Ngày 19/1 (tức 28 Tết), Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên kiểm tra tình hình cung ứng điện dịp Tết tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Phó tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho biết dự báo nhu cầu tiêu thụ điện dịp Tết thấp hơn ngày thường do hầu hết các phụ tải công nghiệp ngừng sản xuất. Sản lượng điện tiêu thụ những ngày Tết dao động khoảng 450,5-509 triệu kWh.
Mức này bằng 60-63% tiêu thụ điện ngày bình thường và tương đương mức tiêu thụ điện Tết năm ngoái hoặc "tăng không đáng kể". Điều này dẫn đến những thách thức trong vận hành hệ thống điện như dư thừa nguồn điện; điện áp tăng cao và có thể ảnh hưởng đến ổn định tần số...
Cho rằng Tết năm nay rơi vào tháng 1, phụ tải thấp nhưng sau Tết có thể tăng lên do nhu cầu điện cho sản xuất lớn, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị EVN cập nhật, tính toán chuẩn bị sẵn sàng phương án cung ứng, cấp điện dịp sau Tết.
Trước đây, hệ thống điện chỉ có các nguồn điện truyền thống như điện than, thủy điện, điện khí, nhưng hiện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đã chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Do đó, công tác vận hành hệ thống điện không dễ dàng, nhất là vào dịp Tết khi thừa nguồn. "Phải có kỷ luật kỷ cương trong quản lý vận hành hệ thống. Các chủ nguồn điện phải chấp hành lệnh điều độ của A0 và chia sẻ trong lúc phụ tải thấp ngày Tết", ông nói.
Bộ trưởng Công Thương làm việc, kiểm tra tình hình cung ứng điện dịp Tết tại EVN, ngày 19/1. Ảnh: EVN
Ngoài đảm bảo công khai, minh bạch, việc vận hành hệ thống điện trong dịp Tết Nguyên đán cần ưu tiên an toàn. A0 và các A miền cần có lực lượng ứng trực thường xuyên, thiết kế kênh thông tin trao đổi nhanh nhất.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cũng lưu ý, vận hành hệ thống điện trong dịp Tết Nguyên đán rất khó khăn khi phụ tải giảm thấp, điện áp tăng cao. Vì thế, kỷ luật vận hành cần được tuân thủ tuyệt đối với các nhà máy của EVN, các nhà máy năng lượng tái tạo và điện mặt trời mái nhà... Bởi, nếu không tuân thủ lệnh điều độ, gây ra tần số tăng cao, hệ thống điện sẽ rất nguy hiểm.
"Vấn đề an toàn cung ứng, hệ thống điện là hàng đầu. Trường hợp có sự cố xảy ra, cần bình tĩnh, xử lý trong thời gian sớm nhất, Thứ trưởng Đặng Hoàng An yêu cầu.
Nhu cầu phụ tải thấp vào dịp Tết, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) lên kế hoạch điều độ vận hành theo hướng duy trì một số nguồn có tính ổn định cao, đảm bảo an toàn hệ thống điện quốc gia. Các nguồn điện bố trí đảm bảo đủ công suất dự phòng cho hệ thống tại mọi thời điểm.
Chẳng hạn, về nhiên liệu như than, khí, khả năng cung ứng của khí Cửu Long + Nam Côn Sơn là 14,8-15 triệu m3 một ngày; cấp khí cho Nhà máy điện Cà Mau khoảng 2,71 triệu m3/ngày) đã chuẩn bị đủ đáp ứng yêu cầu sản xuất điện các ngày Tết.
Hiện, tổng công suất đặt toàn hệ thống điện quốc gia đạt hơn 80.000 MW, trong đó, điện năng lượng tái tạo trên 22.000 MW, chiếm 27% hệ thống; điện than khoảng 30%, thuỷ điện 21%, điện khí 7-8% và các nguồn điện khác.
Đề cập tới giá điện, Bộ trưởng Diên nhìn nhận, giá nhiên liệu đầu vào năm 2022 tăng cao dẫn tới ngành điện bị lỗ. Chia sẻ khó khăn tài chính của EVN, ông cho rằng, điều chỉnh giá điện kịp thời theo chi phí đầu vào là cần thiết. Bộ này đang nghiên cứu, tháo gỡ và có phương án báo cáo Chính phủ để xem xét quyết định điều chỉnh giá điện ở thời điểm phù hợp.
Trước đó, tại họp báo Chính phủ đầu tháng 1, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Chính phủ đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu đề xuất tăng giá điện của EVN để xây dựng lộ trình tăng hợp lý, tác động nhỏ nhất tới các đối tượng.
Năm ngoái EVN ghi nhận lỗ hơn 31.000 tỷ đồng năm 2022 chủ yếu do các chi phí đầu vào sản xuất điện (than, khí...) tăng vọt làm giá mua từ các nhà máy phát điện tăng, trong khi giá bán lẻ điện bình quân không điều chỉnh.
Hiện giá bán lẻ điện bình quân ở mức 1.864,44 đồng một kWh và mức giá này duy trì từ tháng 3/2019 đến nay, tức gần 4 năm chưa điều chỉnh giá điện.
Anh Minh