Hai nguồn tin của Reuters cho biết, tại sự kiện "Capital Markets Day" diễn ra ngày 26/2, Tổng giám đốc BP Murray Auchincloss sẽ thông báo với nhà đầu tư việc từ bỏ mục tiêu nâng công suất phát điện từ năng lượng tái tạo lên 50 gigawatt (GW) vào năm 2030, tức tăng gấp 20 lần so với năm 2019.
Bên cạnh đó, BP dự kiến công bố kế hoạch thoái vốn và cắt giảm các khoản đầu tư vào lĩnh vực carbon thấp nhằm giảm nợ và tăng lợi nhuận cho cổ đông. Các kế hoạch này chưa từng được công bố trước đó. BP từ chối bình luận về thông tin.
BP (British Petroleum) là một trong những tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới, có trụ sở chính tại London, Anh. Theo báo cáo tài chính, BP hiện có 8,2 GW công suất phát điện từ năng lượng tái tạo, trong khi con số này năm 2019 là 926 megawatt (MW), đến từ năng lượng gió.

Xe chạy qua một trạm xăng BP ở Liverpool, Anh ngày 7/2/2023. Ảnh: Reuters
Năm 2020, dưới thời cựu Tổng giám đốc Bernard Looney, BP cam kết cắt giảm 40% sản lượng dầu khí và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo vào năm 2030. Tuy nhiên, đến 2023, tập đoàn hạ mục tiêu giảm sản lượng xuống còn 25%.
Kể từ khi nhậm chức, ông Auchincloss tiếp tục cho thu hẹp đầu tư vào năng lượng tái tạo, đồng thời công bố kế hoạch cắt giảm chi phí và giảm 5% nhân sự. Các nhà phân tích tại Bank of America dự đoán BP có thể công bố kế hoạch cắt giảm 2-3 tỷ USD trong ngân sách đầu tư hàng năm cho các dự án carbon thấp vào thứ tư tới. Năm 2024, tổng chi tiêu vốn của BP đạt 16,24 tỷ USD.
Áp lực gia tăng với BP sau khi quỹ đầu tư Elliott Investment Management nắm giữ gần 5% cổ phần công ty. Elliott, vốn nổi tiếng với các chiến dịch thúc đẩy cải tổ tại những tập đoàn lớn như Honeywell và Southwest Airlines, kêu gọi BP siết chi phí, giảm đầu tư năng lượng xanh và bán bớt các dự án điện gió, điện mặt trời.
Xu hướng quay lại với dầu khí không chỉ riêng BP. Nhiều ông lớn năng lượng từng chuyển hướng sang các dự án phát thải thấp dần quay về tập trung khai thác nhiên liệu hóa thạch. Bởi lĩnh vực này hiện mang lại lợi nhuận cao hơn nhờ giá dầu hồi phục mạnh mẽ sau giai đoạn thấp kỷ lục trong đại dịch.
Shell cam kết Net Zero vào 2050 và từng tham vọng thành công ty điện lớn nhất thế giới, đã hầu như dừng đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi mới, rút khỏi thị trường điện châu Âu và Trung Quốc, nới lỏng các mục tiêu cắt giảm carbon.
Tập đoàn năng lượng quốc doanh Equinor của Na Uy cũng giảm đầu tư các dự án năng lượng tái tạo. Theo Rohan Bowater, nhà phân tích tại Accela Research, BP, Shell và Equinor đã giảm chi tiêu cho năng lượng carbon thấp, xuống 8% hồi 2024.
Nhìn chung, các tập đoàn dầu khí châu Âu từng đầu tư mạnh vào quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, đang chứng kiến giá cổ phiếu tụt hậu so với đối thủ Mỹ như Exxon và Chevron, vốn vẫn duy trì trọng tâm vào dầu mỏ và khí đốt.
"Những biến động địa chính trị như cuộc xung đột tại Ukraine đã làm suy yếu động lực của các CEO trong việc ưu tiên chuyển đổi carbon thấp, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu cao và kỳ vọng của nhà đầu tư thay đổi", Bowater nhận định.
Tại Mỹ, hai "ông lớn" dầu khí ExxonMobil và Chevron thậm chí củng cố cam kết mở rộng hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch. Tháng 11/2024, ExxonMobil nêu mục tiêu tăng sản lượng dầu khí 18% giai đoạn 2026 - 2030 và tăng lợi nhuận thêm 20 tỷ USD vào năm 2030.
Chevron cũng muốn nâng sản lượng dầu khí lên 7% so với cùng kỳ 2023, đồng thời có kế hoạch cắt 25% chi tiêu cho các dự án carbon thấp. Cả hai đều đang lên kế hoạch tham gia lĩnh vực kinh doanh điện khí để đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng tại các trung tâm dữ liệu đang bùng nổ nhờ trí tuệ nhân tạo (AI).
Môi trường đầu tư cũng thay đổi đáng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, người hoài nghi về biến đổi khí hậu và ủng hộ nhiên liệu hóa thạch, trở lại Nhà Trắng. Những yếu tố khác cũng góp phần hỗ trợ cho năng lượng hóa thạch như Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đang tìm cách khôi phục nền kinh tế đang suy yếu, điều này có thể thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ.
Tại COP29 tổ chức tại Baku (Azerbaijan) vào tháng 11 năm ngoái, khi Tổng thống nước chủ nhà Ilham Aliyev ca ngợi dầu mỏ và khí đốt là "món quà từ Thượng đế". Hội nghị đạt được một thỏa thuận tài chính khí hậu toàn cầu, nhưng gây thất vọng cho các nhà hoạt động môi trường vì các chính phủ không thể thống nhất về lộ trình loại bỏ dần dầu mỏ, khí đốt và than đá.
Phiên An (theo Reuters)