Nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi nguồn lực sẵn có chưa đáp ứng đủ yêu cầu công việc. Tuy nhiên, thực tế còn khá nhiều công ty, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vẫn gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay.

Doanh nghiệp bạn gặp khó khăn gì khi tiếp cận vốn? Mời bạn trả lời câu hỏi và tham gia khảo sát tại đây. Chia sẻ bạn sẽ giúp chúng tôi chủ động nắm bắt những khó khăn của doanh nghiệp, từ đó, phối hợp với bên liên quan có giải pháp và đề xuất cụ thể, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển tốt hơn.

Một khảo sát được VnExpress thực hiện hồi cuối tháng 10 với sự tham gia của gần 1.000 doanh nghiệp trên cả nước cho thấy, gần 61% doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng vốn vay từ ngân hàng và các tổ chức tài chính; hơn 28% tìm đến nguồn vay từ bạn bè, người thân, thậm chí là tín dụng đen trong trường hợp cần vay.

Tuy nhiên, tới 66,5% doanh nghiệp SME tham gia khảo sát không thể vay do thiếu hoặc không có tài sản đảm bảo, bên cạnh đó là các vướng mắc về thủ tục vay, doanh thu thấp, nợ xấu, thiếu kế hoạch kinh doanh cụ thể.

-2488-1667294702.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6e3Cxp9Pfmv_jsPlpe3fXA

Doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ các yếu tố khi quyết định vay. Ảnh: freepik

Lý giải thực trạng trên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp cần nhìn nhận ở góc độ ngân hàng khi cho vay, đặc biệt là cán bộ thẩm định, bởi những ràng buộc pháp lý, quy trình, trách nhiệm. Doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không có kế hoạch kinh doanh cụ thể, rõ ràng, không tính toán được đầu ra - đầu vào khiến ngân hàng gặp rủi ro cao nếu cho vay. Ngoài ra, việc không có tài sản đảm bảo lại càng thu hẹp khả năng.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, để giải quyết bài toán này, cần sự vào cuộc của các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ bảo trợ doanh nghiệp đã hình thành và hoạt động tại các tỉnh. Bản thân các tỉnh, thành phố phải có trách nhiệm với doanh nghiệp tại địa bản, tham gia hỗ trợ, ủng hộ chứ không chỉ quan tâm nửa vời. Doanh nghiệp cũng cần chuyển mình tích cực, có hoạt động minh bạch, rõ ràng, chứng minh được khả năng hoạt động để có cơ hội tiếp cận vốn tốt hơn.

Đồng tình với ý kiến trên, Tiến sĩ Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, cho rằng, thay vì chỉ trông chờ quyết định ở ngân hàng, bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động, xây dựng kế hoạch hoạt động minh bạch để có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn. Cụ thể là nâng cao mức độ khả thi tín dụng, chú trọng xây dựng uy tín về mặt tín dụng như minh bạch sổ sách kế toán, hoặc tích cực có những giao dịch qua ngân hàng, từ đó tạo hồ sơ tốt tại các tổ chức tín dụng.

Ngược lại, ở góc độ đại diện doanh nghiệp, Tiến sĩ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME lại cho rằng, các ngân hàng, tổ chức thực hiện cho vay vẫn còn "dè dặt", chưa thực sự quyết liệt tạo điều kiện khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn nằm trong vòng luẩn quẩn khó tiếp cận vốn, dù khung pháp lý đã mở, đã có luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, luật tín dụng... Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ áp lực đối với các cán bộ thẩm định ngân hàng trong quá trình xác định tính khả thi của khả năng vay- trả của doanh nghiệp.

"Ngân hàng cần cởi bỏ sự cứng nhắc. nên linh hoạt trong khâu thẩm định hơn đối với các hình thức cho vay, chủ động hợp tác với doanh nghiệp để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn một cách dễ dàng hơn", ông Tô Hoài Nam chia sẻ.

TS Tô Hoài Nam mong các tổ chức tín dụng cần nhìn nhận và đánh giá đúng hơn về vai trò và nhiệm vụ của cộng đồng của doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với sự phát triển kinh tế xã hội để từ đó tạo điều kiện giúp khu vực này dễ dàng tiếp cận vay vốn phát triển khi có nhu cầu. Bởi doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ tham gia phát triển sản xuất kinh doanh cho xã hội mà còn giải quyết an sinh xã hội khi tạo việc làm cho nhiều đối tượng lao động thuộc các tầng lớp. Mặt khác, ngoài các nhiệm vụ như cấp tín dụng, ngân hàng còn giúp điều hòa sự thiếu hụt về vốn cho nền kinh tế để góp phần vào phát triển sản xuất kinh doanh và phát triển nền kinh tế và hết sức chú ý khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chiếm 98% các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam và 75% trong số đó hết sức khó khăn và thiếu vốn.

Mặc dù còn nhiều rào cản về chính sách nhưng TS Nam cùng nhiều chủ doanh nghiệp công nhận hiện, một số ngân hàng thương mại đã linh hoạt đưa ra các gói vay không tài sản đảm bảo nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn. Anh Trung Kiên, giám đốc một công ty xuất khẩu nông sản tại Bạc Liêu cho biết, các khoản vay tín chấp giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng về tình trạng khan hàng.

"Do đặc thù hàng hóa theo mùa vụ, doanh nghiệp chúng tôi phải tích trữ hàng nên thường xuyên cần bổ sung vốn trong ngắn hạn. Vì vậy, vay tín chấp là lựa chọn ưu tiên. Dù lãi suất của hình thức này thường cao hơn nhưng phù hợp với điều kiện của chúng tôi", anh Kiên chia sẻ.

Vay tín chấp được xem là hình thức vay linh hoạt, với tốc độ giải ngân vốn nhanh, đáp ứng nhu cầu cấp bách của doanh nghiệp. Điều này thường hấp dẫn đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ, cần cải thiện dòng tiền trong ngắn hạn. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô vốn thấp, thiếu hoặc không có tài sản bảo đảm, thì hình thức vay tín chấp là điểm tựa cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường.

Ngoài khó khăn của doanh nghiệp khi vay vốn, khảo sát của VnExpress cũng cho thấy, mục đích vay chủ yếu là để mua nguyên vật liệu (chiếm gần 65%), mở rộng thị trường (chiếm gần 51%) còn lại là để tuyển dụng lao động và phục vụ hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp. Do cần mua nguyên vật liệu và gấp rút mở rộng thị trường trong ngắn hạn, các doanh nghiệp ưu tiên vay vốn tín chấp.

Tuệ Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022