Shoichiro Toyoda là con của nhà sáng lập Toyota Kiichiro Toyoda và là cha của CEO hiện tại Akio Toyoda. Ông qua đời hôm 14/2 ở tuổi 97, vì bệnh tim.
Ông gia nhập công ty năm 1952, dẫn dắt Toyota trong quá trình hãng xe Nhật Bản mở rộng sản xuất sang Mỹ, ra mắt thương hiệu xe sang Lexus và xe chạy điện-xăng Prius. Ông cũng là người giúp Toyota được công nhận trên toàn cầu về mô hình mới quản lý chất lượng trong sản xuất.
Toyoda tốt nghiệp Đại học Nagoya với bằng kỹ sư. Dù xuất thân từ gia đình sáng lập Toyota, ông lại không có một khởi đầu dễ dàng.
Toyoda từng có thời gian làm việc tại một nhà bán sản xuất bánh cá ở Hokkaido. Do khi đó, ông chưa định hình được một hãng xe sẽ hồi phục thế nào sau Đại chiến Thế giới II.
Sau cái chết đột ngột của cha mình vào năm 1952, Shoichiro mới được bổ nhiệm làm lãnh đạo tại Toyota. Ông phải học hỏi về quản lý từ các lãnh đạo trước đó tại công ty như Taizo Ishida, Eiji Toyoda... Công việc đầu tiên của Shoichiro tại Toyota là kiểm tra những chiếc xe bị khách hàng trả lại do lỗi.
Shoichiro Toyoda ngồi trong một chiếc Toyota năm 2000. Ảnh: Reuters
Năm 1957, sau khi lái thử chiếc Toyopet Crown đi khắp nước Mỹ, ông gợi ý công ty xuất khẩu mẫu xe này. Đây là sản phẩm đầu tiên hãng xe Nhật xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Toyota định vị chiếc xe này dành cho các gia đình có ngân sách eo hẹp.
Tuy nhiên, ý tưởng kinh doanh này đã thất bại. Người Mỹ cho rằng Toyopet Crown ì ạch, thiếu sức mạnh trong thời đại của những chiếc xe có động cơ cỡ lớn.
Sau bài học này, ông đã đến nhà máy, khuyến khích các công nhân Toyota đưa ra đề xuất về những phương pháp sản xuất tối ưu hơn, giải quyết các lỗi thiết kế có thể xảy ra. "Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Tuy nhiên, tôi đã rút ra bài học từ nhận định sai của mình và quyết tâm phát triển xe chất lượng cao", ông nói.
Toyoda giữ vai trò chủ tịch Toyota Motor giai đoạn 1992 – 1999. Năm 1994, ông làm thêm chức Chủ tịch liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren). Đây là một vị trí cần cách điều hành tinh tế trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản gặp khó. Bên cạnh đó, Mỹ và Nhật Bản cũng đang rơi vào căng thẳng thương mại.
Ôtô khi đó đóng góp một nửa thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản. Điều này khiến Toyota - hãng xe lớn nhất Nhật Bản - chịu nhiều áp lực từ Washington.
Giám đốc Toyota lúc đó là Tatsuro Toyoda – em trai của Shoichiro không thể chịu trách nhiệm chính vì lý do sức khỏe. Với tư cách là chủ tịch, Shoichiro Toyoda đã phối hợp với Đại sứ Mỹ Walter Mondale để giải quyết các khúc mắc, trong đó có nhập khẩu thêm linh kiện từ Mỹ, góp phần cứu vãn các cuộc đàm phán thương mại song phương.
Đồng thời, ông đẩy mạnh việc sản xuất xe tại Mỹ. Đây chính là nền tảng để Toyota vươn lên trở thành nhà sản xuất ôtô hàng đầu thế giới.
Ông nội và cha của Toyoda đều là những người nổi tiếng với cá tính mạnh. Nhưng Shoichiro Toyoda thì ngược lại. Ông rất khiêm tốn khi nói về bản thân. Ông vẫn nhận mình là một kỹ sư ngay cả khi là thủ lĩnh Keidanren. Toyoda cũng là một người biết lắng nghe.
Ông thôi lãnh đạo Toyota và trở thành chủ tịch danh dự năm 1999. Dù vậy, ông vẫn tiếp tục động viên các nhân viên trẻ của hãng khi đến thăm các cơ sở sản xuất.
Trong những năm cuối đời, với niềm đam mê ôtô, Toyoda vẫn dành thời gian ngồi sau các mẫu xe mới của Toyota trên đường chạy thử. Một giám đốc điều hành trẻ của Toyota kể rằng Toyoda luôn là người ở lại cuối cùng tại mỗi sự kiện lái thử xe.
Theo Nikkei, chính sự đam mê này của Toyoda đã thúc đẩy Toyota tạo ra thương hiệu xe sang Lexus. Ông có tham vọng phát triển những mẫu xe vượt qua các loại ôtô của Đức.
Sự tận tâm của ông cũng ăn sâu vào văn hóa của Toyota. Theo Harvard Business Review, ông có các quy tắc như tắt đèn công ty vào giờ ăn trưa để tiết kiệm tiền, thiết kế văn phòng cân nhắc tới từng inch để sử dụng được tối đa và giảm thiểu chi phí.
Khi các nhà máy của Toyota mở rộng khỏi Nhật Bản, ông cũng thực thi nghiêm ngặt triết lý hàng tồn kho đúng thời điểm. Việc này nhằm giúp các nhà máy chuyển đổi mô hình sản xuất nhanh chóng, đáp ứng những thay đổi trong nhu cầu của khách hàng.
Tú Anh (theo Nikkei, Washingtonpost)