch nói Trịnh Kim Chi. Năm 2016, cô tham gia các chương trình thực tế hài hước như Đấu Trường Tiếu Lâm, Thách Thức Danh Hài…
Minh Ngọc có khá nhiều lượt theo dõi trên mạng xã hội nhờ những clip phát ngôn thẳng thắn, thực tế. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng từng khen ngợi sự duyên dáng và sắc sảo của người đẹp trên trang cá nhân. Khi Minh Ngọc tham gia dự thi Thách Thức Danh Hài, nam ca sĩ cũng đến ủng hộ tinh thần cho đàn em.
Trước khi là một cô gái, tôi không nghĩ là mình là người chuyển giới và sẽ đi chuyển giới
Tôi khác với những trường hợp chuyển giới khác. Lúc nhỏ, tôi không cảm thấy mình là một cô gái. Con nít vô tư, hồn nhiên lắm, mãi đến khi ở tuổi dậy thì, mới phát hiện người mình thích là con trai. Mà thời đó khái niệm về gay hay bê đê không rõ ràng như thời nay. Bây giờ mấy bé khoảng chừng 10, 12 tuổi đã nhận ra được gay, bê đê là như thế nào rồi. Còn ngày xưa tôi chỉ biết là cách nói chuyện, đi đứng của mình có phần nhẹ nhàng hơn người ta, hay chỉ thích chơi với con gái nên bị trêu chọc là bê đê thôi, chứ cũng chẳng biết bê đê là cái gì cả.
Tôi chưa bao giờ thú nhận trực tiếp với gia đình mình là người thuộc thế giới thứ ba vì đó không còn là điều cần thiết. Ba mẹ, hai bên nội ngoại đều mặc nhiên biết và vẫn tôn trọng, yêu thương tôi. Họ thấy đây là chuyện rất bình thường và xem đó là quyền cá nhân của con cái, không cấm cản gì hết. Thỉnh thoảng, mẹ tôi nói chuyện cũng rất tỉnh bơ như: "Ủa mày có bạn trai chưa? Sao không dẫn bạn trai về giới thiệu?". Đó là điều tôi cảm nhận mình may mắn hơn những đứa trẻ khác. Tôi biết ngoài kia có những gia đình thấy con mình ẻo lả chút đã đè ra đánh đập, quen bạn trai là chửi bới, đuổi ra khỏi nhà và kỳ thị dữ lắm.
Quyết định chuyển giới của tôi đến từ sự tổn thương trong tình cảm sau khi chia tay người bạn trai quen được 3 năm. Sau lần chia tay đó, tôicảm thấy tình cảm giữa nam với nam nó mong manh, chóng vánh quá. "Bây giờ chia tay cuộc tình này xong rồi, mình phải bỏ ra một quãng thời gian để tìm hiểu một đối tượng mới, thì liệu cuộc tình đó có được kéo dài, có bền chặt không hay rồi cũng sẽ chia tay nữa", tôi nghĩ. Chính vì không còn niềm tin vào chuyện tình cảm của giới đồng tính nam nữa, tôi lại cảm thấy tình cảm giữa người con gái với người con trai thì sẽ bền vững hơn. Nên tôi quyết định chuyển giới, sống một cuộc đời mới. Lúc đó, tôi 32 tuổi.
Có rất nhiều người, thậm chí gia đình cũng hỏi là tại sao không quyết định chuyển giới lúc hai mươi, hai mấy còn trẻ đẹp phơi phới không tốt hơn hay sao mà đợi đến từng tuổi này mới làm. Chắc có lẽ do một phần cái duyên của mình nó đưa đẩy đến lúc phải đi chuyển giới ở thời điểm đó. Tôi suy nghĩ, cứ cho đời mình 60 năm đi thì 32 năm mình sống cuộc đời con trai rồi, thì nửa đời còn lại mình sống là con gái, xem như công bằng với bản thân.
Tôi không sợ, vì chỉ cảm nhận rằng mình sẽ được sống làm một con người mới, tự nhiên có một động lực ghê gớm lắm. Tôi rất phấn khởi để đón nhận nó.
Đó là những cơn đau chết đi sống lại, đến mức hối hận vì sao mình lại rước cái đau đớn này vào thân
Chỉ có thể mượn hình ảnh "mang nặng đẻ đau" của người phụ nữ sinh em bé ra thì mới có thể diễn tả về sự đau đớn này. Lúc đó mình mới hiểu rằng, mẹ mang thai và đẻ mình ra đau đớn chết đi sống lại thế nào. Thử tưởng tượng, bạn mở mắt tỉnh dậy sau 5 tiếng phẫu thuật, toàn cơ thể trong trạng thái bất động, không nhúc nhích được gì vì càng cử động thì máu càng rỉ ra. Tôi cứ nằm thế trong nhiều ngày liền. Đi không được, nằm thẳng, nằm nghiêng cũng không, cứng đơ như khúc gỗ. Tới đêm, sương xuống là nhức từ trong tủy trong sương. Kinh hồn, hãi hùng lắm, bao nhiêu nước mắt cũng không diễn tả được.
Người thân lúc đó thì không có ai bên cạnh cả. Chỉ có một chị dịch vụ dẫn đi, phiên dịch và đảm nhận chăm sóc, vệ sinh cho mình những ngày ở bệnh viện cho đến khi về Việt Nam. Trong khoảnh khắc đó, tôi thấy tủi thân, hối hận rằng tại sao mình lại rước nỗi đau này về, có đáng hay không. Nhưng rồi thì cũng qua, kiểu như hôm nay đau 100 thì ngày mai đau chỉ có 99, từ từ nó lắng xuống. Khi cơn đau qua thì sự hối hận cũng sẽ tan biến.
Bây giờ nếu còn là con trai mà biết đau đớn đến như vậy, tôi sẽ không làm đâu. Không riêng tôi mà ai cũng nói vậy hết. Mấy lần qua bên Thái Lan du lịch, tôi có ghé khách sạn mà mấy người chuyển giới như mình nằm dưỡng ở đó. Mấy bà làm xong thấy ai cũng than mà cười nhớ lại mình hồi đó. Bây giờ tôi cảm thấy rất mãn nguyện.
Tôi thấy người ta hay nói phẫu thuật chuyển giới là đánh đổi tuổi thọ 20 năm gì đó để lấy sự đồng cảm, thương hại của mọi người thôi, chứ việc này hoàn toàn vô lý. Có người chuyển giới bên Thái Lan đến nay 70 tuổi rồi họ vẫn còn sống khỏe mạnh đó thôi.
Hoóc-môn nữ đi vào cơ thể là nó cũng có những tác dụng phụ như biến đổi tâm lý, làm cho mình thấy mặc cảm hơn, tủi hờn hơn rồi hay nóng tính hơn thôi, nhưng nó chỉ diễn ra trong thời gian đang tiêm để ức chế hoóc-môn nam lại thôi. Nguy hiểm trong khi phẫu thuật tại thời điểm tôi đi giải phẫu cũng không lớn. Tôi thấy có nghiên cứu tỉ lệ thành công ở Thái Lan gần như 10/10, xui lắm thì có 1 ca tử vong do họ có những biến chứng mà không nói với bác sĩ. Ví dụ như có biến chứng về tim mạch, tiểu đường, mà bệnh nhân giấu không nói thì mới xảy ra trường hợp xấu.
Người chuyển giới chúng tôi là những thân phận bị trời đày
Tôi từng tham gia một đoàn hát lô tô. Nhưng đó không phải là cái nghề tôi chọn làm, mà chỉ là cái duyên tình cờ được mời trong một lần đi quay clip cho ca sĩ ở tỉnh. Sẵn ngay gần đó có đoàn lô tô, bà bầu sô quen biết mới ngỏ lời mời tôi lên hát giúp cho chương trình đông vui, bán vé được nhiều. Tôi gật đầu nhận lời hát hai đêm vì bản thân cũng muốn được cái trải nghiệm là đứng trên sân khấu lô tô nó là như thế nào.
Hòa vào cuộc sống đó, sân khấu đó mới cảm thấy chua xót khi chứng kiến cảnh chị em mời mặc trang phục sexy phục vụ văn nghệ, đi mời từng tấm vé, để mong kiếm được đủ doanh số mới dám xổ lô tô. Mà chưa kể là còn bị miệng đời người ta nói là "bóng lô tô, bóng hội chợ". Khi đứng trên sân khấu, tôi mới hiểu rõ cái cảm giác khán giả ở dưới không xem chúng tôi là ca sĩ biểu diễn. Họ đang xem một người "lạ" để thỏa cái tò mò: "Ủa, con trai làm con gái thì đẹp cỡ nào, ngực bự cỡ nào".
Tôi được trả cát-sê 400 nghìn cho một đêm. Đó là con số cao nhất trong một đoàn lô tô trả cho một người đã giải phẫu hoàn toàn còn những người khác không phải giải phẫu gì hết chỉ là mặc đồ nữ lên hát thôi thì được có khoảng 100 - 200 nghìn gì thôi. Số tiền này là con số cát xê thấp nhất mà tôi từng nhận trong cuộc đời đi diễn của mình nhưng lại cao nhất trong cái đoàn đó. Thực tế, dù hát hai đêm nhưng tôi nhận tiền có một đêm thôi. Xem như tiền lộc, còn lại tôi không có nhận.
Người ta hay nói phận người chuyển giới đi hát lô tô là những kẻ "trôi sông lạc chợ", tôi không đồng ý. Cái chữ "trôi sông, lạc chợ" đó giải nghĩa theo từ điển Việt Nam là những người cơ nhỡ, lang thang, không nhà cửa. Nhưng những người hát lô tô chưa chắc đã là những người không nhà cửa. Có những người gia đình rất giàu nhưng mà cha mẹ không chấp nhận họ là một người con trai thành con gái, vậy nên họ không thích ở với gia đình và đi theo lô tô. Có những người họ đi theo đoàn lô tô sống như một cái nghề và gửi tiền về lo cho ba mẹ, anh chị em. Tức là họ vẫn có mái nhà để về chứ không phải là những người lang thang, vô gia cư, những kẻ trôi sông, lạc chợ.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Trong hoàn cảnh của người ta thì người ta xem việc được đứng trên sân khấu là niềm hạnh phúc của họ rồi. Với họ thì đó không phải là khổ.
Một cô bé trong đoàn tâm sự với tôi: "Em sinh hoạt trong đoàn được 3 năm, gia đình rất giàu chứ không phải không nơi nương tựa. Nhưng cũng chính vì giàu và trí thức nên họ không chấp nhận việc con họ là người suốt ngày mặc đồ con gái, đi õng ẹo các thứ. Vì ước mơ được được chuyển giới làm con gái nên em bỏ nhà đi. Theo những nhóm bạn chơi chung rồi người này người kia giới thiệu, thích được hát trên sân khấu nên theo đoàn và làm hát chính. Bây giờ, gia đình cũng chấp nhận rồi. Nhưng đoàn lô tô giống như một điều gì đó xương máu rồi, thành ra nếu bảo về chôn chân trong nhà, không chịu được đâu".
Người chuyển giới chúng tôi là những thân phận bị trời đày. Đang yên đang lành là một người con trai phải chịu đau đớn xác thịt trở thành người con gái, không được chấp nhận kể cả về mặt giấy tờ, phải bôn ba cho đến cuối đời vẫn phải lẻ loi một mình. Vừa khổ tâm, vừa khổ trí.
Tình cảm không giúp tôi sống được, không có mài ra thành tiền để ăn, để mua sắm
Khó không có nghĩa là không có, và khi người ta chấp nhận mình thì đó mới là tình cảm thật. Một số người chị chuyển giới mà tôi quen biết, họ vẫn tìm được hạnh phúc.
Sau khi phẫu thuật chuyển giới, tôi cũng có quen bạn trai, nhưng anh không biết tôi là người chuyển giới. Đến khi biết được thì chia tay. Anh ở nước ngoài, thường nói chuyện với tôi qua webcam thôi nên không biết sự thật. Đến khi đọc được thông tin từ tôi trên báo, anh gọi hỏi: "Ủa em ơi, em là vậy hả? Chắc thôi, anh cần một người phụ nữ có thể sinh con". Cũng buồn nhưng mình đã chuẩn bị tâm lý rằng trước sau gì rồi cũng có ngày này nên mọi thứ qua đi bình thường. Đúng là khi mới quen người đàn ông nào đó, mình không đủ can đam để nói ra mình là người chuyển giới.
Nếu như quen một người con trai mới lớn, chưa lấy vợ, chưa gì hết mà kêu người ta chấp nhận mình thì cũng hơi khó. Những đối tượng như tôi có lẽ phù hợp với những người đàn ông đã từng có vợ con hay ly dị rồi. Khi họ không cần cái trách nhiệm phải sinh con cho họ nữa thì có lẽ điều kiện đến với mình cũng sẽ thoáng hơn. Tôi vẫn tin là duyên số sẽ kiếm cho mình một người yêu thương mình thật lòng. Cứ tin vậy đã, còn để nói mong chờ, hy vọng thì không có đâu. Cái gì đến nó đến, không đến thì thôi.
Nói thật, điều quan trọng nhất với tôi bây giờ là mở mắt ra phải kiếm tiền. Tôi yêu tiền chứ không yêu chuyện tình cảm. Tình cảm không có giúp tôi sống được, không có mài ra thành tiền để ăn, mua sắm được. Tôi hài lòng với cuộc sống của mình bây giờ, thu nhập kinh tế cũng không phải là bèo nhèo gì.
Nếu mà nói kiếm một người con trai bên cạnh, yêu thương mình thật lòng thì có chứ không phải là không, nhưng người đó phải có thu nhập ngang ngửa mình. Chứ không lẽ bây giờ quen một người, đi lo cho người ta về cuộc sống, kinh tế nữa thì thôi quen làm gì. Hoặc không thì người ta cũng phải tự lo được cho họ, chứ quen mà giống kiểu mình đi nuôi trai thì thôi, tôi không có tư tưởng đó. Có những người chuyển giới rất giàu, dùng tiền để cung phụng các cậu trai trẻ để có được tình yêu. Những thứ tình cảm đó không gọi là tình yêu mà hai bên chỉ là sự trao đổi nhau thôi. Tôi cần một người yêu thương mình đúng nghĩa, còn không có thì thôi.
Tôi chỉ lo về sau này mình già rồi thì sẽ như thế nào. 70, 80 tuổi thì ba mẹ cũng không còn, anh chị em đều có cuộc sống riêng của họ hết, khi mình ngã bệnh thì ai sẽ ở bên cạnh chăm sóc. Đó mới là điều tôi lo nhất. Chính vì thế nên chị tính vài năm nữa sẽ xin một đứa con nuôi, để khi về già, còn có người thủ thỉ.