Trẻ rất thích hỏi tại sao, dù cho những câu hỏi đôi khi khiến người lớn cảm thấy khó chịu, chẳng muốn trả lời nhưng nó lại là một phần trên hành trình lớn lên của trẻ. Con càng tò mò càng có ham muốn tìm hiểu sự vật, hiện tượng, dù cho nó có ngô nghê thì bố mẹ cũng đừng phớt lờ.
Theo tác giả cuốn sách "Làm mẹ không áp lực", trung bình 1 ngày trẻ có thể đặt ra đến 72 câu hỏi cho bố mẹ của mình. Có những câu đơn giản nhưng có những câu thật sự " khó " trả lời như:
1. Nhà chúng ta có giàu không mẹ?
2. Tại sao mẹ đi làm, không ở nhà chơi với con?
3. Mẹ ơi, con sinh ra như thế nào?
Vì sao đây là câu hỏi "khó". Vì câu trả lời của chúng ta cho những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản này có thể ảnh hưởng đến cách trẻ sống sau này. Và ngược lại, nó có thể giúp trẻ phát triển các giá trị cuộc sống quan trọng về sau.
Cách trả lời khi trẻ đặt những câu hỏi khó cho ba mẹ
1. Nhà chúng ta có giàu không mẹ?
Có thể bạn sẽ gặp 1 câu hỏi tương tự khác như "nhà chúng ta nghèo lắm phải không mẹ".
Hiểu sai thường gặp về câu hỏi: chúng ta nghĩ nó không quan trọng để có 1 câu trả lời thận trọng, do đó thường bỏ qua hoặc trả lời theo ý chúng ta.
Gợi ý cách trả lời: thực ra, đây là 1 trong những câu hỏi được hỏi nhiều khi trẻ từ 3-8 tuổi. Đó là độ tuổi trẻ hiểu rằng có sự đòi hỏi khác nhau về tiền và vật chất. Giống như trẻ hiểu trẻ có ít đồ chơi hơn bạn hoặc cảm thấy bạn không có thứ trẻ có. Câu trả lời không phải là có hay không, mà là để trẻ thảo luận và suy ngẫm. Do đó, bạn nên hỏi trẻ 1 câu hỏi như "tại sao con nghĩ vậy?" Lắng nghe câu trả lời của trẻ và chúng ta nói về điều trẻ muốn nghe.
Nếu câu trả lời trẻ quan tâm đến sự khác nhau giữa thứ trẻ có và trẻ khác có vì trẻ có lòng trắc ẩn về sự thiếu hụt của người khác, bạn có 1 cơ hội tuyệt vời để giúp con hiểu và biết ơn về những thứ chúng ta có.
Nếu câu trả lời trẻ cảm thấy buồn khi trẻ không có thứ người khác có do trẻ cảm thấy tủi thân vì không có được thứ trẻ muốn, bạn có cơ hội tuyệt vời để giúp trẻ hiểu khái niệm về "thứ cần thiết" và "thứ muốn".
Ảnh minh họa.
2. Tại sao mẹ đi làm, không ở nhà chơi với con?
Hiểu sai thường gặp về câu hỏi: câu hỏi thường được hiểu theo cách muốn mẹ ở nhà, nên chúng ta thường trả lời theo cách "nghiêm trọng" để con hiểu là không thể. Ví dụ như mẹ đi làm để có tiền cho Bin đi học, mua đồ chơi cho Bin". Điều này sẽ cho trẻ cảm thấy bản thân mình là nguyên nhân của sự đi làm của mẹ. Mặc dù đó là 1 câu trả lời về tình yêu và hi sinh, nhưng đôi lúc đem lại 1 cảm giác gánh nặng lên trẻ.
Gợi ý cách trả lời: Điều trẻ thực sự quan tâm là tại sao mẹ không ở nhà, mà phải đi làm. Và đi làm có gì thực sự cuốn hút mẹ như vậy? Câu trả lời lúc này là giúp trẻ hiểu về công việc mẹ đang làm đó là câu trả lời tốt nhất. Ví dụ, bạn là 1 người sắp xếp hàng trong siêu thị, hãy cho trẻ biết mỗi sáng mẹ sẽ mang rau củ quả sắp lên kệ cho mọi người mua con ạ và kiểm tra liệu loại rau nào đã cũ để loại đi. Đó là công việc của mẹ. Và hỏi trẻ "liệu điều gì xảy ra nếu mẹ không đi làm sáng nay?" và đợi câu trả lời của trẻ. Để tự đứa trẻ nhận thức và suy ngẫm sẽ là câu trả lời giá trị nhất cho trẻ. Hãy làm tương tự dù bạn làm nghề gì, dù là 1 thu ngân, 1 người làm vệ sinh công ích... Nó cũng giúp đứa trẻ hiểu hơn về công việc mẹ mình làm và ý nghĩa ra sao với cuộc sống trẻ có.
3. Mẹ ơi, con sinh ra như thế nào?
Hiểu sai thường gặp về câu hỏi: chúng ta thường cảm thấy ngại khi nói về vấn đề này, nên thường trả lời tránh né hoặc trả lời sơ sài, thậm chí sai sự thật như "mẹ có sinh Bin đâu, mẹ nhặt Bin đó chứ".
Gợi ý cách trả lời: đứa trẻ tò mò về sự sinh ra của mình theo những độ tuổi khác nhau. Trẻ trước 3 tuổi, câu trả lời cần ngắn gọn nhưng cho thông tin đúng như "à, mẹ sinh Bin từ trong bụng mẹ đó" và cho trẻ thấy bằng chứng như hình bạn mang thai, và hình ảnh chụp trẻ lúc mang thai. Trẻ sau 3 tuổi, câu trả lời có thể chi tiết hơn thông qua đọc sách và những câu chuyện thực tế.