Đứng đầu Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á sau Trung Quốc và Nhật Bản - đó là xếp hạng của Việt Nam về sản lượng tiêu thụ bia hàng năm. Vị trí này đủ cho thấy sức hấp dẫn của thị trường 90 triệu dân, đang mang lại lợi nhuận béo bở cho các đại gia ngành bia.

Tốp đầu châu Á

Hai năm trước, số liệu từ các hãng nghiên cứu thị trường đã ước tính quy mô thị trường bia Việt sẽ sớm đạt mức 6,5 tỷ USD. Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam tăng nhanh và dân số trẻ đã giúp nhu cầu bia tăng 300% kể từ năm 2002.

Năm 2003, toàn quốc mới tiêu thụ hơn 1,29 tỷ lít bia. Với hơn 80 triệu dân số khi đó, bình quân mỗi người Việt giai đoạn này uống hơn 16 lít bia mỗi năm.

10 năm sau, trong khi dân số mới chỉ tăng gần 14% thì sản lượng tiêu thụ bia của người Việt đã tăng hơn 2 lần, lên 3 tỷ lít. Bình quân giai đoạn này, mỗi người Việt uống tới gần 33 lít bia. Còn nếu tính riêng số người trưởng thành trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi), mỗi người trưởng thành uống tới 47 lít bia vào năm 2013.

San_luong_tieu_thu_bia_ngay_cang_tang_zing.jpg

Lượng tiêu thụ bia của người Việt tăng dần qua từng năm và chính thức cán mốc gần 4 tỷ lít vào năm 2017 vừa qua. Nếu tính trong mọi lứa tuổi, mỗi người Việt năm vừa qua đã uống trên 41 lít bia. Ước tính, quy mô thị trường này sẽ tăng lên mức 4,1 tỷ lít vào năm 2020 trước khi cán mốc 5,6 tỷ lít vào năm 2035.

Thị trường lớn và ngày càng mở rộng, bia và đồ uống có cồn cũng được xem là thị trường chậm bão hòa so với nhiều ngành kinh doanh khác. Điều này thu hút hàng loạt ông lớn trong và ngoài nước muốn có một phần trong chiếc bánh béo bở đó.

Trong khi Sabeco và Habeco đã có hàng chục năm kinh doanh bia tại Việt Nam với lượng lớn thị phần tiêu thụ, nhiều tên tuổi lớn trên thế giới cũng dần hiện diện tại Việt Nam.

Như Heineken đã chen chân vào thị trường Việt từ năm 1991, hiện hãng này sở hữu 4 thương hiệu bia chính gồm Heineken, Tiger, Larue và mới nhất là Amstel. Thành quả của người đến trước là gần 22% thị phần tiêu thụ (2017), con số đủ giúp hãng bia 150 năm tuổi của Hà Lan thu về hàng nghìn tỷ lợi nhuận mỗi năm.

Một báo cáo của VCSC chỉ ra, hơn 90% thị phần bia đang nằm trong tay 4 gã khổng lồ Sabeco, Habeco, Heineken và Carlberg. Thị trường phân hóa rõ rệt khi những cái tên đến sau như Sapporo, Budweiser… gia nhập sau và chưa tìm được chỗ đứng.

4_hang_bia_lon_nam_gan_90_thi_phan_bia_Viet_zing.jpg

Lợi nhuận lớn

Việc sở hữu phần lớn thị phần giúp những ông lớn ngành này thu lợi hàng nghìn tỷ mỗi năm. Nhiều năm liên tiếp, Sabeco, Habeco và Heineken ghi nhận hàng chục nghìn tỷ đồng doanh thu từ bán bia.

Năm 2017, Sabeco đạt hơn 34.400 tỷ đồng doanh thu bán hàng, với gần 87% đến từ bán bia. Con số lợi nhuận ròng ông lớn này thu về cùng năm cũng lên tới gần 4.950 tỷ đồng.

Suốt nhiều năm trước đó, doanh thu của Sabeco liên tục duy trì ngưỡng 30.000 tỷ đồng và lãi ròng liên tục tăng. Bia cũng luôn là nguồn thu chính đóng góp phần lớn doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp này với trên 85% tỷ trọng.

Hay như tại Habeco, dù đang có dấu hiệu đi xuống, việc nắm giữ thị phần lớn thứ 3 tại Việt Nam đủ giúp doanh nghiệp thu về hơn chục nghìn tỷ tiền bán hàng mỗi năm.

Năm vừa qua, ông chủ Bia Hà Nội thu về hơn 9.800 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng gần 660 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ bia cũng đóng góp đa số vào kết quả này.

Doanh_thu_hang_nam_cua_Sabeco_va_Habeco_zing.jpg

Riêng tại Heineken, nắm gần 22% thị phần nhưng việc tập trung vào phân khúc cao cấp giúp doanh thu và lợi nhuận của hãng vượt 2 ông lớn còn lại.

Số liệu của Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam - VIRAC, cho hay năm 2016, Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam ghi nhận tới 33.900 tỷ đồng doanh thu. Cùng năm, doanh thu hợp nhất của Sabeco và các công ty con mới chỉ là 30.600 tỷ đồng.

Doanh thu cao hơn 10% nhưng lợi nhuận hãng bia ngoại thu về ở thị trường Việt Nam lại vượt trội so với 2 hãng bia nội.

Báo cáo này cũng cho biết hệ thống của Heineken thu về tới 11.600 tỷ đồng lợi nhuận tại thị trường Việt, gấp đôi so với số Sabeco đạt được cùng năm đó. Trong đó, chỉ riêng lợi nhuận của Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam đã là 9.500 tỷ đồng.

Tham vọng nuốt gọn chiếc bánh của đại gia ngoại

Tiềm năng cùng lợi nhuận từ các công ty đi trước, thị trường bia Việt trở thành chiếc bánh ngọt với các đại gia ngoại.

Nhìn vào 4 ông lớn nắm giữ 91% thị phần cũng thấy vai trò chủ đạo của các đại gia nước ngoài trong cuộc đua nắm giữa thị phần béo bở tại Việt Nam. Trong khi đó, một số doanh nghiệp Việt muốn chen chân vào thị trường đều gặp khó. Ông lớn Vinamilk đã phải sớm bán lại nhà máy bia lẫn thương hiệu Zorok; Tân Hiệp Phát phải buông Laser. Còn Masan đầu tư lớn vào bia Sư Tử Trắng nhưng vẫn đang trong giai đoạn làm quen với thị trường...

Không chỉ nắm cổ phần lớn, các đại gia ngoại còn tham vọng "nuốt trọn" chiếc bánh thị trường ngành bia Việt Nam. 

Sau khi chi gần 5 tỷ USD để trở thành cổ đông chi phối hoạt động tại Sabeco, tỷ phú Thái mới đây đã thông qua việc bỏ hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Sabeco. Điều này có nghĩa nhà đầu tư ngoại có thể nâng tỷ lệ sở hữu của mình lên 100% tại Sabeco nếu có thể.

Động thái được đánh giá có thể mở đường giúp Thaibev thâu tóm toàn bộ lợi ích tại Sabeco như cách các đại gia Thái vẫn hay làm khi mua doanh nghiệp Việt.

bia_4e.jpg
Thị trường lớn khiến các doanh nghiệp sản xuất bia Việt trở nên hấp dẫn trong mắt đại gia ngoại. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

Hiện tại, hầu hết vị trí lãnh đạo cao nhất tại Sabeco đều đã được tỷ phú Thái cử người vào tiếp quản như Chủ tịch HĐQT hay Tổng giám đốc điều hành do ông Koh Poh Tiong và Neo Gim Siong - hai người Thái nắm giữ. Đơn vị này cũng vừa ra văn bản cho phép nới room vốn ngoại lên 100%.

Tại Habeco, sau khi mua hơn 17% cổ phần vào năm 2008, Carlberg liên tục bày tỏ ý định muốn nâng tỷ lệ sở hữu của mình tại đây. Dù được cam kết hỗ trợ cho phép nâng tỷ lệ sở hữu lên 30% vốn, đó chưa phải là mục tiêu của đại gia ngoại. Điều hãng bia này muốn chính là 51% cổ phần và chi phối hoạt động của Habeco hơn là một cổ đông lớn đơn thuần.

Trong cuộc gặp gỡ mới đây với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Cees't Hart, Tổng giám đốc Tập đoàn Carlsberg, cho biết tập đoàn này mong muốn được đầu tư lớn hơn, sau khi đã là nhà đầu tư chiến lược của Habeco từ năm 2008.

Carlsberg hiện nắm giữ 17,34% cổ phần của Habeco. Bộ Công Thương đang sở hữu 81,79% vốn. Phía Carlsberg đã làm việc với Bộ và các cơ quan chức năng để thúc đẩy nhanh quá trình này. Tuy nhiên, do phải tháo gỡ các vướng mắc pháp lý nên thương vụ này vẫn chưa được thực hiện dù đã nhiều lần thông báo trước đó.

Nguyên nhân Carlsberg vẫn chưa thể mua đứt Habeco bởi ngoài bia, doanh nghiệp này còn nhiều lĩnh vực kinh doanh khác như rượu, thực phẩm… những lĩnh vực đang bị giới hạn sở hữu nhà đầu tư ngoại ở mức tối đa 49%.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022