Theo Fitch Solutions, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc có thể sẽ chiếm tới 18% thị trường ở châu Âu trong ba năm tới. Do vậy, cứ 6 chiếc được bán ra ở đây vào năm 2025 thì có một sẽ được sản xuất bởi các hãng xe điện Trung Quốc, tăng từ khoảng 3% hiện nay. Trong 7 tháng đầu năm nay, các công ty Trung Quốc chỉ bán được 37.000 chiếc xe điện ở châu Âu.
Thị phần của xe điện Trung Quốc sẽ tăng nhanh nhờ giá rẻ và nguồn cung dồi dào. Phoebe O’Hara, nhà phân tích của Fitch Solutions, cho biết ôtô Trung Quốc có giá cả phải chăng và đồng thời các nhà sản xuất phương Tây không thể cung cấp đủ nguồn cung xe điện. "Khả năng cung cấp sâu rộng từ Trung Quốc có nghĩa là họ có thể lấp đầy khoảng trống trên thị trường đó", bà nói.
So sánh toàn cầu từ năm 2015 đến nửa đầu năm nay của Fitch cho thấy chỉ có giá xe điện do Trung Quốc sản xuất là giảm đáng kể, trong khi giá xe điện của Mỹ và châu Âu tăng mạnh.
Ora Cat trưng bày tại triển lãm IAA 2021, Đức. Ảnh: Motor1
Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang ngày càng chú ý đến thị trường nước ngoài để mở rộng dấu ấn toàn cầu của họ. Năm ngoái, Great Wall Motor đã thông báo rằng sẽ bắt đầu bán mẫu Ora EV ở châu Âu và cung cấp ít nhất 10 mẫu vào năm 2025. Mẫu Ora Cat, sẽ có giá khoảng 30.000 euro (29.350 USD), so với mức trung bình 55.000 euro cho một chiếc xe điện ở châu Âu vào nửa đầu năm nay.
BYD có trụ sở tại Thâm Quyến, nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, cũng đã tung ra ba mẫu xe chạy hoàn toàn bằng điện cho thị trường châu Âu vào tháng 9, với giá bán đặt trước ở Đức khởi điểm từ 38.000 euro. Trong khi đó, nhà sản xuất xe điện Nio của Trung Quốc đã bắt đầu vận hành nhà máy sản xuất pin xe điện đầu tiên ở nước ngoài vào tháng 9 ở Hungary.
Cũng có những lý do khác khiến các thương hiệu xe điện Trung Quốc hoạt động mạnh mẽ, theo Fitch. "Những thương hiệu này đã tham gia vào lĩnh vực khai thác kim loại trong thập kỷ qua. Điều này cho phép họ cách ly khỏi sự biến động mà chúng ta thấy trên thị trường kim loại", O’Hara nói.
Giá các kim loại cho pin như đồng và niken đã tăng lên mức kỷ lục trong năm nay, do các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga, một nhà cung cấp chính. Trong khi đó, các nhà sản xuất Trung Quốc bao gồm BYD, đã đầu tư vào khai thác kim loại, ít phải đối mặt với việc giá cả tăng vọt.
Ngoài ra, vị thế của Trung Quốc là thị trường xe điện lớn nhất thế giới, chiếm hơn một nửa doanh số bán xe điện toàn cầu, cũng khiến các thương hiệu địa phương trở nên cạnh tranh hơn.
Theo Fitch, doanh số bán xe điện toàn cầu sẽ đạt 10,4 triệu chiếc vào năm 2022, tăng trưởng 74,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Trung Quốc, doanh số dự kiến đạt 6,7 triệu, tăng 102%. Doanh số bán xe điện ở Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng và dự kiến đạt 25,8 triệu chiếc vào năm 2031, chiếm 43% tổng doanh số toàn cầu.
Với gần một triệu chiếc được bán ra trên toàn cầu trong 8 tháng đầu năm 2022, BYD sẽ thống trị doanh số bán xe điện toàn cầu năm nay. Kế đến là Tesla với sản lượng bán ra đạt 700.000 chiếc trong cùng giai đoạn.
Dù phần lớn doanh số bán hàng của BYD là ở Trung Quốc, nhưng hồi tháng 4 họ đã thông báo ngừng sản xuất xe động cơ đốt trong và sẽ chỉ sản xuất xe hybrid và plug-in, cũng sẽ góp phần vào thành công trong tương lai của hãng, theo O’Hara.
Với việc nhiều thương hiệu Trung Quốc gia nhập thị trường châu Âu, cạnh tranh ở châu Âu sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Trong khi ở Bắc Mỹ, Tesla chiếm 64% doanh số bán xe điện trong quý III, và dự kiến thống trị thị trường Mỹ trong tương lai gần. "Chúng tôi tin rằng các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ ở châu Âu trong thập kỷ tới", bà nói.
Phiên An (theo SCMP)