Tại hội nghị toàn quốc về phát triển kinh tế - xã hội ngày 20/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tăng trưởng GDP cả năm nay ước đạt khoảng 7%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%). Dựa trên kết quả từ đầu nhiệm kỳ, ước tính tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 khoảng 6% mỗi năm.
"Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nằm ở nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới", ông nói.
Theo số liệu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), quy mô nền kinh tế đã tăng từ 346 tỷ USD, xếp thứ 37 trên thế giới năm 2020 lên 433 tỷ USD, xếp thứ 34 thế giới năm 2023.
Thủ tướng đánh giá quy mô nền kinh tế dự kiến đạt khoảng 500 tỷ USD năm 2025. Số này tăng 1,45 lần so với năm 2020, xếp thứ 33 thế giới và thứ 4 khu vực ASEAN. Cùng đó, GDP bình quân đầu người sẽ tăng từ 3.720 USD năm 2021 lên khoảng 4.900 USD năm 2025. Mức tăng tương ứng khoảng 31,7%.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hôi nghị toàn quốc, ngày 20/10. Ảnh: VGP
Đánh giá chung 5 năm 2021-2025, Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, chỉ số phát triển con người được cải thiện. Chỉ số hạnh phúc năm 2024 theo đánh giá của Liên Hợp Quốc tăng 11 bậc so với năm 2023, xếp thứ 54/143 quốc gia, vùng lãnh thổ.
"Những điều này góp phần chứng minh đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", Thủ tướng nói.
Theo lãnh đạo Chính phủ, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá để đạt mục tiêu kế hoạch cho cả giai đoạn 5 năm. Một số chỉ tiêu chủ yếu cho năm sau như tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7%, CPI bình quân khoảng 4,5%.
Tiếp đó, giai đoạn 2026-2030, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,5-8,5% một năm; đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt 7.400-7.600 USD. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Quy mô nền kinh tế đạt khoảng 780-800 tỷ USD trong 6 năm tới.
"Với tốc độ này, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 30 nền kinh tế có quy mô GDP hàng đầu thế giới", Thủ tướng nói, cho biết đây sẽ là cơ sở vững chắc để trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Để đạt mục tiêu, Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là về xây dựng kết cấu hạ tầng. Đến cuối năm 2025, cả nước sẽ có hơn 3.000 km đường bộ cao tốc, đạt mục tiêu đề ra. Nhiều dự án cho giai đoạn 2026-2030 sẽ tiếp tục được triển khai. Hạ tầng số, hạ tầng điện cũng được đầu tư xây dựng trên cả nước.
Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật với tinh thần cải cách, đổi mới, tăng phân cấp, quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Cùng đó, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ được phát triển mạnh mẽ. Việc này nhằm tạo bứt phá trong tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phương Dung