Châu Á chưa lần nào hiện diện nhiều tại World Cup như năm nay, cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Sáu đội bóng châu Á trong tổng số 32 đội sẽ thi đấu tại World Cup 2022 – con số lớn nhất từ trước đến nay. Còn ở ngoài sân cỏ, các doanh nghiệp châu Á chiếm chín trong số 14 đối tác và nhà tài trợ cho ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh của FIFA.

Đây là sự thay đổi lớn so với kỳ World Cup lần đầu tiên được tổ chức ở châu Á 20 năm trước khi Nhật Bản và Hàn Quốc đồng đăng cai. Lúc đó, chỉ có 6 trong số 15 nhà tài trợ của giải đấu này đến từ châu Á, còn lại phần lớn của châu Âu và Mỹ.

Tài trợ là một vấn đề quan trọng đối với FIFA. Sau bản quyền truyền hình, tài trợ là nguồn thu nhập lớn nhất, chiếm 1,35 tỷ USD, tương đương 29% tổng doanh thu của tổ chức này năm 2022. Việc bán bản quyền phát sóng mang về cho FIFA hơn 2,6 tỷ USD.

Những nhà tài trợ cho World Cup được chia thành hai nhóm gồm: các doanh nghiệp, đối tác có quan hệ lâu dài với FIFA như Coca-Cola, McDonald’s, Budweiser... và những công ty toàn cầu và khu vực chỉ tài trợ một sự kiện riêng lẻ.

Trong số những cái tên lần đầu tiên tài trợ World Cup có startup giáo dục của Ấn Độ Byju's, dù đội tuyển nước này không được tham dự World Cup. Tương tự, Trung Quốc cũng không có đội bóng tham dự giải đấu nhưng có bốn nhà tài trợ và Singapore có một.

Hàn Quốc - có đội tuyển thi đấu tại World Cup - đóng góp một nhà tài trợ là Hyundai-Kia. Trong khi nước chủ nhà Qatar có hai nhà tài trợ.

FIFA-Hyundai-World-Cup-00-4433-1668746154.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fqIs1kJ2I-T6mIimENvw-Q

Xe điện Huyndai - nhà tài trợ chính thức của World Cup 2022 đỗ trước sân vận động tổ chức trận chung kết Lusail, Qatar. Ảnh: Huyndai

Các đội bóng châu Á tham dự vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng các nhà tài trợ từ khu vực này hy vọng sẽ tiếp cận được lượng khán giả lớn cả trong thị trường nội địa lẫn quốc tế. Theo báo cáo của FIFA, World Cup 2018 tại Nga ghi nhận 1,6 tỷ lượt người xem ở châu Á, chiếm 43% trên toàn cầu.

"Thị trường truyền hình châu Á rất lớn, dù khả năng sinh lời tính theo đầu người có lẽ không bằng những nơi khác trên thế giới. Dẫu vậy, sức hấp dẫn của thị trường châu Á sẽ tăng lên trong 10 năm tới", Simon Chadwick, Giáo sư thể thao và kinh tế địa chính trị tại Trường kinh doanh Skema có trụ sở tại Paris, nói.

World Cup 2018, ba trong số năm quốc gia dẫn đầu về lượng người xem là ở châu Á gồm Indonesia, Ấn Độ và Trung Quốc. Những con số như vậy đang khích lệ các nhà tài trợ như Byju's.

Theo Arunava Chaudhuri, nhà tư vấn thể thao người Ấn Độ từng làm việc với các câu lạc bộ lớn ở châu Âu, xu hướng các doanh nghiệp châu Á tài trợ cho bóng đá đã có từ lâu, nhưng rất ít tên tuổi từ Ấn Độ. Như vậy, việc Byju's tài trợ cho World Cup là một bước tiến lớn. "Họ coi thể thao là một cách để kết nối với người tiêu dùng tiềm năng, đồng thời giúp công chúng biết đến thương hiệu và sản phẩm", ông nói.

Byju's đặt mục tiêu tiếp cận 10 triệu sinh viên ở Ấn Độ vào năm 2025 và cũng muốn xây dựng thương hiệu trên thế giới. "Chúng tôi rất vui mừng được tài trợ cho World Cup 2022. Chúng tôi cũng rất tự hào khi đại diện cho Ấn Độ trên đấu trường danh giá toàn cầu và ủng hộ sự hội nhập giữa giáo dục, thể thao", người sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Byju Raveendran chia sẻ khi Byju's công bố hợp đồng tài trợ World Cup hồi tháng 3.

Các nhà tài trợ Trung Quốc cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội tiếp cận lượng lớn khán giả trong nước và quốc tế. Trung Quốc chiếm 18% lượng khán giả toàn cầu tại World Cup 2018. Hiện tại, các doanh nghiệp nước này chiếm hơn một phần tư các nhà tài trợ cho kỳ World Cup tại Qatar.

"Các công ty Trung Quốc coi tài trợ như một chiến lược tiếp thị hoặc mua bán thương mại. Đây là cơ hội để họ đưa tên tuổi ra toàn cầu hoặc cho người tiêu dùng ở Trung Quốc thấy rằng doanh nghiệp trong nước sánh vai cùng các thương hiệu gia dụng lớn trên thế giới", Andrew Woodward, cựu giám đốc tài trợ toàn cầu của Visa nhận xét.

Tuy nhiên, năm nay Nhật Bản không có doanh nghiệp nào tài trợ World Cup. Giáo sư Chadwick cho rằng có điều gì đó khiến các công ty Nhật không sẵn lòng chi tiêu lớn, cũng như lo ngại về khả năng hoàn vốn từ những khoản đầu tư quảng cáo này.

Hợp đồng đối tác một năm của World Cup có giá trị từ 25 triệu đến 50 triệu USD và nhà tài trợ là khoảng 10-25 triệu USD. Năm 2014, ông lớn Nhật Bản Sony đã chấm dứt 8 năm gắn bó với FIFA sau khi tổ chức này dính vào một loạt vụ bê bối tham nhũng liên quan đến việc trao quyền tổ chức World Cup cho Qatar.

Tú Anh(theo Nikkei)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022