Thạc sĩ chuyên ngành Dinh dưỡng và Vệ sinh thực phẩm tại Trung Quốc - Gu Chuanling - cho rằng cuộc sống hiện đại giúp con người luôn có sẵn đồ ăn, hiếm khi phải để bụng đói. Tuy nhiên, theo chuyên gia dinh dưỡng, việc để bụng đói một cách hợp lý đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn so với việc lúc nào bụng cũng trong tình trạng no căng hoặc thức ăn chưa kịp tiêu hóa hết đã lại tiếp tục nạp thêm thực phẩm. Theo Gu Chuanling, biết cách để bụng đói hợp lý có thể làm tăng hiệu quả đốt mỡ, giảm cân đồng thời giảm nguy cơ tiểu đường, cũng như giảm phản ứng viêm trong cơ thể.

Kiểu đói đầu tiên Gu Chuanling nhắc tới là ăn ít hơn mỗi ngày. Cách này được cho là nhẹ nhàng, dễ thực hiện. Một nghiên cứu thực hiện trên 218 người bao gồm cả người trẻ lẫn trung niên có cân nặng ở mức trung bình được chia ngẫu nhiên làm hai nhóm. Nhóm một ăn uống thoải mái như bình thường, nhóm hai tiêu thụ ít năng lượng hơn 12% mỗi ngày. Sau hai năm, người trong nhóm thứ hai giảm 10% trọng lượng cùng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch và cải thiện tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể rõ rệt.

nhin-an-co-giam-can-thumbnail-3619-8879-1714280335.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OTtZzO3mkLzkoE07EV7DCw

Chuyên gia gợi ý cách để bụng đói hợp lý thông qua việc giảm dần lượng calo nạp vào cơ thể mỗi ngày hoặc thực hiện nhịn ăn gián đoạn, buộc cơ thể phải nhịn đói trong một khoảng thời gian nhất định.

Gu Chuanling nói thêm rằng, đối với phụ nữ đang trong độ tuổi đi làm, nên tiêu thụ ít năng lượng hơn 12% mỗi ngày, tương đương khoảng 216 calo. Ví dụ như ăn ít cơm hơn hoặc giảm gia vị, dầu mỡ khi chế biến.

Kiểu đói thứ hai liên quan đến việc cắt giảm năng lượng không liên tục, điển hình là phương pháp nhịn ăn gián đoạn. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ năm 2021 cho thấy phương pháp nhịn ăn 5:2, nghĩa là ăn bình thường trong 5 ngày một tuần và chỉ ăn khoảng 500 calo mỗi ngày trong 2 ngày còn lại có thể giúp kiểm soát lượng insulin hiệu quả hơn, phù hợp với những người mắc bệnh tiểu đường.

Chuyên gia cũng nhắc đến một phiên bản nhịn ăn gián đoạn xen kẽ theo ngày. Cách này cho phép ngày đầu ăn uống bình thường với mức calo trung bình cơ thể cần (khoảng 1.500 - 2.000 calo đối với nữ) nhưng ngày tiếp theo giới hạn khoảng 600 calo.

p07zcbtm-jpeg-8657-1714280335.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=23jETCwa4XZMS-RnG_XfPA

Chuyên gia gợi ý uống đủ nước trong ngày để giảm cảm giác thèm ăn, hạn chế ăn vặt, nhờ đó có đủ thời gian cho cơ thể tiêu hóa, chuyển hóa năng lượng.

Gu Chuanling cho biết dù là hình thức đói nào cũng tốt cho sức khỏe, như một cách giảm tải gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, cần cân nhắc dựa trên tình trạng sức khỏe, lối sống cá nhân để biết cách nào phù hợp với bản thân.

Duk Sun (Theo ETToday)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022