Ngày 4/10, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Đổi mới, sáng tạo Pháp ngữ (Franco-Tech) tại Paris. Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của lãnh đạo Việt Nam. Diễn đàn năm nay tập trung vào 5 chủ đề, gồm trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng, vốn con người, an ninh lương thực và đổi mới sáng tạo.

Trong bài phát biểu tại sự kiện, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho hay Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại, với trọng tâm là kinh tế số. Ông kêu gọi doanh nghiệp trong cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Các lĩnh vực hợp tác tiềm năng là công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn, năng lượng hydrogen xanh và thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

"Việt Nam đang tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi, với nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn để giúp các doanh nghiệp cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục phát triển thành tập đoàn lớn tầm vóc quốc tế", Tổng bí thư, Chủ tịch nước phát biểu. Ông khẳng định với kinh nghiệm hợp tác ba bên, Việt Nam sẵn sàng tham gia hỗ trợ các nước châu Phi trên tinh thần "muốn đi xa hãy đi cùng nhau".

To-Lam-3356-1728043505.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=aCZ61zj6jzVDdYVRMNUd9w

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại diễn đàn FrancoTech 2024. Ảnh: TTXVN

Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho biết những năm qua, Việt Nam đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. "Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên top 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới, top 20 nền kinh tế có kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới và là mắt xích quan trọng trong 16 Hiệp định thương mại tự do", ông nhấn mạnh.

Ông đánh giá cộng đồng Pháp ngữ là mảnh đất đầy tiềm năng cho các hoạt động hợp tác kinh tế, đầu tư và trao đổi thương mại. Cộng đồng này hiện có 88 thành viên và quan sát viên, với các nước châu Âu như Pháp, Bỉ, Bulgaria, Hy Lạp, Thụy Sĩ, các nước châu Phi như Mali, Morocco, Cameroon và một số nước châu Á như Việt Nam, Lào, Campuchia. Tổng dân số khoảng 1,2 tỷ người, chiếm 16% GDP và 20% thương mại toàn cầu.

Việt Nam - Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/4/1973 và nâng cấp lên Đối tác chiến lược vào năm 2013. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch nước Việt Nam tới Pháp sau 22 năm.

Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam, với kim ngạch thương mại năm 2023 là 4,8 tỷ USD. 8 tháng đầu năm, kim ngạch đạt hơn 3,4 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2023. Quốc gia này cũng là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam, còn Việt Nam đứng thứ hai trong các nước hưởng vốn vay ưu đãi của Pháp tại châu Á.

Hà Thu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022