Việc Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế được kỳ vọng là cú hích cho tăng trưởng toàn cầu, bù lại sự đi xuống tại châu Âu và nguy cơ suy thoái tại Mỹ. Năm 2009, gói kích thích 4.000 tỷ nhân dân tệ của nước này đã kích hoạt đà phục hồi sau cú sụp đổ của Lehman Brothers.
Nhưng 2023 có thể là một kịch bản khác. Bắc Kinh có thể khiến lạm phát toàn cầu tăng tốc trở lại, đúng thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác tìm cách kiềm chế giá cả. Đây cũng là lý do Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đầu tháng này cho biết việc Trung Quốc thay đổi chính sách Zero Covid có thể là yếu tố quan trọng nhất với tăng trưởng toàn cầu năm 2023. Nhưng bà cũng cảnh báo tác động của việc này lên lạm phát.
"Nếu việc Trung Quốc tăng trưởng nhanh kéo theo giá dầu và khí đốt lên cao, gây sức ép lên lạm phát, đó có phải là tin tốt không?", bà phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ) hồi giữa tháng.
Người dân Trung Quốc ra đường dịp Tết Nguyên Đán. Ảnh: Bloomberg
Bloomberg dự báo tăng trưởng của Trung Quốc tăng tốc trong năm nay, từ 3% năm ngoái lên 5,8%. Việc này có thể kéo lạm phát toàn cầu lên thêm 1% trong quý cuối năm 2023. Còn nếu Trung Quốc tăng trưởng cao hơn nữa, với 6,7%, lạm phát sẽ nhích thêm 2%.
Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gần đây chạm 9,1% tại Mỹ và 10,6% tại khu vực đồng euro, mức tăng này dường như không đáng kể. Nhưng khi nhiều ngân hàng trung ương đặt mục tiêu đưa lạm phát về 2%, mức tăng này lại là rất lớn. Nếu sự phục hồi của Trung Quốc khiến lạm phát Mỹ mắc kẹt quanh 5% nửa cuối năm, Fed sẽ càng chịu sức ép ngừng nâng lãi trong cuộc họp tháng 5.
Áp lực giá từ Trung Quốc có thể lan truyền qua 2 kênh. Một là cú sốc nguồn cung nếu làn sóng lây nhiễm khiến lao động không thể đi làm và các nhà máy chật vật duy trì sản xuất. Việc này sẽ kéo lạm phát lên cao như thời kỳ đầu đại dịch.
Kênh thứ hai là nhu cầu tăng mạnh khi cuộc sống trở lại bình thường. Hoạt động mua sắm sẽ sôi động trở lại. Nhập khẩu dầu của nước này đã đi ngang trong đại dịch. Vì thế, kỳ vọng về việc nhu cầu nhiên liệu đi lên đã kéo giá dầu tăng từ 76 USD một thùng đầu tháng 12 lên 86 USD hiện tại. Nhà phân tích Jeff Currie tại Goldman Sachs dự báo giá có thể sẽ lên 105 USD hoặc cao hơn.
Cả hai cú sốc này có thể khiến lạm phát toàn cầu tăng 1% cuối năm nay so với kịch bản Trung Quốc vẫn phong tỏa. Với Mỹ, khu vực đồng euro và Anh, Bloomberg dự báo lạm phát tăng thêm 0,7%. Mức này nhỏ hơn toàn cầu, nhưng vẫn đủ khiến Fed, ECB và Ngân hàng Trung ương Anh duy trì chính sách thắt chặt lâu hơn nữa.
Với thế giới, sự khác biệt giữa một Trung Quốc đóng cửa phong tỏa và mở cửa chính là lượng nhu cầu trị giá 500 tỷ USD. Nhu cầu hàng hóa sẽ tăng lên. Các ngành dịch vụ và bán lẻ cũng sẽ đón nhận sự trở lại của khách Trung Quốc.
Giá đồng đã vượt 9.000 USD một tấn. Tiêu thụ dầu của Trung Quốc cũng được dự báo lập kỷ lục năm nay. Air New Zealand đang tăng số chuyến bay đến Thượng Hải. Cổ phiếu tập đoàn xa xỉ LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton và Swatch Group tăng vọt. Việc Trung Quốc mở cửa thậm chí có thể giúp rút ngắn thời kỳ suy thoái tại Anh do khách du lịch từ nước này quay lại.
Dù vậy, các số liệu về Covid-19 chưa rõ ràng đang phủ bóng lên triển vọng kinh tế nước này. Nhu cầu tại Trung Quốc cũng chưa bật lại mạnh như nhiều nền kinh tế lớn khác, dù đã bị kìm nén vài năm qua.
Các biến số khác là trần giá mà phương Tây áp lên dầu Nga, quyết định về nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và tồn kho hàng hóa tại các hãng bán lẻ. Những yếu tố này có thể bù đắp hoặc phóng đại thêm tác động từ việc Trung Quốc tái mở cửa lên giá cả toàn cầu.
Các số liệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đã chạm đáy khi làn sóng Covid dần hạ nhiệt. Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tháng 1 đều tăng trưởng lần đầu tiên trong 4 tháng. Số bệnh nhân trong các phòng cấp cứu của bệnh viện đã giảm. Các tuyến tàu điện ngầm ở thành phố lớn dần đông đúc. Doanh thu phòng vé trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cũng mạnh hơn năm ngoái.
Chính sách hỗ trợ tăng trưởng và nới kiểm soát ngành bất động sản, công nghệ cũng đang giúp triển vọng của Trung Quốc tươi sáng hơn. Kể từ tháng 8/2020, khi nước này bắt đầu siết cho vay địa ốc, ngành này đã trở thành yếu tố kéo tụt tăng trưởng nhiều nhất của Trung Quốc. Năm ngoái, doanh số bán bất động sản giảm 24%, đầu tư giảm 10%, còn giá nhà đất lao dốc. Sang năm nay, Bloomberg Economics dự báo đầu tư vào bất động sản chỉ giảm 3%.
Tương tự với ngành công nghệ, sau khi Ant Group bị yêu cầu hoãn IPO tháng 11/2020, hàng loạt doanh nghiệp công nghệ lớn của Trung Quốc bị phạt và siết quản lý. Nhưng hiện tại, việc này đã thay đổi. Tại WEF Davos, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Lạc cam kết hỗ trợ các doanh nhân khởi nghiệp. Cổ phiếu công nghệ nước này gần đây đã tăng trở lại.
Những thay đổi này là lý do triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc được quan tâm. Và điều các nhà hoạch định chính sách muốn biết hiện tại là nó có tác động thế nào đến lạm phát.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc Rhee Chang-yong hôm 13/1 cho biết việc Trung Quốc mở cửa lại có thể kéo giá dầu lên cao. Phó chủ tịch Fed Lael Brainard hôm 19/1 cũng cảnh báo rủi ro lạm phát, đặc biệt là với giá hàng hóa. Chủ tịch ECB Christine Lagarde còn nhắc lại mối lo này tại WEF Davos.
Năm 2008, gói kích thích của Trung Quốc là yếu tố tích cực với phần còn lại của thế giới. Nhưng năm nay, giới phân tích cho rằng bức tranh sẽ khó dự đoán hơn rất nhiều.
Hà Thu (theo Bloomberg)