12 tuổi - cái lứa tuổi học trò hồn nhiên trong sáng với bao hoài bão ước mơ dành cho cả một đoạn đường tương lai còn rất dài phía trước, vậy mà buồn thay cô bé 12 tuổi trong câu chuyện dưới đây lại khác.
Cô bé muốn chết, muốn đưa bà nội cùng chết với mình. Cô bé mong hai bà cháu được thanh thản ra đi, rời xa thế giới chẳng còn gì luyến lưu: không tình yêu, không hy vọng, không chút hơi ấm gia đình.
Cô bé ấy có tên là Lộ Lộ ở Trung Quốc. Về lý do Lộ Lộ chọn lựa quyết định mà mọi người đánh giá là dại dột ấy có lẽ phải kể đến thời điểm cô ấy chập chững bước vào đời…
Được biết vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên bố mẹ Lộ Lộ ngay từ sớm đã giao cô bé cho bà nội 80 tuổi nuôi dưỡng, còn họ đi làm xa để kiếm tiền, rất lâu, rất lâu họ mới về nhà thăm con, thăm mẹ già một lần.
Thời gian đầu, có thể nói rằng cuộc sống của hai bà cháu diễn ra rất êm đềm, dù cái nghèo đeo bám nhưng vẫn không đánh gục nổi cả hai. Cứ thế, tháng năm thấm thoát trôi qua cho đến khi Lộ Lộ bước vào tuổi dậy thì - lứa tuổi thay đổi rất nhiều về mặt tâm sinh lý cũng như là nhận thức với cuộc đời.
Khoảng thời gian 12 tuổi, Lộ Lộ bắt đầu có những biểu hiện lạ, cô bé không còn hồn nhiên như trước, cô bé ít nói, lầm lì và tách biệt với bạn bè xung quanh.
Về phần bà nội, bà ít nhiều cũng nhận ra được điều này, bà hiểu đứa trẻ mà bà một tay nuôi lớn đang cảm thấy mặc cảm vì bản thân thiếu thốn quá nhiều, đặc biệt là tình thương của bố mẹ.
Trong khi những đứa trẻ khác ở độ tuổi này có được mọi thứ, được bố mẹ quan tâm hàng ngày, được trao cho hy vọng về một ngày mai tươi sáng thì Lộ Lộ lại không có gì.
Lắm lúc Lộ Lộ chỉ “thèm” được nghe tiếng mẹ cằn nhằn trong bếp, được bố la rầy về tình hình học tập nhưng mãi không thể có được. Xung quanh cô, thế giới của cô chỉ có bà nội và một gian nhà trống, tĩnh lặng và rất buồn.
Dù thấu hiểu cháu gái, nhưng tiếc thay vì tuổi già sức yếu bà nội cô bé cũng không thể giúp được gì nhiều. Lúc này đây, bà đã hiểu rõ thế nào là rào cản thế hệ. Một người già ở cái tuổi 80 gần đất xa trời như bà làm sao vực dậy được cháu gái tuổi 12 đây?
Và cũng từ đó, bi kịch bắt đầu ập đến. Lộ Lộ quyết định tự tử. Nhưng sợ sau khi mình chết bà nội ở một mình buồn chán, nên cô bé tìm cách đưa bà đi cùng.
Theo đúng kế hoạch, vào một hôm, Lộ Lộ đi mua thuốc trừ sâu, sau đó cô bé mang về pha vào sữa đậu nành và lừa bà nội uống. Đồng thời cô bé cũng uống một lượng lớn. Tuy nhiên, khi uống vào một ít, bà nội cảm thấy có gì đó không đúng, bà định thần rồi nhanh chân chạy ra ngoài cầu cứu.
Hai bà cháu lập tức được những hàng xóm tốt bụng đưa vào bệnh viện cấp cứu. Cuối cùng, Lộ Lộ do uống quá nhiều thuốc trừ sâu nên không thể qua khỏi, còn bà nội may mắn sống sót.
Hay tin dữ, bố mẹ Lộ Lộ ngay lập tức trở về quê. Họ đau đớn trước cái chết của con gái còn quá nhỏ. Hình ảnh kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh làm bao người trong làng phải nhói tim.
Bà nội sau thời gian phục hồi cũng tiếc thương vô hạn về cái chết của cháu gái, bà luôn tự trách mình và thường xuyên nhìn thấy Lộ Lộ về tìm mình trong mơ. Những khi này, phải chi bà có được sự an ủi của vợ chồng con trai, nhưng buồn thay, mẹ của Lộ Lộ đã làm điều ngược lại.
Con dâu trách mắng mẹ chồng, cô ta cho rằng tại bà không chăm lo đủ nên cháu mới chết như vậy. Thậm chí, cô ta còn nói bây giờ phải đánh mẹ chồng đến chết mới hả giận.
Không trách cứ con dâu, đúng hơn là bà không quan tâm đến sống chết của mình nữa. Bởi suốt bao nhiêu năm nay bà sống mà có khác gì chết đâu, bà chỉ có một đứa cháu gái làm niềm vui, vậy mà bây giờ nó cũng bỏ bà mà đi.
Sau đám tang con gái được vài ngày, đôi vợ chồng lại tiếp tục lên đường đi làm ăn xa kiếm tiền. Họ duy trì nề nếp cũ, như thể cái chết của con gái họ chưa từng xảy ra và người mẹ già kia chỉ là không khí, mà không khí thì không cần được nhận ra.
Cứ thế, bà lão 80 tuổi sống cô độc trong căn nhà không người nhưng tràn ngập cô đơn. Sự bạc tình đến cực hạn của vợ chồng con trai khiến bà cảm giác ở gần cái chết hơn bao giờ hết, bà chập chờn như một hồn ma.
Câu chuyện có thật tại Trung Quốc này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông về thực trạng đáng buồn: Người trưởng thành vì công cuộc kiếm tiền, vì con đường sự nghiệp phía trước mà ngoảnh mặt với gia đình. Họ giao trẻ con cho ông bà và mặc định đây chính là trách nhiệm của người già.
Họ đâu nào biết, con nhỏ thì cần tình thương của bố mẹ, bố mẹ già thì cần sự quan tâm của con cái. Chính vì không biết nên họ vô tình để hai thế hệ sống cô quạnh với nhau trong nỗi bẽ bàng bục vỡ…
(Nguồn: Sohu)