Nguyễn Duy (SN 1996), quê tại tỉnh An Giang. Nam sinh vừa nhận suất học bổng miễn phí 100% học phí, hỗ trợ 40 triệu đồng/tháng cho chương trình Thạc sĩ, chuyên ngành Chính sách công tại trường Đại học Hitotsubashi – ngôi trường top đầu Nhật Bản. Trước đấy, anh từng là thủ khoa đầu ra chuyên ngành Kinh tế, Đại học Teikyo. Trong 4 năm học Đại học, mỗi năm anh đều nhận được học bổng với số tiền hỗ trợ là 100 triệu đồng. Đây là suất học bổng dành cho sinh viên lọt top 1% xuất sắc của khoa. 

NHỚ NHỮNG ĐÊM "CHẠY DEADLINE" ĐẾN CHẢY MÁU MŨI VÀ QUÃNG THỜI GIAN CHÔNG GAI THUỞ ĐẦU…

Từ năm lớp 10, Nguyễn Duy xác định đi du học bởi bản thân rất yêu thích môi trường học tập và sinh hoạt tại nước ngoài. Ban đầu, chàng trai trẻ dự định đi Úc nhưng gặp trục trặc nên chuyến đi bị hủy. Sau đó, anh đỗ chương trình Y đa khoa của Đại học Y Kharkov, Ukraina nhưng sau đó không thể nhập học vì chiến sự. 

Không từ bỏ giấc mơ du học, Nguyễn Duy tiếp tục "apply" vào Đại học Malaya (Malaysia) – ngôi trường đứng thứ 3 Đông Nam Á về chất lượng giáo dục. Nhưng gia đình anh bất ngờ gặp biến cố, ảnh hưởng đến kinh tế nên một lần nữa chuyến đi không thành. Cuối cùng, chàng trai trẻ chỉ đủ tiền sang Nhật Bản và quyết định đây sẽ là đất nước giúp bản thân phát triển trong tương lai.

img2464-16618623356291491113699-1662153940435-16621539405181912449000.jpg

Anh Nguyễn Duy bên cạnh các bạn trong buổi lễ tốt nghiệp Đại học.

Sau khi sang Nhật Bản một năm, Nguyễn Duy đã đạt được chứng chỉ N1 (chứng chỉ tiếng Nhật cao nhất) nhưng anh vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là kỹ năng Nói (Speaking). Anh chia sẻ bản thân chỉ giao tiếp được ở mức độ cơ bản, khả năng nghe kém, đi sâu vào cuộc trò chuyện gặp nhiều trở ngại. Vì thế, anh mất một thời gian dài loay hoay mới có thể ổn định cuộc sống.

Gia đình bất ngờ gặp biến cố, sang Nhật chỉ với 6 triệu đồng nên sau khi trả tiền nhà, Nguyễn Duy gần như "nhẵn túi". Anh phải vay mượn bạn bè khắp nơi để duy trì cuộc sống sinh hoạt. "Chân ướt, chân ráo" mới rời quê hương, chàng trai trẻ buộc phải đi làm thêm để nuôi sống bản thân. Công việc đầu tiên anh chọn lựa là trở thành phụ bếp cho một nhà hàng. 

Nguyễn Duy nghẹn ngào chia sẻ: "Giai đoạn mới sang Nhật là quãng thời gian mà mình không bao giờ quên được. Mình khủng hoảng cả về vật chất lẫn tinh thần. Tiền không có, mình phải chi tiêu chắt bóp, cầm cự qua ngày. Mình làm phụ bếp được 6 tháng, sau đó chuyển sang công việc khác. Đây là quãng thời gian rất vất vả, nhiều thách thức nhưng cũng giúp mình rèn luyện được ý chí, nghị lực".

img2475-16618658565711241149890-1662153944622-16621539446991362615550.jpg

Cuộc sống thời điểm mới đi du học gặp nhiều khó khăn nhưng chàng trai trẻ luôn cảm thấy may mắn vì được nhiều người bạn tốt giúp đỡ.

Nguyễn Duy đặt mục tiêu ngay từ năm thứ nhất phải giữ thứ hạng cao nhất lớp nên khi học hết kỳ 1, bản thân chỉ xếp thứ 11/6500 sinh viên khiến anh khá hụt hẫng. Trong học tập, anh luôn nỗ lực hết sức, làm bài tập chỉn chu và cố gắng tập trung cao độ cho các kỳ thi. Tuy nhiên, trong 3 năm đầu tiên học tập, anh cảm thấy thành tích không được như mong đợi. Dù đã phấn đấu rất nhiều nhưng Duy chưa được điểm số như mong đợi vì phải chịu một số định kiến do là sinh viên quốc tế. 

Nam sinh An Giang tâm sự: "Mình luôn cố gắng miệt mài học tập. Có nhiều hôm thức đến khuya để học đến nỗi chảy máu mũi, ảnh hưởng đến sức khỏe. Dần dần nhờ sự nỗ lực không ngừng, mình được thầy cô ghi nhận, điểm số và thứ hạng cải thiện rất nhiều".

img0004-16618615551521188330897-1662153947790-1662153947909371365166.jpg

Ngoài thời gian đi làm thêm, đi học, anh thường đi du lịch để khám phá đất nước Nhật Bản.

TRÁI NGỌT SAU NHỮNG THẤT BẠI, QUAN TRỌNG LÀ KHÔNG BAO GIỜ BỎ CUỘC….

Đến năm thứ 4 đại học, Nguyễn Duy mới thấy lộ trình học tập khởi sắc hơn. GPA cũng cao dần theo các năm. Cụ thể, năm thứ 3, anh đạt GPA là 3,6; năm thứ 4 là 3,71. Điểm số xuất sắc trên đã giúp anh trở thành thủ khoa đầu ra tại trường Đại học Teikyo. Lúc này anh mới đạt được mục tiêu đề ra ban đầu khi mới sang Nhật Bản – xếp hạng vị trí học tập cao nhất. 

Đặc biệt, Nguyễn Duy gặp được thầy Sasaki - một người thầy có tâm, có tài trong ngành giáo dục. Trước đây, thầy từng làm tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và là cựu giám đốc ngân hàng trung ương Nhật Bản. Thầy từng đi du học nên có tư tưởng tân tiến, thương yêu và ghi nhận những đóng góp của du học sinh Việt Nam. 

Chính thầy Sasaki là người viết thư tiến cử Nguyễn Duy vào trường Đại học Hitotsubashi học Thạc sĩ. Thư tiến cử dài 8 trang, tiến cử đến đâu, nam sinh đỗ tới đó. Trong thư, thầy nêu rõ Nguyễn Duy là sinh viên theo học môn Tài chính và Tiền tệ luôn đạt điểm số xuất sắc. Thầy Sasaki luôn có một câu đinh là: "Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với một người châu Á xuất sắc đến như vậy" khiến giảng viên và nhiều sinh viên dành sự ngưỡng mộ, coi trọng tới Nguyễn Duy. 

img2462-16618619660551753943249-1662153950819-166215395089664585349.jpg

Chàng trai trẻ trở thành thủ khoa đầu ra tại Đại học Teikyo.

Không chỉ đạt GPA cao ngất ngưởng, Nguyễn Duy còn thông thạo 3 ngôn ngữ gồm: Tiếng Nhật (Chứng chỉ N1), Tiếng Anh (TOEIC 890), Tiếng Trung (Chứng chỉ HSK 5). Tiếng Anh của nam sinh rất tốt do được học tập và rèn luyện từ sớm. Còn Tiếng Trung do anh tự học khi sang Nhật làm thêm. Thời điểm mới sang, anh đi làm tại một công ty, khách hàng chủ yếu là người Trung Quốc. Mọi người trong văn phòng đều hạn chế khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ Trung. Vì vậy, anh đã quyết định dành thời gian nghỉ giải lao để rèn luyện và chỉ sau 2 tháng lấy Chứng chỉ HSK 5.

Theo Nguyễn Duy, để học ngoại ngữ tốt cần 3 phương pháp chính sau đây:

Đầu tiên phải nắm được khả năng bản thân, luôn đặt ra câu hỏi: "Mình sẽ học tốt được ngôn ngữ nào?". Một số người không học được Tiếng Anh thì không nên cố gắng theo học bởi có thể não phát triển khả năng học ngôn ngữ tượng hình nhiều hơn. Lúc đó, họ có thể chuyển sang Tiếng Hàn Quốc, Tiếng Trung sẽ dễ dàng hơn.

Khi học ngôn ngữ nào thì nên tự tạo cho bản thân một môi trường lý tưởng về ngôn ngữ đó. Chẳng hạn như muốn học Tiếng Anh thì chuyển điện thoại sang ngôn ngữ Anh, nghe nhạc và xem phim bằng Tiếng Anh. Như mình khi đang học Tiếng Trung, dù công việc bận rộn nhưng mỗi ngày vẫn dành 30 phút luyện tiếng trên app (ứng dụng), tải TikTok Tiếng Trung về xem. Cách này sẽ giúp hình thành phản xạ ngôn ngữ.

Tìm một người bạn bản địa: Người bạn đó sẽ chỉ cho mình kiến thức cùng kỹ năng về ngôn ngữ mình đang học. Họ là mentor (người cố vấn) đắc lực, giải đáp mọi thắc mắc cho mình.

edit-img2460-16618621708171927115260-1662153953548-16621539536391307784965.jpeg

Dù gặp nhiều thách thức trong quá trình học tập cũng như trong cuộc sống nhưng chàng trai trẻ luôn nỗ lực cố gắng, không nhụt chí.

Gia đình gặp biến cố, việc sang Nhật du học gặp nhiều khó khăn nhưng Nguyễn Duy không bao giờ bỏ cuộc. Ngay cả trong thời điểm bế tắc nhất, anh luôn duy trì sự lạc quan, coi khó khăn chỉ là thử thách để tôi luyện ý chí. "Với mọi chuyện xảy ra không như bản thân mong ước, mình đều nghĩ đó chỉ là xui rủi, vận may chưa đến và cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Trước đây ở Việt Nam, mình cũng gặp nhiều áp lực, vì vậy chẳng có lý do nào qua đây mình lại không thể vượt qua".

Trong thời gian tới, Nguyễn Duy dự định học lên chương trình Tiến sĩ và đi làm tại nước ngoài vài năm để lấy kinh nghiệm. Sau đó, anh sẽ về Việt Nam lập nghiệp, đóng góp sức nhỏ của mình vào việc xây dựng và phát triển đất nước.

Ảnh: NVCC

https://afamily.vn/di-du-hoc-voi-von-ven-6-trieu-dong-nam-sinh-an-giang-no-luc-thanh-thu-khoa-o-nhat-ban-20220830184921659.chn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022