Cũng theo tập đoàn bất động sản này, ngày 15/11, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Sở kế hoạch và Đầu tư TP.HCM yêu cầu cơ quan này làm việc với doanh nghiệp để tổng hợp, báo cáo và có kiến nghị đề xuất.

Sẽ lập liên danh

Về phía doanh nghiệp, tập đoàn đang triển khai các công tác chuẩn bị để đáp ứng các yêu cầu của Sở Kế hoạch và Đầu tư về năng lực phát triển dự án, năng lực tài chính và định hướng phát triển khu đô thị trong tương lai.

Đơn vị này cho biết sẽ liên danh cùng một tập đoàn bất động sản trong nước khác và một tập đoàn bất động sản, tài chính quốc tế để thu xếp đầy đủ tài chính cùng những năng lực cần thiết thực hiện toàn bộ dự án trong thời gian dự kiến 12 - 15 năm. Tuy nhiên, các thông tin chi tiết về đối tác, nguồn vốn chưa được tiết lộ.

Doanh nghiệp cam kết biến Bình Quới - Thanh Đa thành đô thị đáng sống nhất ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. 

du_an_bitexco_18_zing.JPG
Siêu dự án Bình Quới - Thanh Đa đã treo hơn 20 năm qua. Ảnh: Lê Quân

Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa có quy mô sử dụng đất 426 ha được quy hoạch xây dựng thành công trình với đầy đủ chức năng, đáp ứng nhu cầu ở cho 41.000 - 50.000 người.

Tổng mức đầu tư ban đầu cho 2 hạng mục của dự án ước tính 29.900 tỷ đồng (1,35 tỷ USD), trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm phần lớn tổng mức đầu tư với ước tính 22.700 tỷ đồng, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng khoảng 7.200 tỷ đồng (chưa tính đến toàn bộ tiền đầu tư xây dựng khu đô thị) và dự kiến hoàn thành vào năm 2032.

26 năm lận đận của dự án Bình Quới - Thanh Đa

Liên quan đến dự án này, trong cuộc họp báo mới đây, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, cho biết ý tưởng về khu đô thị Thanh Đa hiện đại đã có từ rất lâu, thành phố cũng kiên trì thực hiện. Việc chậm là do doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực nên thành phố phải chuyển hướng kêu gọi liên doanh với doanh nghiệp quốc tế.

Tuy nhiên, theo ông Hoan, đối tác nước ngoài "có 3 câu hỏi mà chúng ta trả lời hoài không được. Câu hỏi đầu tiên là tổng mức bồi thường là bao nhiêu? Lúc nào giao được đất sạch và một câu nữa là đơn giá sử dụng đất như thế nào?"

"Doanh nghiệp nước ngoài rất sợ những việc chưa rõ ràng và chui vào sẽ sập bẫy và rút ra không được. Sau này cũng có nhiều nhà đầu tư hỏi tương tự nhưng chúng ta vẫn bế tắc để trả lời” - ông Hoan nói. 

map_binhthanh_thanhda.jpg
Vị trí bán đảo Thanh Đa.

Năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do thiếu năng lực nên đơn vị này không triển khai được. Đến năm 2010, chính quyền TP.HCM đã thu hồi quyết định.

Sau đó, một đơn vị trong nước khác được UBND TP.HCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án với toàn bộ gần 427 ha đất, tương đương diện tích toàn phường 28.

Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng.

Sau đó, Emaar Properties PJSC đã rút lui vì không đủ kiên nhẫn chờ tới lúc được bàn giao đất sạch. Hiện chỉ còn lại tập đoàn Bitexco "ôm" dự án này và thành phố có văn bản xin ý kiến Thủ tướng.

Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2016. Tuy nhiên, do đối tác nước ngoài rút lui, dự án thay đổi về chủ đầu tư nên chưa thể làm những công tác tiếp theo.

Theo Luật Đất đai, nếu sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ.

Hiện nay, trên nền siêu dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn còn hơn 3.000 hộ dân sống lay lắt theo số phận dự án từ năm 1992 đến nay.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022