Tại dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lấy ý kiến tuần qua, Bộ Công Thương giữ đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng và nối lưới quốc gia sẽ không được bán hoặc bán giá 0 đồng. Tức, người dân có thể bán phần dư thừa nhưng Nhà nước chỉ ghi nhận sản lượng, không thanh toán tiền.

Tại hội thảo chiều 24/4, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết giải pháp trên cùng các biện pháp chống phát ngược năng lượng lên lưới điện quốc gia nhằm đảm bảo ngăn chặn hiện tượng trục lợi chính sách. Quy định này cũng phù hợp với điều kiện của hệ thống truyền tải, phân phối hiện nay. Bởi, việc phát triển các nguồn điện phải hài hoà, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt từng giai đoạn.

"Việc này nhằm không thêm áp lực cho hệ thống truyền tải và phân phối, góp phần giảm căng thẳng cung ứng điện", ông nói.

Theo ông Diên, những cơ chế khuyến khích loại hình này là bước đột phá nhằm tháo gỡ pháp lý để phát triển nguồn điện trong bối cảnh một số quy định pháp luật chuyên ngành chưa theo kịp thực tiễn.

bo-truong-dien-1713965460-1713-5935-4129-1713968567.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HcDUf7wpvlJ2_s9m2jq74A

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bộ Công Thương

Thực tế, tới cuối 2022, công suất điện mặt trời mái nhà khoảng 9.000 MW, giá bán 8,38 cent một kWh theo Quyết định 13/2020. Tuy nhiên, giai đoạn này xảy ra nhiều vi phạm trong phê duyệt bổ sung các dự án vào quy hoạch, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Đến cuối 2020 có 7.864 MW năng lượng mặt trời mái nhà được vận hành. Con số này nâng tổng công suất nguồn năng lượng lên 16.506 MW, gấp 19 lần công suất phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Việc này dẫn tới cơ cấu công suất nguồn điện mặt trời tăng 1,4% lên 23,8%.

Một số quy định được Bộ Công Thương tham mưu, ban hành thời điểm đó được Thanh tra Chính phủ đánh giá "dẫn tới sơ hở, bất cập, nguy cơ lợi dụng chính sách" để phát triển hệ thống công suất lớn trên đất nông, lâm nghiệp dưới mô hình trang trại. Số dự án này vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng vẫn được hưởng cơ chế khuyến khích đầu tư, tức được hưởng giá 8,38 cent một kWh trong 20 năm.

Tại hôm thảo hôm nay, ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết nếu không nối với lưới quốc gia sẽ không giới hạn công suất. Trường hợp nối lưới, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền phát hoặc không phát sản lượng điện dư vào hệ thống nhưng thanh toán 0 đồng.

Điểm đáng lưu ý, theo ông Bảo, khi muốn lắp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu theo cả 2 loại hình, người dân đều phải đăng ký với Sở Công thương địa phương. Cùng đó, tổng công suất theo hình thức nối lưới không vượt quá công suất được phân bổ trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII (2.600 MW).

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, tổng công suất lắp điện mái nhà tự dùng không được vượt mức phân bổ cho từng khu vực, miền. Cụ thể, tới 2030, miền Nam phát triển tối đa 1.110 MW ở phía Nam; miền Bắc là 927 MW, còn lại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (560 MW).

Nhằm tránh trục lợi trong giai đoạn tới, tại công văn góp ý về dự thảo hôm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng lưu ý cơ quan quản lý cần bổ sung quy định, chế tài xử lý trường hợp đấu nối điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu vào các hệ thống đã lắp đặt trước ngày 31/12/2020 đang được hưởng giá FIT nhằm trục lợi.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022