Theo Sở Công Thương TP HCM, từ ngày 16/7 đến nay có 9 chợ sau khi tạm ngưng để thực hiện công tác phòng, chống dịch (như khử khuẩn, xét nghiệm, truy vết...) đã khôi phục hoạt động. Đó là các chợ Nguyễn Tri Phương, An Đông (quận 5); chợ Bình Thới, Phú Thọ (quận 11); chợ Kiến Thành (quận Bình Tân); chợ Tân Đoàn Việt, chợ Bà Lát, chợ tạm ấp 4 Vĩnh Lộc A, chợ Qui Đức (huyện Bình Chánh). Như vậy, hiện toàn TP HCM chỉ còn 32 chợ truyền thống đang hoạt động (bao gồm 9 chợ mới mở cửa nêu trên).
Mới đây, để các chợ truyền thống có thể hoạt động trở lại an toàn, Sở Công Thương có công văn hỏa tốc gửi UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức và 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm hướng dẫn công tác tổ chức an toàn.
Đi chợ bằng thẻ tại chợ Bình Thới. Ảnh: Quỳnh Trần.
Theo đó, để được hoạt động lại, các chợ truyền thống cần tăng cường biện pháp chống dịch theo quy định của Bộ Y tế, đảm bảo có thể phát hiện bản thân hoặc khách hàng, người làm việc cùng, người lao động có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở. Nếu xác định có người nhiễm Covid-19 tại chợ thì thực hiện phân luồng, khử khuẩn và vệ sinh môi trường theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Ngoài ra, ban quản lý chợ phải tăng cường thực hiện nghiêm túc 5K, khai báo y tế điện tử. Các chợ phải kiểm soát số lượng người vào chợ thông qua việc phát phiếu, quét mã QR đến và đi bằng ứng dụng "Vietnam Health Declaration" và các ứng dụng khác phù hợp theo khuyến cáo của cơ quan y tế.
Các chợ cũng được yêu cầu bố trí vách ngăn hoặc màn ngăn trong suốt giữa các hộ tiểu thương, gian bán hàng, giữa người bán và người mua; tiểu thương treo bảng niêm yết giá rõ ràng, phù hợp để khách thuận tiện trong mua sắm. Có thể phân tần suất đi chợ cho mỗi hộ gia đình 2 ngày một lần hoặc 3 ngày một lần.
Bên cạnh đó, các chợ cần quản lý thông tin cá nhân của người lao động, tiểu thương, người bán hàng; yêu cầu họ thông báo kịp thời khi có tiếp xúc với các trường hợp F0 hoặc F1.
Thông tin đến các hộ dân trên địa bàn và đề nghị người dân chỉ đi chợ theo đúng ngày được quy định trên Thẻ ra vào chợ/app đặt lịch hoặc tổng đài đặt lịch đi chợ và gửi Thẻ vào chợ/quét mã QR Code khai báo cho đơn vị quản lý chợ tại cổng vào chợ...
Với những chợ mật độ mua sắm đông cần có phương án điều tiết khu vực kinh doanh phù hợp, đảm bảo thực hiện giảm mật độ mua sắm, giữ khoảng cách an toàn.
Đối với một số địa phương có đặc thù như dịch bệnh diễn biến phức tạp thì cần thiết lập các điểm bán quy mô nhỏ 3-6 tiểu thương với thực phẩm thực sự cần thiết. Các đơn vị quản lý chợ nghiên cứu, khuyến khích các thương nhân tổ chức bán hàng trực tuyến, bán hàng qua điện thoại.
Hiện nay, Sở Công Thương phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động các chợ truyền thống. Theo đó, triển khai thí điểm mô hình "App đặt lịch đi chợ dành cho người dân" (thí điểm tại chợ Tân Chánh Hiệp - quận 12); mô hình "tổng đài đặt lịch đi chợ" (thí điểm tại chợ Bình Thới - quận 11). Sau khi triển khai thí điểm sẽ đánh giá, hiệu chỉnh (nếu cần) và triển khai nhân rộng đến các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố.
Riêng với 3 chợ đầu mối, ngoài đảm bảo các biện pháp phòng dịch, cần ưu tiên bố trí nơi ăn, nghỉ cho người lao động tại điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời tại các chợ đầu mối. Các chợ cũng cần bố trí lực lượng trực kiểm tra người ra vào chợ chặt chẽ.
Theo ghi nhận của VnExpress trong ngày 20/7, sức mua và lượng khách tại các chợ truyền thống ở TP HCM hiện giảm mạnh dù lượng hàng đang cung cấp ổn định, giá cả hạ nhiệt. Nguyên nhân được cho là một phần do các tiểu thương chủ động được các đơn hàng online. Mặt khác, khu dân cư quanh chợ đang có các ca F1, F2...và các hẻm đang phong tỏa, khiến người dân ngại lui tới chợ mua sắm.
Thi Hà