Lỗ chân lông bị bí tắc sẽ khiến da nảy sinh mụn ẩn, mụn bọc; đồng thời da cũng có vẻ xám xịt, thô ráp và khó hấp thụ dưỡng chất từ những sản phẩm dưỡng chuyên sâu. Do đó, bên cạnh việc làm sạch thông thường, bạn cũng đừng quên đắp mặt nạ đất sét làm sạch sâu lỗ chân lông mỗi tuần. Đặc biệt, để mặt nạ đất sét phát huy tối đa công dụng, hút sạch bụi bẩn trong lỗ chân lông thì bạn cần ghim ngay 7 tips sau.
1. Đắp mặt nạ đất sét 1 đến 2 lần/tuần, sau khi rửa sạch mặt
Sau khi rửa mặt, làn da đã được làm sạch sơ bộ, da cũng mềm và lỗ chân lông giãn mở hơn so với bình thường. Đây chính là thời điểm thích hợp để đắp mặt nạ đất sét, giúp mặt nạ phát huy tối đa công dụng, hút sạch bụi bẩn và dầu thừa trên da.
Bạn nên đắp mặt nạ đất sét 1 đến 2 lần/tuần. Đây là tần số thích hợp, giúp hút sạch bụi bẩn và dầu thừa trên da. Ngược lại, việc đắp mặt nạ quá nhiều sẽ dễ dẫn đến tình trạng làm sạch quá mạnh, gây tổn thương lớp màng bảo vệ da.
2. Xông mặt với khăn ấm để làm giãn nở lỗ chân lông
Để phát huy tối đa hiệu quả của mặt nạ đất sét, trước khi đắp mặt nạ, bạn nên đắp khăn ấm lên mặt trong khoảng 5 phút. Hơi ấm từ khăn sẽ làm giãn nở lỗ chân lông, giúp mặt nạ có thể "len lỏi", làm sạch tốt hơn.
Ngoài khăn nóng, bạn cũng có thể dùng máy xông hơi với hiệu quả tương tự. Đây cũng là phương thức thường được các spa áp dụng.
3. Xịt khoáng trước khi đắp mặt nạ
Sau khi xông mặt, bạn nên xịt khoáng nhẹ nhàng lên toàn bộ gương mặt, sau đó mới thoa mặt nạ đất sét. Xịt khoáng sẽ giúp cấp ẩm, tránh da bị khô căng sau khi xông mặt.
4. Tránh đắp mặt nạ dưới mắt
Khi đắp mặt nạ đất sét, bạn có thể thoa đều khắp mặt; nhưng nếu bạn có làn da khô thì bạn chỉ nên thoa mặt nạ lên những vùng da tiết dầu nhiều và có nhiều mụn cám, mụn đầu đen.
Đặc biệt, bạn nên tránh thoa mặt nạ vào vùng da dưới mắt vì đây vốn là vùng da nhạy cảm, dễ bị khô và hình thành nếp nhăn.
5. Đắp mặt nạ đất sét trong 10 – 15 phút
Mặt nạ đất sét nên đắp trong vòng 10 – 15 phút sau đó cần rửa sạch lại bằng nước. Nếu bạn đắp mặt nạ quá ngắn sẽ khiến mặt nạ chưa phát huy tối đa công dụng làm sạch, hút bã nhờn và dầu thừa; ngược lại, nếu đắp mặt nạ quá lâu sẽ khiến da bị khô, căng rít, làm mất độ ẩm tự nhiên của da.
6. Rửa mặt bằng nước và massage theo hình tròn
Sau khi đắp mặt nạ, bạn rửa lại bằng nước sạch, massage nhẹ nhàng theo vòng tròn để lấy đi lớp bụi bẩn ẩn sâu trong lỗ chân lông, đồng thời kích thích tuần hoàn máu, giúp da sáng hồng.
7. Đắp mặt nạ dưỡng ẩm
Cuối cùng, sau khi đắp mặt nạ đất sét bạn nên đắp thêm 1 lớp mặt nạ dưỡng ẩm. Lúc này làn da đã được làm sạch kỹ lưỡng nên tương đối thông thoáng, có thể dễ dàng hấp thụ dưỡng chất từ mặt nạ dưỡng ẩm. Bạn có thể chọn đắp mặt nạ giấy hoặc mặt nạ ngủ tùy vào sở thích.
Lưu ý khi chọn mặt nạ đất sét:
- Tùy vào làn da để chọn loại mặt nạ đất sét thích hợp: Mặt nạ đất sét vàng và hồng khá nhẹ nhàng, hợp với mọi loại da; Mặt nạ đất sét đỏ vừa làm sạch vừa dưỡng ẩm sẽ hợp với da khô; Mặt nạ đất sét trắng và xanh có khả năng hút dầu mạnh, hợp với da mụn, da nhờn.
- Nếu có da nhạy cảm, bạn nên tránh chọn những loại mặt nạ đất sét có chứa hạt scrub.