Tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, ngày 6/1, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC cho biết năm qua, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, thị trường vận tải biển không ổn định do ảnh hưởng từ cuộc xung đột địa chính trị tại các khu vực cũng như cuộc khủng hoảng tại Biển Đỏ. Trong khi đó, mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực cảng biển ngày càng gay gắt trước sự phát triển và ra đời của nhiều cảng tư nhân mới với cơ sở hạ tầng vượt trội, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, cơ chế linh hoạt.

Tuy nhiên, VIMC vẫn duy trì được đà tiến vững chắc, kết quả sản xuất kinh doanh cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Cụ thể, sản lượng vận tải biển do đội tàu VIMC đảm nhận đạt xấp xỉ 20 triệu tấn, vượt 22% kế hoạch 2024. Trong lĩnh vực cảng biển, sản lượng hàng hóa thông qua đây ước đạt 145 triệu tấn, bằng 126% cùng kỳ và bằng 117% kế hoạch 2024.

Kết quả kinh doanh từ hai lĩnh vực trụ cột trên đã đưa doanh thu toàn VIMC đạt 24.813 tỷ đồng (trong đó doanh thu hợp nhất là 18.208 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ 2023 và vượt 35% kế hoạch).

Lợi nhuận toàn VIMC ước đạt 4.940 tỷ đồng (trong đó lợi nhuận hợp nhất đạt 3.510 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ 2023, vượt 28% kế hoạch). Năm 2024, tiền lương người lao động bình quân đạt 18,2 triệu đồng một tháng, riêng công ty mẹ đạt 25,1 triệu đồng mỗi tháng, bằng 109% kế hoạch.

DSC03521-Copy-JPG-8044-1736171775.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0JkRbXg0HHwaWPB-EKu0GA

Bốc dỡ hàng container ở cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: Đăng Khoa

Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, doanh thu và lợi nhuận tăng cao là do doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc đội tàu. Mặc dù năng lực đội tàu bị suy giảm song do đẩy mạnh các hoạt động thuê tàu ngoài dưới nhiều hình thức nên sản lượng vận tải biển vượt xa kế hoạch từ đầu năm. Năm 2024, VIMC Lines mở rộng hoạt động và phát triển tuyến dịch vụ kết nối Malaysia, Singapore và Indonesia.

Sản lượng khối cảng biển tăng trưởng tốt do VIMC đã triển khai giải pháp nhằm duy trì và tăng trưởng thị trường, thị phần, phát triển thêm 10 tuyến dịch vụ container mới về các cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn...

Sản lượng cảng biển của VIMC năm 2024 tăng 26% so với cùng kỳ, trong đó có các tuyến dịch vụ lớn, kết nối trực tiếp hệ thống cảng biển trong nước với các cảng biển tại châu Âu, Mỹ.

Cũng trong năm 2024, các dự án trọng điểm của VIMC đã được đẩy mạnh triển khai, cơ bản đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra. Trong đó, với dự án đầu tư xây dựng bến container số 3, số 4 thuộc cảng Lạch Huyện, TP Hải Phòng, VIMC đang hoàn thành các gói thầu, lắp đặt thiết bị và chuẩn bị các thủ tục mở cảng, đưa vào khai thác trong quý 1/2025 theo kế hoạch.

Đối với dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, trong năm 2024, VIMC đã giải trình bổ sung hồ sơ dự án. Đến nay, dự án cơ bản đã giải quyết được các thủ tục liên quan. Trong năm 2025, VIMC sẽ phối hợp với đối tác để hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, được lựa chọn làm nhà đầu tư.

Về định hướng năm 2025, ông Tĩnh cho biết, VIMC sẽ tập trung thực hiện các dự án đầu tư phát triển, như cảng Lạch Huyện, cảng Liên Chiểu, cảng quốc tế Cần Giờ...

"Cùng với cảng Cái Mép - Thị Vải đang hoạt động, cảng Cần Giờ sẽ tăng khả năng cạnh tranh với các cảng biển trong khu vực. Sản lượng hàng hóa trung chuyển qua cảng biển Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh, có thể vượt Singapore. Đây là sứ mệnh của Tổng công ty để nâng tầm cạnh tranh quốc gia", ông Tĩnh nói.

Doanh nghiệp tiếp tục đầu tư tàu mới hoặc mua tàu cũ phù hợp với chiến lược phát triển đội tàu, ưu tiên các loại tàu thế hệ mới tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường, với sứ mệnh phát triển đội tàu biển quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ.

Đoàn Loan

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022