Số liệu mới công bố của WGC cho biết, tiêu thụ vàng trong quý III của Việt Nam đạt 12 tấn. Trong đó, tiêu thụ vàng thỏi và xu vàng chiếm 8,5 tấn, còn lại là vàng trang sức với 3,5 tấn. Trong khi cùng kỳ 2021, tiêu thụ vàng của Việt Nam giảm sâu, với tổng cộng chỉ 3,3 tấn, do rơi vào giai đoạn cao điểm của Covid-19.

Nhờ sự hồi phục này, tổng tiêu thụ vàng trong 9 tháng đầu năm nay đạt 45,6 tấn, nhỉnh hơn mức 45 tấn của cùng kỳ 2019, tức giai đoạn trước dịch. Trong khi đó, vào 9 tháng đầu năm ngoái, do ảnh hưởng dịch, người Việt chỉ tiêu thụ 34,5 tấn vàng, chủ yếu do sức mua kém đột ngột trong quý III.

Ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) của WGC cho rằng sự hồi phục kinh tế của Việt Nam đã giúp nhu cầu vàng quý vừa qua tăng trở lại.

"Cùng với việc dỡ bỏ các lệnh phong tỏa và hạn chế trong việc phòng chống Covid-19, các hoạt động kinh tế đang trở lại trạng thái bình thường, đáng lưu ý là sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam", ông Andrew Naylor chỉ ra.

mua-vang-17-7684-1667813972.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=B27H5tnfGWIcLfQoAPzsaQ

Người dân mua vàng, vàng SJC, trang sức tại tiệm vàng ở quận Bình Thạnh. Ành: Quỳnh Trần

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành cũng phản ánh xu hướng do WGC ghi nhận. Trong quý III, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ròng tăng lần lượt 104% và 132% so với cùng kỳ 2021. Chín tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của PNJ đạt 1.340 tỷ đồng, hoàn thành 101,5% kế hoạch.

Trên thị trường, giá vàng miếng SJC lập đỉnh 3 tháng trong phiên 5/11 với mua vào 66,7 triệu đồng và bán ra 67,7 triệu đồng mỗi lượng. Đến hôm nay (20/11), giá vàng miếng SJC đã hạ nhiệt 100.000 đồng mỗi lượng, xuống còn 66,6 triệu đồng mua vào và 67,6 triệu đồng bán ra.

WGC cho biết nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu (không bao gồm thị trường OTC) trong quý III đạt 1,181 tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu tăng mạnh đã thúc đẩy tổng số tiêu thụ từ đầu năm đến nay lên mức trước đại dịch. Nhu cầu tiêu thụ vàng được thúc đẩy bởi người tiêu dùng và các ngân hàng trung ương, mặc dù nhu cầu đầu tư đã có sự sụt giảm.

"Bất chấp nền kinh tế vĩ mô không ổn định, nhu cầu tiêu thụ vàng trong năm nay đã cho thấy, kim loại quý này vẫn giữ vị thế là một tài sản trú ẩn an toàn, và vị thế này còn được củng cố thêm bởi thực tế rằng vàng có lợi suất hơn hầu hết loại tài sản khác trong năm nay", Bà Louise Street, Chuyên gia Nghiên cứu Thị trường Cấp cao tại Hội đồng Vàng Thế giới, nhận xét.

Chuyên gia này dự đoán hoạt động mua và đầu tư bán lẻ vàng của các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng. Việc này có thể giúp bù đắp cho sự suy giảm trong kênh đầu tư vàng trên các sàn OTC và quỹ hoán đổi danh mục (ETF), nếu USD vẫn tiếp tục tăng giá.

"Chúng tôi cũng kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ đồ trang sức tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ ở một số khu vực như Ấn Độ và Đông Nam Á, trong khi nhu cầu vàng trong lĩnh vực công nghệ có thể sẽ suy giảm khi nền kinh tế suy giảm", bà nói.

Dỹ Tùng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022