Chiều 11/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết có 5 chuyên đề được đưa ra xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét để chọn ra 4.

Đầu tiên là chuyên đề giám sát việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết về một số dự án quan trọng quốc gia.

Thứ hai là giám sát về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết 19/2017 đến hết năm 2023. Kế tiếp là chuyên đề về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội là chuyên đề thứ tư được xin ý kiến. Cuối cùng, đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư cũng dự kiến đưa vào chương trình giám sát.

Tại kỳ họp thứ 5 dự kiến khai mạc ngày 22/5, Quốc hội sẽ thảo luận, chọn hai chuyên đề (trong số 4 chuyên đề được chọn hôm nay) để giám sát tối cao trong năm 2024. Hai chuyên đề còn lại sẽ do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát.

110420230253-z4255562859067-e4-1889-6310-1681207152.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YMFyeRHfubzQYYdxpzLkRQ

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu chiều 11/4. Ảnh: Phạm Thắng

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng chuyên đề giám sát về quản lý thị trường bất động sản "rất thời sự và cần thiết trong giai đoạn hiện nay".

Theo ông, hiện 4 luật liên quan đến thị trường bất động sản, gồm Luật Đầu tư, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, đang giao thoa, chồng lấn. Các luật này sẽ được sửa đổi trong năm nay và năm sau nên "bây giờ phải vào cuộc rà soát".

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản liên quan đến nhiều thị trường khác như trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng, vốn, tài chính, cung ứng vốn cho nền kinh tế và phát triển nhà ở xã hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tăng trưởng quý I sụt giảm, nguyên nhân một phần do thị trường bất động sản khó khăn. "Thị trường này đang rất vướng mắc, Chính phủ, Thủ tướng, các cấp, ngành đang nỗ lực tháo gỡ, cơ quan của Quốc hội cũng cần hỗ trợ", ông Huệ nói.

110420230324-z4255753260680-a5-4473-2353-1681207152.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ol0TG1L8lBTXoIatCED8-Q

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chiều 11/4. Ảnh: Phạm Thắng

Theo Tổng thư ký Bùi Văn Cường, bất động sản và nhà ở xã hội đều là những vấn đề cấp bách nổi lên trong thực tiễn, cần tăng cường giám sát. Dự án Luật Kinh doanh bất động sản và dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến trình thông qua tại kỳ họp thứ 6 sẽ là nguồn thông tin quan trọng để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát tổng thể.

"Chuyên đề về kinh doanh bất động sản cũng là một trong năm chuyên đề được đa số thành viên Đảng đoàn Quốc hội và các cơ quan lựa chọn", ông Cường thông tin.

Bất động sản - đóng góp khoảng 11% GDP, liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực khác - đang đối mặt khó khăn do vướng mắc về pháp lý, dòng tiền. Cuối năm ngoái, Chính phủ đã lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn thị trường này. Giữa tháng 3, Chính phủ ban hành Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh.

Về nhà ở xã hội, đầu tháng 4, Thủ tướng phê duyệt đề án phát triển loại hình này, với mục tiêu có ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội vào 2030 cho người thu nhập thấp. Tổng vốn dự kiến thực hiện là 849.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng vốn xã hội hóa.

Ngoài ra, từ nay đến hết 30/6, chủ đầu tư được vay 8,7% mỗi năm, kéo dài 3 năm từ ngày giải ngân; còn người mua nhà được áp mức lãi suất 8,2% mỗi năm trong 5 năm, theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Chương trình có quy mô 120.000 tỷ đồng, triển khai đến 31/12/2030 hoặc kết thúc sớm hơn nếu giải ngân hết gói.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022