TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, dự báo tình trạng thiếu chip có thể kéo dài đến năm 2022. Công ty này cho biết đang mở rộng công suất và cố gắng giữ giá cả hợp lý. "Chúng tôi đang thuê hàng nghìn nhân viên và mở rộng năng lực của mình tại nhiều địa điểm", CC Wei, CEO TSMC cho biết hôm 15/4.
Nhận xét của TSMC được đưa ra sau khi công ty báo cáo lợi nhuận quý I tăng 19,4%, vượt kỳ vọng của thị trường, do nhu cầu chip tăng mạnh trong bối cảnh toàn cầu chuyển sang làm việc tại nhà.
TSMC, có khách hàng bao gồm Apple và Qualcomm đã đánh dấu "cơ hội tăng trưởng nhiều năm" khi Covid-19 thúc đẩy nhu cầu về các loại chip tiên tiến dùng cho các thiết bị như điện thoại thông minh và máy tính xách tay.
Hoạt động kinh doanh của công ty được thúc đẩy từ khi thiếu hụt chip khiến các nhà sản xuất ôtô phải cắt giảm sản lượng, và sau đó là ảnh hưởng đến các nhà sản xuất điện thoại thông minh, máy tính xách tay và thậm chí cả thiết bị gia dụng.
Bên ngoài trụ sở của TSMC tại Đài Loan. Ảnh: EPA.
Lợi nhuận ròng của TSMC trong quý I đạt 4,93 tỷ USD. Doanh thu tăng 25,4% lên mức kỷ lục 12,92 tỷ USD. Công ty dự báo doanh thu quý II sẽ nằm trong khoảng 12,9 tỷ USD đến 13,2 tỷ USD, so với 10,38 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Hãng cũng nâng dự báo tăng trưởng doanh thu năm 2021 lên 20% so với dự báo trước đó.
TSMC có kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD trong vòng 3 năm tới để tăng công suất tại các nhà máy của mình. Kế hoạch đầu tư được thúc đẩy bởi sự quan tâm của nhiều khách hàng với loại chip 5 nm hiện có của hãng và cả loại 3 mn dự kiến sản xuất thử nghiệm cuối năm nay.
Công ty cũng tăng chi tiêu vốn cho việc sản xuất và phát triển chip tiên tiến lên khoảng 30 tỷ USD trong năm nay, từ mức 25 tỷ USD mà họ định đầu năm. Ông Wei nói rằng, các khách hàng đang muốn dự trữ chip nhiều hơn để đảm bảo ổn định sản xuất do những bất ổn địa chính trị và đại dịch. Do đó, công suất của công ty sẽ vẫn "eo hẹp" trong suốt cả năm.
Các nhà phân tích lạc quan về kế hoạch mở rộng quy mô lớn của công ty, kỳ vọng nhu cầu toàn cầu về chip tiên tiến sẽ tăng lên khi công nghệ 5G và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo được áp dụng rộng rãi hơn.
Cổ phiếu TSMC đã tăng khoảng 16% trong năm nay và tăng hơn gấp đôi trong vòng một năm qua, mang lại cho TSMC giá trị thị trường 558 tỷ USD, cao hơn gấp đôi so với Intel và cao hơn cả tập đoàn công nghệ khổng lồ Samsung Electronics của Hàn Quốc.
Trong khi đó, theo ông Pat Gelsinger, CEO Intel, sự thiếu hụt chip thậm chí còn sẽ kéo dài sau năm 2022, khi nhu cầu vượt xa nguồn cung. Ông cho biết các công ty bán dẫn có thể thực hiện một số giải pháp ngắn hạn để giảm bớt khó khăn. Nhưng một giải pháp đầy đủ cho vấn đề thiếu hụt sẽ mất nhiều thời gian hơn.
"Tôi nghĩ rằng cần một vài năm cho đến khi hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề", ông nói, "Mất vài năm để xây dựng năng lực cung ứng".
Intel đã thảo luận với các nhà sản xuất và cung cấp phụ tùng ôtô về các bước có thể thực hiện nhằm tăng sản lượng chip ôtô trong những tháng tới. Intel đang đặt mục tiêu bắt đầu tăng cung cấp bổ sung trong vòng sáu đến chín tháng tới.
General Motors và Ford tuần trước đã công bố kế hoạch dừng hoạt động một số nhà máy ở Bắc Mỹ do vấn đề nguồn cung. Dù vậy, đến hôm 13/4, GM thông báo hủy bỏ một vài kế hoạch đóng cửa, với một nhà máy ở Spring Hill (Tennessee), sẽ mở cửa trở lại sớm hơn dự định và một nhà máy ở Mexico sẽ tiếp tục hoạt động.
Willy Shih, Giáo sư Trường Kinh doanh Harvard, người chuyên về công nghệ và sản xuất, cho biết một vấn đề đang làm phức tạp nguồn cung hiện nay. Đó là các nhà sản xuất đang đặt hàng chip với nhiều nhà máy, vì họ không chắc chắn đơn hàng nào sẽ được thực hiện. Việc đặt hàng hỗn loạn đang khiến các nhà sản xuất chip khó hiểu được họ cần phân bổ nguồn cung ở đâu để đáp ứng nhu cầu thực tế trong ngắn hạn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cầm một tấm wafer silicon sản xuất chip trong hội nghị trực tuyến với các lãnh đạo doanh nghiệp chuỗi cung ứng chất bán dẫn hôm 12/4. Ảnh: AP.
Tại Mỹ, để đảm bảo nguồn cung chip nội địa nhiều hơn trong dài hạn, chính quyền Biden đang đề xuất chi 50 tỷ USD để trợ cấp cho các cơ sở sản xuất chất bán dẫn, một ý tưởng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng.
Một hiệp hội thương mại công nghiệp ôtô đã đề xuất rằng một phần kinh phí đó được dành để xây dựng năng lực sản xuất chip ôtô. "Với tư cách là lĩnh vực sản xuất lớn nhất của quốc gia, ngành công nghiệp ôtô đóng góp 1.100 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ và chiếm 5,5% GDP của đất nước", Liên minh Đổi mới Ôtô cho biết trong một bức thư ngày 5/4 gửi Bộ Thương mại Mỹ.
Các nhà sản xuất ôtô đã quảng bá ý tưởng đó một lần nữa tại cuộc họp trực tuyến đầu tuần của Nhà Trắng, nhưng vấp phải sự phản đối từ các lãnh đạo ngành khác, những người không muốn bất kỳ lĩnh vực nào được đối xử ưu đãi.
Ông Pat Gelsinger và Tom Caulfield, CEO công ty bán dẫn GlobalFoundries cho biết đã vận động hành lang để chính phủ hỗ trợ mở rộng sản xuất chip trong nước. Khoảng 12% chất bán dẫn trên thế giới được sản xuất tại Mỹ. Caulfield cho biết ông kêu gọi tăng gấp đôi thị phần đó, trong khi Gelsinger cho biết ông đã vận động hành lang để đẩy nó lên trên 30%.
"Rất nhiều cuộc thảo luận là, đừng lãng phí cuộc khủng hoảng này. Chúng ta hãy rút ra những bài học kinh nghiệm - chúng ta nên sản xuất nhiều hơn ở đất nước này", ông Caulfield nói trong một cuộc phỏng vấn.
Ông Pat Gelsinger cho biết để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng như vậy sẽ đòi hỏi sự tài trợ của chính phủ hơn mức 50 tỷ USD được đề xuất hiện nay và đầu tư nhiều hơn từ ngành công nghiệp. Tháng trước, Intel đã thông báo rằng họ sẽ chi 20 tỷ USD để xây dựng hai nhà máy ở Arizona.
Ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ lập luận rằng chính phủ liên bang cần cung cấp nhiều trợ cấp hơn để cạnh tranh với các quốc gia châu Á, những quốc gia đã cung cấp cho các nhà sản xuất chip những động lực tài chính lớn để xây dựng năng lực sản xuất.
Giáo sư Willy Shih thì lại cho rằng trợ cấp có thể lãng phí và lưu ý một số nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, bao gồm TSMC của Đài Loan và Samsung của Hàn Quốc, đã chi hàng tỷ USD trong nhiều năm cho việc nâng cao năng lực sản xuất.
Phiên An (theo Reuters, Washington Post)