ThS.BS Vũ Duy Chinh (chuyên ngành Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec) cho biết, bàn chân bẹt là tật dị dạng do lòng bàn chân không có hình vòm như bình thường, cung dọc của bàn chân bị sụp xuống, toàn bộ gan bàn chân tiếp xúc với mặt đất.
So sánh bàn chân bẹt và bàn chân bình thường.
Dạng dị tật này khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Trong đó, các bé trai dễ bị bàn chân bẹt hơn các bé gái và tỉ lệ bàn chân bẹt giảm dần theo độ tuổi.
Bàn chân bẹt không hiếm gặp nhưng cũng nhiều cha mẹ chủ quan không kịp thời phát hiện, đưa con đi điều trị, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc về sau này.
Bàn chân bẹt có 2 loại: bàn chân bẹt sinh lý và bàn chân bẹt bệnh lý. Nếu chẳng may bị bàn chân bẹt bệnh lý, con bạn có thể phải đối mặt với hậu quả kéo dài cả về sức khoẻ lẫn thẩm mỹ. Cụ thể: dáng đi xấu, sớm thoái hoá các khớp, ảnh hưởng đến khung chậu, gây khó khăn khi sinh đẻ, gây tổn thương thần kinh cột sống về lâu dài…
Là dạng dị tật có diễn tiến âm thầm và hậu quả về lâu dài, do đó, việc phòng tránh bàn chân bẹt cũng là vấn đề mẹ nên quan tâm, giảm thiểu tối đa những hệ luỵ không mong muốn cho con. Để giảm thiểu nguy cơ mắc chứng bàn chân bẹt cho con, cha mẹ nên làm ngay những việc này:
Các kiểu bàn chân bẹt.
1. Không cho trẻ đi giày dép, sandals… có phần đế phẳng
Phần đế của nhiều loại giày dép, sandals thường phẳng và cứng. Nếu con bạn đang trong giai đoạn tập đi, tốt nhất tránh cho dùng những loại giày dép này. Lúc này, trẻ đang trong giai đoạn hình thành vòm gan chân. Sử dụng những loại giày dép, sandals có đế bằng phẳng sẽ khó tạo vòm hơn, tạo cơ hội cho dị tật bàn chân bẹt hình thành, dù là dạng sinh lý hay bệnh lý.
Do đó, ThS.BS Vũ Duy Chinh khuyên nên cho con đi giày dép có vòm, có độ lồi lõm nhất định. Điều này sẽ hữu ích trong quá trình hình thành lõm bàn chân khi trẻ được đi thường xuyên.
Ở người lớn, việc đi giày dép cũng cần chú ý, không nên xỏ giày dép quá lâu. Nhất là với chị em phụ nữ, nếu đi giày dép cao gót thường xuyên, trong thời gian dài cũng dễ dẫn đến chứng bàn chân bẹt do vòm gan chân bị yếu, sụp xuống.
Nên đi giày dép có tạo vòm. Trong trường hợp không có, nên bổ sung bằng miếng lót tạo vòm sẽ tốt hơn cho đôi chân của bạn.
Không cho trẻ đi giày dép, sandals… có phần đế phẳng để tránh bàn chân bẹt trong tương lai. Ảnh minh họa
2. Có chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất
Thiếu hụt dưỡng chất khiến cơ thể trẻ kém phát triển. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến bàn chân. Khi cơ bàn chân và dây chằng suy yếu do thiếu chất dễ dẫn đến việc không đủ khả năng hình thành vòm bàn chân ở trẻ. Theo thời gian, điều này vô tình góp phần khiến con bạn bị bàn chân bẹt.
3. Duy trì cân nặng hợp lý
Đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện phù hợp giúp bạn có được vóc dáng thon thả. Điều này cũng có ý nghĩa phòng tránh bàn chân bẹt.
Theo ThS.BS Vũ Duy Chinh, đôi chân để chống đỡ với toàn bộ phần thân thể bên trên. Nếu quá thừa cân, béo phì, chân sẽ không thể đảm bảo chức năng như bình thường do chịu sức nặng quá lớn. Lâu dần, vòm gan chân cũng bị sụp xuống, dẫn đến chứng bàn chân bẹt.
Do đó, để tránh bàn chân bẹt, việc giảm cân, giữ dáng luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Kể cả ở người lớn lẫn trẻ nhỏ cũng chỉ nên có mức cân nặng hợp lý.
Để tránh bàn chân bẹt, việc giảm cân, giữ dáng luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng.
4. Tập các bài tập kéo giãn và tăng cường sức mạnh ở chân
Đôi chân là bộ phận chống đỡ toàn bộ cơ thể. Chăm chỉ tập luyện cho đôi chân luôn dẻo dai, khoẻ mạnh giúp giảm bớt sự khó chịu, đồng thời ngăn ngừa sụp vòm gan chân – nguyên nhân dẫn đến bàn chân bẹt.
Bên cạnh đó cũng đừng quên cho đôi chân được nghỉ ngơi, thư giãn bằng việc ngâm chân, massage chân để ngăn chặn chấn thương, tăng cường sức mạnh cho đôi chân, phòng tránh bàn chân bẹt.