Phát biểu chỉ đạo được thứ trưởng đưa ra tại hội thảo về mục tiêu phát triển nền tài chính xanh, kinh tế xanh bền vững, nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, diễn ra ngày 8/7, tại Đà Nẵng.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, muốn xuất khẩu sang các thị trường lớn, doanh nghiệp cần đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu theo hướng xanh, bền vững, đồng thời, cần sử dụng các nguồn tài chính xanh, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh được tiết kiệm chi phí vốn và đạt hiệu quả cao.
Trước các yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế, doanh nghiệp cần nắm bắt cập nhật thông tin, cải tiến quy trình sản xuất; đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên để nhanh chóng đáp ứng được xu mới, đạt được lợi thế cạnh tranh. Doanh nghiệp cũng cần tiếp cận và sử dụng các nguồn tài chính xanh, bền vững phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí vốn và đạt hiệu quả cao.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: BIDV
Là một trong những doanh nghiệp tham gia hội thảo, ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT BIDV, cho biết, ngân hàng xác định tiên phong thực thi các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh.
"Chúng tôi sẵn sàng đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh quốc gia. Tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh là các mục tiêu chiến lược quan trọng hàng đầu trong hoạt động của BIDV", ông Phan Đức Tú nói tại sự kiện.
Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú khẳng định, tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh là các mục tiêu chiến lược quan trọng hàng đầu trong hoạt động của ngân hàng. Ảnh: BIDV
Lãnh đạo BIDV cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi để tư vấn và giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm tài chính bền vững. Đồng thời, ngân hàng sẽ là cầu nối giữa các bên liên quan; các cơ quan quản lý; tổ chức tài chính trong, ngoài nước và các doanh nghiệp nhằm kết nối cơ hội hợp tác trong tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, cùng các doanh nghiệp góp phần phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái tài chính bền vững tại Việt Nam.
Theo báo cáo tại hội thảo, thế giới đang bước vào thời kỳ mà ở đó, kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là hướng phát triển của nhiều quốc gia. Do đó, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong nước cần được đặt ở vị trí trung tâm, hướng tới thực hiện mục tiêu toàn cầu.
Đại diện các đơn vị, chuyên gia cùng chia sẻ thông tin về xây dựng kinh tế xanh cho các doanh nghiệp. Ảnh: BIDV
Đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là mục tiêu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng, phát triển phát thải thấp. Giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, tái tạo là cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nắm bắt thời cơ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển.
Nhằm hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net-Zero) vào năm 2050; các bộ, ngành liên quan đều đang xây dựng, hoàn thiện chính sách để thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại hướng tới mục tiêu trên.
Tại phiên chia sẻ kinh nghiệm, các chuyên gia của Deloitte Singapore và Việt Nam đã cập nhật nhiều thông tin về phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu trên thế giới; đồng thời, phân tích bối cảnh và thực hành tại Việt Nam, từ đó, chia sẻ lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 cho các doanh nghiệp.
Hội thảo cũng đề cập đến việc Liên minh châu Âu và Mỹ đã ban hành để áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM). Theo đó, các mặt hàng nhập khẩu vào các thị trường này sẽ chịu tác động của cơ chế CBAM nếu không có sự chuẩn bị để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, giảm phát thải khí nhà kính ngày càng được nâng cao.
Ngoài ra, tại Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp ước tài chính toàn cầu mới tổ chức tại Pháp cuối tháng 6 vừa qua, các nhà lãnh đạo quốc tế đã đạt nhận thức chung và nhất trí một số nội dung về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải cách hệ thống tài chính quốc tế và đổi mới mô hình các ngân hàng phát triển đa phương, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân nhằm ứng phó với những thách thức toàn cầu. Hội nghị còn đề cập đến khủng hoảng kép môi trường, khí hậu toàn cầu, đặt ra yêu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính, khai thác tài nguyên thiên nhiên sang mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và kinh tế số.
An Nhiên
Tính đến cuối năm 2022, BIDVcó 1.718 dự án tài trợ lĩnh vực xanh, dư nợ tín dụng/ bảo lãnh đạt 2,7 tỷ USD, chiếm 4,3% tổng dư nợ tín dụng của nhà băng này và 13% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực xanh toàn bộ nền kinh tế. Đây cũng là một trong những định chế tài chính trong nước duy nhất ký kết MOU với Bộ Tài nguyên Môi trường về thúc đẩy phát triển tài chính xanh bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trước đó, từ năm 2018, BIDV đã ban hành Khung quản lý rủi ro Môi trường và Xã hội áp dụng cho các dự án, khách hàng tiếp nhận nguồn vốn quốc tế, đồng thời, khuyến khích các dự án vay vốn từ BIDV thực hiện.
Tháng 2/2023, nhà băng này công bố Khung Khoản vay bền vững để cung cấp các sản phẩm khoản vay xanh, xã hội, liên kết bền vững cho các khách hàng doanh nghiệp trong nước. Tháng 5/2023, ngân hàng này tiếp tục ban hành quy định quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.