Đôi chân không chỉ nâng đỡ trọng lượng cơ thể khi di chuyển. Chúng gửi những tín hiệu thầm lặng từ sâu bên trong cơ thể, đặc biệt là thận. Tuy nằm xa bàn chân nhưng khi bị suy giảm chức năng hay gặp căng thẳng, thận sẽ gửi thông điệp qua các chi dưới. Chúng không phải là những triệu chứng nghiêm trọng mà là những thay đổi đơn giản, bị nhầm lẫn với tình trạng mệt mỏi, tuổi tác hoặc tư thế xấu.
Dưới đây là 5 dấu hiệu ít được chú ý ở chân và bàn chân có thể báo hiệu sự khởi đầu của bệnh thận:
Sưng phù ở mắt cá chân xuất hiện rồi biến mất
Biểu hiện đầu tiên của tổn thương thận là sưng nhẹ, mềm quanh mắt cá chân, đặc biệt vào buổi tối. Nếu đi tất, bạn có thể nhận thấy vết hằn sâu hơn bình thường.
Ở giai đoạn đầu khi thận bắt đầu gặp "căng thẳng", sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể bắt đầu bị xáo trộn. Một trong những chức năng chính của thận là loại bỏ lượng muối và nước dư thừa. Nếu thận bắt đầu hoạt động kém, dù chỉ nhẹ, chất lỏng này có thể tích tụ ở mắt cá chân hoặc bàn chân.
Tình trạng sưng nhẹ ở chân dưới có thể xảy ra khi thận không loại bỏ đủ natri và nước. Dù hiện tượng này cũng có thể do đứng quá lâu hoặc thời tiết nóng, nếu nó lặp lại thường xuyên mà không rõ nguyên nhân thì cần được chú ý.
Ngứa chân dù không có phát ban hay khô da

Ảnh: activecarepodiatry
Đây là cảm giác ngứa kéo dài ở chân, đặc biệt quanh bắp chân, dù da trông hoàn toàn bình thường.
Các vấn đề về thận ở giai đoạn đầu có thể dẫn đến sự tích tụ chất thải trong máu. Khi những chất thải này không được loại bỏ đúng cách, chúng có thể gây ra cảm giác ngứa sâu bên dưới da - thường xảy ra trước khi có phát ban hay dấu hiệu trên da.
Hiện tượng ngứa da, được gọi là ngứa do urê huyết (uremic pruritus), là một triệu chứng đã được biết đến liên quan đến chức năng thận. Dù phổ biến hơn ở các giai đoạn muộn, nó có thể bắt đầu một cách âm thầm, đặc biệt khi sự tích tụ chất thải xảy ra sớm hơn bình thường. Biểu hiện này không phải là ngứa do da khô, mà là do nguyên nhân bên trong cơ thể.
Chuột rút ở bắp chân khi ngủ
Cơ bắp cần có sự cân bằng của các khoáng chất như kali, canxi và natri để hoạt động bình thường. Khi thận không lọc máu hiệu quả, sự cân bằng các khoáng chất này có thể bị xáo trộn, dẫn đến tình trạng chuột rút ở chân, nhất là khi ngủ hoặc nghỉ ngơi, không rõ nguyên nhân.
Bệnh thận mãn tính giai đoạn đầu có thể gây ra hiện tượng chuột rút, đặc biệt ở các chi dưới. Những cơn co rút này không phải do vận động quá sức hay mất nước, mà là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong hóa học cơ thể.
Thay đổi màu da quanh bàn chân hoặc ngón chân
Sức khỏe của thận và tuần hoàn máu có mối liên hệ chặt chẽ. Khi chức năng thận suy giảm, quá trình lưu thông máu cũng có thể bị ảnh hưởng, khiến lượng oxy đến bàn chân giảm đi. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng da ở khu vực này trở nên xám xịt hoặc có màu tối hơn, trông như bị bầm, dù không có chấn thương nào.
Dù cần thêm nhiều nghiên cứu, các bác sĩ đã ghi nhận rằng những người bắt đầu gặp vấn đề với thận có thể xuất hiện những thay đổi nhẹ về sắc tố da, thường bị bỏ qua hoặc nhầm là hiện tượng da sạm bình thường. Đây không phải là vết bầm, mà là phản ứng của hệ tuần hoàn.
Cảm giác tê hoặc châm chích lạ ở bàn chân
Thận không chỉ lọc chất thải mà còn giúp duy trì sức khỏe của hệ thần kinh thông qua việc điều chỉnh điện giải và loại bỏ độc tố. Khi chất thải bắt đầu tích tụ, dù chỉ nhẹ, chúng có thể gây kích thích hoặc ảnh hưởng đến các dây thần kinh nhỏ ở bàn chân, tạo cảm giác tê nhẹ, châm chích, hoặc như kiến bò ở bàn chân, ngay cả khi đang ngồi yên.
Hiện tượng này được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên (peripheral neuropathy), và dù thường liên quan đến bệnh tiểu đường, chức năng thận suy yếu ở giai đoạn đầu cũng có thể ảnh hưởng đến tín hiệu thần kinh. Nó có thể bắt đầu chỉ bằng cảm giác tê nhẹ ở bàn chân - dễ bị bỏ qua, nhưng đáng để chú ý.
Các dấu hiệu khác của tổn thương thận
Tổn thương thận thường tiến triển âm thầm trong giai đoạn đầu, nhiều người không thấy triệu chứng đáng chú ý cho đến khi thận bị suy yếu đáng kể. Tuy nhiên, khi tổn thương trở nên trầm trọng hơn, nhiều dấu hiệu khác nhau có thể xuất hiện do sự tích tụ các chất thải và chất lỏng trong cơ thể. Các dấu hiệu phổ biến bao gồm mệt mỏi dai dẳng, yếu và khó tập trung do tích tụ độc tố và thiếu máu tiềm ẩn. Ngoài ra, có thể có sự thay đổi trong thói quen đi tiểu, chẳng hạn như tăng tần suất (đặc biệt là vào ban đêm), nước tiểu có bọt (chỉ ra protein) hoặc có máu trong nước tiểu. Sưng ở tay, chân, mắt cá chân và quanh mắt (phù nề) cũng là một triệu chứng thường gặp, do tích tụ chất lỏng.
Hướng Dương (Theo Times of India)