Hai ngày nữa cả nước bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, ghi nhận trên hệ thống bán vé của các hãng hàng không cho thấy nhiều chặng bay đi ngày 27/4, về ngày 1/5 đã hết sạch dù giá cao.
Cụ thể, trên các chặng từ Hà Nội đi Điện Biên, Tuy Hòa, Đồng Hới, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Côn Đảo... không còn chuyến bay nào dù giá vé đắt đỏ.
Chị Oanh, ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết lúc đầu nghĩ dịp lễ năm nay chỉ được nghỉ 3 ngày nên không định chơi xa. Khi cơ quan thông báo nghỉ 5 ngày, chị mới quyết định đặt vé đi Huế cho gia đình nhưng hỏi 4 đại lý vẫn không có. "Tôi chuyển kế hoạch đến Nha Trang và cũng phải mua vé sớm hơn dịp nghỉ lễ 1 ngày mới có", chị Oanh nói.
Một số chặng còn vé thì rất ít sự lựa chọn giờ bay, như Hà Nội - Đà Nẵng, Phú Quốc chỉ có 1-2 chuyến bay sớm, về muộn giá 4,7-6 triệu đồng (khứ hồi, đã gồm thuế, phí). Mức này tăng 5-15% so với cùng kỳ năm ngoái. Chặng đi Đà Lạt cũng còn vài vé, giá tăng vọt, lên 5,8-6 triệu đồng.
Trong khi đó, ở chặng bay TP HCM đi các điểm du lịch ít căng thẳng hơn, hiện vẫn khá dồi dào, giá vé hạ nhiệt khoảng 5-10% so với cùng kỳ năm ngoái. Điểm đến đắt đỏ trước đây là TP HCM - Phú Quốc đi ngày 27/4 và về 1/5 giá vé khứ hồi hiện chỉ hơn 3,8 triệu đồng đã gồm thuế phí (năm ngoái khoảng 4,5-5,5 triệu đồng, tùy khung giờ). Hay TP HCM - Nha Trang, giá vé khứ hồi cho ngày cao điểm như trên cũng chỉ 2,8 triệu đồng.
Anh Thành, đại lý vé ở quận Tân Bình (TP HCM) cho biết dịp này lượng khách ở thành phố đi các điểm du lịch bằng đường hàng không giảm do nhiều người chọn các chuyến trải nghiệm gần. Số khác, giá vé cao nên họ dịch chuyển sang đi tàu và xe khách nhiều hơn.
Chặng Hà Nội - Điện Biên Phủ dù được hãng hàng không tăng cường từ sớm nhưng cũng đã không còn vé. Ảnh: Thi Hà
Với chặng Hà Nội, lý giải nguyên nhân cháy vé, giá đắt đỏ, chị Phạm Thị Thu Hương - đại lý vé máy bay - cho biết nhu cầu du lịch của người dân Thủ đô đang tăng cao. Đặc biệt, các điểm đến có biển khá hút khách khi tình trạng nắng nóng cường độ cao ngày càng tăng. "Tôi có vài khách muốn đặt vé đi chơi dịp lễ này nhưng hiện tại đã hết. Tôi vẫn đang canh vé bổ sung, chờ đến ngày mai mới trả lời khách", chị Hương cho hay.
Đại diện ACV cho hay sở dĩ giá vé máy bay từ Hà Nội đi các điểm du lịch khan hiếm và đắt đỏ so với năm ngoái một phần cũng do các hãng trong tình trạng thiếu máy bay. Từ đầu năm, nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney (PW) phải triệu hồi động cơ để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất. Vietnam Airlines và Vietjet Air có khoảng 40 máy bay sử dụng động cơ này nên sẽ phải dừng khai thác năm 2024-2025 để bảo dưỡng, thậm chí thời gian khắc phục có thể lâu hơn dự kiến.
Ngoài ra, thị trường hàng không năm nay cũng có nhiều biến động khi một số hãng tái cấu trúc doanh nghiệp, giảm quy mô đội tàu bay. Bamboo Airways trước đây có 28 máy bay, giờ chỉ còn vài chiếc hoạt động sau khi trả công ty cho thuê toàn bộ máy bay Embraer E190. Pacific Airlines đã trả hết máy bay để xóa nợ và không còn máy bay khai thác.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, tỷ lệ đặt chỗ trên một số đường bay từ Hà Nội đi, đến các địa phương lên tới 90-100% trong các ngày 27/4 và 1/5. Trong đó, các đường bay từ Hà Nội, TP HCM đi Điện Biên Phủ/ Quy Nhơn/Côn Đảo có tỷ lệ lấp đầy cao nhất, đạt 95-100%.
Trước tình trạng "cháy vé cục bộ", Cục Hàng không Việt Nam vừa yêu cầu các hãng hàng không tiếp tục tăng chuyến trên đường bay nội địa. Theo đó, Cục đề nghị các hãng tối ưu hóa đội tàu bay để xem xét bổ sung tải cung ứng trên các đường bay từ Hà nội và TP HCM đến các địa phương vào ngày 27/4 và từ các địa phương về Hà Nội, TP HCM ngày 1/5.
Trước đó, ngày 18/4, Cục hàng không cũng đã đề nghị các hãng tăng chuyến bay đêm dịp 30/4 và cao điểm hè để phục vụ khách hàng.
Trong dịp lễ này, Vietnam Airlines cho biết cung ứng hơn 570.000 ghế và 2.900 chuyến bay trên các chặng nội địa và quốc tế. Còn hãng Vietjet Air cũng tăng thêm 86.000 ghế, tương đương 425 chuyến bay trên các đường bay du lịch.
Thi Hà